Luật pháp của Brasil được xây dựng dựa trên nguyên lý bộ luật La Mã – Germania. Brasil không có một bộ luật thương mại duy nhất bao trùm toàn bộ mà có nhiều luật, có biện pháp tạm thời, nghị định và nghị quyết điều chỉnh hoạt động ngoại thương. Hệ thống các quy tắc điều chỉnh này đôi khi chồng chéo, gây khó khăn trong việc hiểu đúng chính sách thương mại. Phần chính của các luật lại thường được sửa đổi bằng việc sử dụng các biện pháp thương mại tạm thời do Tổng thống đề ra. Các quy tắc điều chỉnh cũng thường xuyên sửa đổi bằng các đạo luật Nhà nước. Những năm gần đây, chính quyền Brasil đang nỗ lực cập nhật toàn bộ hệ thống luật của mình trên Internet và nâng cao tính minh bạch, giảm thiểu sự phức tạp trong các quy định, nghị quyết. Tuy vậy, hệ thống pháp luật Brasil vẫn gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam cho việc thâm nhập thị trường đầy tiềm năng này.
2.4.2.3. Sự cạnh tranh của các đối thủ lâu năm tại thị trường Brasil
Brasil là thị trường mới mẻ đối với Việt Nam, nhưng lại rất quen thuộc với các nền kinh tế khác như Mỹ, Liên minh châu Âu(EU), Nhật Bản, Trung Quốc,… Việt Nam gia nhập muộn vào thị trường Brasil nên gặp rất nhiều trở ngại từ các nước láng giếng trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc. Trong năm 2011, kim ngạch trao đổi thương mại song phương giữa Trung Quốc và Brasil lên đến 77,1 tỷ USD. Trong khi đó, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Brasil chỉ đạt 1,4 tỷ USD.
Nhiều đối thủ lớn quen thuộc của Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia,… với cơ cấu xuất khẩu gần giống Việt Nam đã xuất hiện từ lâu tại thị trường Brasil. Đơn cử mặt hàng may mặc, có thể nói, mặt hàng này đang là thế mạnh của Trung Quốc không chỉ trong thị trường Brasil mà trên toàn thế giới.
Như vậy, Việt Nam cần rất nhiều cố gắng nếu muốn tồn tại và phát triển trong thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng rất khắc nghiệt này.
2.4.2.4. Khác biệt trong văn hoá kinh doanh.
Một nét văn hoá quan trọng trong kinh doanh của người Brasil đó là rất coi trọng những mối quan hệ làm ăn lâu dài và đúng đắn. Trong khi đó, từ trước đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn giữ thói quen làm ăn chộp giật. Nếu không từ bỏ cách làm ăn này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó khăn trong việc tồn tại cũng như phát triển trong thị trường đầy tiềm năng như Brasil.
Một điểm đáng chú ý nữa trong văn hoá Brasil đó là cách giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định, người Brasil thường dựa trên những cảm giác chủ quan của mình. Do vậy, tạo được thiện cảm với các đối tác Brasil là một lợi thế trong việc làm ăn, buôn bán. Bên cạnh đó, người Brasil còn rất coi trọng người nước ngoài nói được tiếng Bồ Đầu Nha. Đây cũng là một khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam vì số lượng người Việt Nam sử dụng thành thạo ngôn ngữ này không nhiều.
Kết luận chương II
Qua nghiên cứu chương II, ta có thể thấy rằng sự phát triển thương mại giữa Việt Nam và Brasil là một tất yếu khách quan của quá trình toàn cầu hoá. Xu hướng tự do hoá thương mại đã xích các nước lại gần nhau hơn.
Tuy nhiên, mối quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước chưa phát triển như mong đợi. Kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng nhưng tỷ trọng vẫn chưa lớn, cơ cấu hàng xuất nhập khẩu vẫn chưa phong phú đa dạng. Trong thời gian tới, hai nước cần nỗ lực mở rộng hơn nữa cơ cấu xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, thương mại dịch vụ giữa hai nước chưa được chú trọng, vẫn đang còn bỏ ngỏ.
Quan hệ đầu tư giữa hai nước vẫn chưa được quan tâm đúng mức, hầu như mới chỉ dừng lại ở quan hệ ngoại giao.
Chương II cũng chỉ ra những khó khăn cũng như thuận lợi khi tham gia vào thị trường rộng lớn này. Dựa trên những khó khăn thuận lợi đó, chương III sẽ chỉ ra triển vọng phát triển và giải pháp phát triển thương mại giữa hai nước.
Chương III: TRIỂN VỌNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN QUAN HỆ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BRASIL
3.1. Triển vọng phát triển quan hệ thương mại Việt Nam – Brasil
3.1.1. Mục tiêu và phương hướng phát triển thương mại của Việt Nam
Căn cứ vào tình hình phát triển của đất nước cũng như diễn biến kinh tế trên thế giới, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra những định hướng lớn cho hoạt động ngoại thương như sau:
• Định hướng phát triển xuất khẩu
Chiến lược phát triển xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2011 -2020 đề ra mục tiêu là: “Nỗ lực gia tăng tốc độ tăng trưởng góp phần đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tạo công ăn việc làm, thu ngoại tệ; chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gia tăng sản phẩm chế biến và chế tạo, các loại sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ; mở rộng và đa dạng hoá thị trường và phương thức kinh doanh; hội nhập thắng lợi vào kinh tế khu vực và thế giới”.
Trên cơ sở mục tiêu định hướng chung nêu trên, một số định hướng cụ thể phát triển xuất khẩu trong giai đoạn 2011 -2020 là:
Xác định phát triển xuất khẩu các mặt hàng phù hợp với xu hướng biến đổi của thị trường thế giới và lợi thế của Việt Nam là khâu đột phá trong phát triển xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Các mặt hàng mới là các mặt hàng chế tạo công nghệ trung bình và công nghệ cao.
Giai đoạn 2011 – 2015 tập trung phát triển xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế về điều kiện tự nhiên và lao động rẻ như thuỷ sản, nông sản, dệt may, điện tử, các sản phẩm chế tác công nghệ trung bình,…Tuy nhiên, cẩn chuẩn bị điều kiện để gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng chế biến.
Giai đoạn 2016 – 2020 tập trung phát triển các mặt hàng công nghệ mới có giá trị gia tăng cao và chất xám cao, trên cơ sở thu hút mạnh đầu tư trong nước và nước ngoài vào các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu, những ngành chế tạo công nghệ trung bình và công nghệ cao.
Chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng giảm xuất khẩu hàng thô, nông sản, thuỷ sản, tăng tỷ trọng hàng công nghiệp đặc biệt là hàng công nghiệp chế tạo như điện tử, viễn thông, vật liệu xây dựng, đồ gỗ,…
Không khuyến khích phát triển sản xuất các mặt hàng thu hút nhiều lao động, ô nhiễm môi trường, giá trị gia tăng thấp. Chú trọng phát triển các mặt hàng xuất khẩu thân thiện môi trường, hạn chế sử dụng năng lượng và tài nguyên.
Tập trung phát triển thị trường cho các sản phẩm có sức cạnh tranh lớn, có giá trị gia tăng cao hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch lớn. Trước hết là khai thác cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu và các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Mercosur,… Khai thác các thị trường tiềm năng như Nga, Đông Âu, Châu Phi và Mỹ La tinh,…
• Định hướng nhập khẩu
Khuyến khích nhập khẩu công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ nguồn trên cơ sở khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do với các nước có nền công nghiệp phát triển.
Hạn chế nhập khẩu các loại hàng hoá sản xuất trong nước, nhập khẩu hàng xa xỉ, có chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu
Áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước, hạn chế ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khoẻ, thông qua việc xây dựng các biện pháp phi thuế quan phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, các biện pháp tự vệ khẩn cấp, áp thuế chống bán phá giá, các tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch thực vật,…
Ngăn chặn việc nhập lậu hàng từ ASEAN và Trung Quốc để bảo vệ hàng xuất trong nước. Tranh thủ mở cửa thị trường trong các FTA để đa dạng hoá thị trường nhập khẩu và nhập khẩu công nghệ nguồn.
Để thực hiện mục tiêu trên, Việt Nam hiện tại sử dụng nhiều công cụ quản lý điều hành nhập khẩu. Các công cụ quản lý xuất nhập khẩu rất nhiều, phức tạp và đa dạng. Nhưng tựu chung lại có hai nhóm là thuế quan và phi thuế quan.
Về lĩnh vực thuế quan, Việt Nam cam kết thực hiện chương trình thương mại mở và tự do trong khu vực bằng cách giảm dần thuế quan, đảm bảo hệ thống chế độ
thuế quan của nước mình luôn luôn được công bố rõ ràng. Hàng năm Việt Nam đều thông báo kết quả giảm thuế của Việt Nam để thực hiện tự do hoá thương mại.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng rất tích cực trong việc giảm dần thuế quan tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư quốc tế, qua đó tạo điều kiện khuyến khích việc chuyển giao kỹ thuật đổi mới công nghệ trong nước, tranh thủ ưu đãi về thuế mở rộng thị trường cho xuất khẩu và thu hút đầu tư.
Xuất phát từ định hướng trên, chiến lược xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng mở rộng ra khai phá thị trường Mỹ La tinh. Tại khu vực Mỹ La tinh, Brasil chính là cửa ngõ quan trọng để xâm nhập thị trường rộng lớn này bởi đây là thị trường có sức tiêu thụ lớn, là nền kinh tế có ảnh hưởng lớn trong khu vực. Các doanh nghiệp cần tăng cường khảo sát, tìm hiểu thị trường này. Chúng ta cần tập trung vào những mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam như hàng thuỷ sản, giày dép, linh kiện điện tử.
Như vậy, trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam cần củng cố chỗ đứng trên thị trường Brasil và tăng cường mở rộng sang thị trường khác trong khu vực Mỹ La tinh như Argentina, Mexico, Panama.
3.1.2. Triển vọng phát triển kinh tế hai nước
Cộng hòa Liên bang Brasil là quốc gia rộng lớn, và có nền kinh tế phát triển nhất khu vực Mỹ La tinh. Brasil có diện tích đất đai màu mỡ, khí hậu thuận lợi cho canh tác nông nghiệp trồng trọt cây lương thực, rau quả, chăn nuôi sản phẩm thịt sữa. Bên cạnh đó, Brasil còn có nguồn lao động dồi dào có lợi thế cạnh tranh, một bộ phận lao động có tay nghề khá tốt trong các ngành lắp ráp xe hơi, máy bay, điện máy và các sản phẩm chế tạo.
Hiện nay, chính phủ của nữ Tổng thống Dilma Rousseff hiện đang tiếp nối đường lối và chính sách đề cao độc lập chủ quyền và quyền tự quyết; chủ trương củng cố và phát triển mọi mặt khối MERCOSUR; thúc đẩy liên kết, hội nhập khu vực, đồng thời quan tâm đẩy mạnh quan hệ với các nước ở các khu vực khác, trong đó chú trọng châu Á - Thái Bình Dương. Brasil có vai trò quan trọng tại khu vực và ngày càng tăng trên trường quốc tế. Brasil là thành viên của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế, năng động, tích cực và có nhiều sáng kiến trong nhiều vấn đề đa phương.
Trên phương diện đa phương, hai nước cùng quan điểm về cải cách Liên hợp quốc và nhiều vấn đề quốc tế khác. Brasil đã sớm ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ
chức Thương mại Thế giới, ứng cử làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khóa 2008-2009, cam kết xem xét tích cực công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam.
Và ngược lại, Việt Nam khẳng định ủng hộ Brasil ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2010-2011 và trở thành Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mở rộng. Hai nước cũng đã ký nhiều hiệp định, văn bản hợp tác trên nhiều lĩnh vực và đang tiếp tục thúc đẩy đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác khác, nhằm làm đầy đủ hơn hành lang pháp lý cho việc phát triển quan hệ giữa hai nước.
Cùng với việc Việt Nam và Brasil đều là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới WTO, triển vọng phát triển kinh tế của hai nước càng được khẳng định.
Mức thu nhập bình quân đầu người GDP của Brasil ở mức trung bình khá trên thế giới. Thị hiếu tiêu dùng hàng hóa của đại bộ phận nhân dân lao động vẫn ưa chuộng hàng nhập khẩu từ nước ngoài, yêu cầu chất lượng sản phẩm phù hợp với điều kiện sản xuất của Việt Nam, không quá cao như ở các nước công nghiệp phát triển.
Gần đây, xuất khẩu một số mặt hàng điện - điện tử, cơ khí đã có xu thế tăng nhanh, đặc biệt hàng thủy sản như cá tra, basa được nhân dân Brasil ưa chuộng. Kim ngạch hai chiều Việt Nam – Mỹ Latinh có nhiều triển vọng đạt 2 tỷ USD vào những năm 2015 khi nền kinh tế thế giới hoàn toàn ra khỏi khủng hoảng và giới doanh nghiệp am hiểu đầy đủ về thị trường này.
Brasil có ngành công nghiệp khai khoáng khá phát triển.Việt Nam có thể hợp tác với Brasil để sản xuất khai thác và nhập khẩu trực tiếp với giá cạnh tranh. Qua đó ta giảm bớt được tỷ lệ nhập siêu hiện nay.
Như vậy, Việt Nam và Brasil có nhiều tiềm năng có thể hợp tác bổ trợ cho nhau trên nhiều lĩnh vực. Cùng với quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại phát triển ngày càng tốt đẹp, hai bên đã thỏa thuận mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khoa học - công nghệ, năng lượng, y tế, văn hóa, du lịch, thể thao. Brasil sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với Việt Nam về đào tạo nguồn nhân lực; quan tâm thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực: năng lượng, chế tạo máy, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, y tế...
3.2. Giải pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước Việt Nam – Brasil