LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM VIỆT NAM.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hệ thống kế toán áp dụng cho Công ty TNHH Bảo hiểm Quốc tế Mỹ tại Việt Nam.pdf (Trang 25 - 29)

DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM VIỆT NAM.

1.1 Lịch sử hình thành và phát triển của chế độ kế toán dành cho các doanh nghiệp tại Việt Nam. nghiệp tại Việt Nam.

Chế độ kế toán doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam được ra đời vào năm 1970 theo quyết định số 425 TC/CĐKT của Bộ tài chính để đáp ứng yêu cầu quản lý xí nghiệp của nước ta trong thời kỳ xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Mục tiên của chế độ kế toán này nhằm cung cấp thông tin một cách có hệ thống và toàn diện tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất – kỹ thuật – tài chính của nền kinh tế. Năm 1975 khi đất nước hoàn toàn thống nhất, chế độ kế toán đầu tiên này vẫn tiếp tục được áp dụng trên toàn đất nước Việt Nam.

Năm 1986 khi đất nước tiến hành cải cách toàn diện nền kinh tế quốc dân, chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hoá theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thì chế độ kế toán hiện hành đã không còn phù hợp với cơ chế kinh tế mới nữa. Do đó để phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, sự cải tiến không ngừng của công tác quản lý kinh tế – tài chính, Bộ tài chính đã ban hành chế độ kế toán mới theo quyết định số 212 TC/CĐKT vào ngày 15/12/1989. Hệ thống tài khoản kế toán của chế độ kế toán mới này được xây dựng một cách khoa học hơn so với hệ thống tài khoản của chế độ kế toán cũ, nó giảm đi một số tài khoản, số lượng báo cáo tài chính ít hơn, giảm bớt các chỉ tiêu báo cáo nhưng vẫn cung cấp đầy đủ thông tin cho các đối tượng sử dụng.

Giai đoạn từ năm 1990 đến nay là giai đoạn nền kinh tế đất nước chuyển từ cơ chế kế hoạc hóa theo phương thức hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa theo nguyên tắc tập trung dân chủ sang cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Để có thể đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, tài chính, tăng cường công tác hạch toán kế toán của các doanh nghiệp, đồng thời cũng áp dụng một cách có chọn lọc các nguyên tắc, chuẩn mực kế toán của các nước có nền kinh tế thị trường phát triển để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, Bộ tài chính đã ban hành quyết định

số 1141-TC/QĐ/CĐKT áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế kể từ ngày 1-1-1996. Trong suốt quãng thời gian kể từ ngày ban hành quyết định số 1141 cho đến nay, Bộ tài chính đã ra nhiều quyết định để sửa đổi hoặc bổ sung một số thành phần chủ yếu của chế độ kế toán nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển không ngừng của nền kinh tế trong nước và phù hợp với tình hình phát triển của kinh tế thế giới. Ví dụ như quyết định số 167/2000/QĐ-BTC ban hành chế độ báo cáo tài chính doanh nghiệp thay thế cho chế độ báo cáo tài chính doanh nghiệp của quyết định số 1141, việc thay thế này để đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý kinh tế tài chính của các doanh nghiệp và các đối tượng có liên quan.

1.2 Sự hình thành và phát triển của chế độ kế toán dành cho các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam. nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam.

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 1965 với sự ra đời của Công ty Bảo hiểm Việt Nam. Tuy nhiên vào thời điểm này đất nước đang ở trong bối cảnh của cuộc kháng chiến chống xâm lược, nên hoạt động bảo hiểm chỉ kinh doanh bảo hiểm hàng hải. Do đó công ty Bảo hiểm Việt Nam đã sử dụng chung hệ thống chế độ kế toán thống nhất cho tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân.

Đứng trước nhu cầu đổi mới nền kinh tế nói chung và hoạt động bảo hiểm nói riêng, để bảo hiểm thương mại phát triển hơn, ngày 18/12/1993, nhà nước đã ban hành Nghị định 100 CP về kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam, cho phép các thành phần kinh tế khác và các nhà đầu tư nước ngoài được phép kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam, đặt dấu mốc quan trọng cho sự hình thành thị trường bảo hiểm tại Việt Nam. Để hệ thống kế toán đáp ứng được yêu cầu quản lý trong tình hình mới, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, cân nhắc và cụ thể hóa vào từng loại hình doanh nghiệp cụ thể, sự khác nhau về lĩnh vực hoạt động, tính chất, đặc điểm, quy trình sản xuất kinh doanh, đặc điểm tổ chức quản lý và quy mô hoạt động của doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn đến việc vận dụng hệ thống kế toán. Ngành kinh doanh bảo hiểm là một hoạt động đặc thù thuộc lĩnh vực tài chính, tín dụng, tiền tệ, bảo hiểm có những đặc điểm và yêu cầu quản lý riêng. Do chế độ kế toán thống nhất theo quyết định 1141 không đáp ứng được các yêu cầu quản lý của hoạt động kinh doanh bảo hiểm nên ngày 16-1-1997, Bộ tài chính đã có quyết định số 1296 TC/QĐ/CĐKT ban hành

hệ thống chế độ kế toán áp dụng cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Chế độ kế toán doanh nghiệp bảo hiểm được ban hành để tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng hệ thống kế toán trong thực tế đồng thời tôn trọng tuyệt đối nguyên tắc thiết kế của quyết định số 1141.

Sự khác biệt của chế độ kế toán bảo hiểm (theo quyết định số 1296) và chế độ kế toán thống nhất (theo quyết định số 1141) được thể hiện như sau:

- Về hệ thống tài khoản:

+ Đối với các tài khoản cấp một: do hoạt động kinh doanh bảo hiểm không tạo ra sản phẩm vật chất nên các tài khoản liên quan đến sản xuất sản phẩm không sử dụng đến như tài khoản 155 “Thành phẩm”, 611 “Mua hàng”, 621 “Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp”, 622 “Chi phí nhân công trực tiếp”, 627 “Chi phí sản xuất chung” và 631 “Giá thành” và tài khoản 133 “Thuế GTGT được khấu trừ”. Đồng thời nó cũng được bổ sung thêm một số tài khoản cấp một khác như 513 “Doanh thu phát sinh”, 533 “Chuyển phí nhượng tái bảo hiểm”.

+ Đối với các tài khoản phản ánh các khoản nợ phải thu, nợ phải trả và các tài khoản liên quan đến doanh thu hoạt động như: 511 “Doanh thu thực thu”, 513 “Doanh thu phát sinh”, 531 “Hàng bán bị trả lại” và 532 “Giảm giá hàng bán” đều có các tài khoản cấp hai phân tích theo từng loại hình hoạt động là kinh doanh bảo hiểm gốc, kinh doanh nhận tái bảo hiểm và kinh doanh nhượng tái bảo hiểm. Ngoài ra hệ thống tài khoản của doanh nghiệp bảo hiểm còn được bổ sung thêm hai tài khoản cấp hai là 3351 “Dự phòng nghiệp vụ” và 3385 “Các khoản thu giảm chi phí kinh doanh bảo hiểm gốc” để phản ánh các nghiệp vụ liên quan đến hoạt động bảo hiểm. + Bên cạnh đó, khác với hệ thống tài khoản áp dụng cho các doanh nghiệp chỉ quy định đến tài khoản cấp 2, hệ thống tài khoản của các doanh nghiệp bảo hiểm còn được quy định chi tiết đến tài khoản cấp 3 dùng để ghi chép chi tiết các nghiệp vụ đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm như: bồi thường, giám định, hoặc hoa hồng đại lý…

- Đối với báo cáo tài chính:

+ Bảng cân đối kế toán: xuất hiện một số dòng bổ sung chi tiết ba loại hình kinh doanh bảo hiểm trong các chỉ tiêu phải thu của khách hàng, phải trả cho người bán và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang. Đồng thời cũng bổ sung thêm một số các chỉ tiêu đặc biệt của ngành bảo hiểm như: doanh thu chưa thanh toán, các khoản điều chỉnh giảm doanh thu và các quỹ dự phòng nghiệp vụ. Và thay đổi chỉ tiêu “Thành phẩm tồn kho” thành chỉ tiêu “Chi phí hoạt động khác dở dang”.

+ Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh: được thiết kế hoàn toàn riêng cho hoạt động bảo hiểm nhằm thể hiện được những chỉ tiêu đặc thù của ngành kinh doanh bảo hiểm.

Sau một thời gian áp dụng chế độ kế toán bảo hiểm vào trong thực tế, đã xuất hiện một số nhược điểm như sau:

- Các tài khoản phản ánh hoạt động đầu tư đều giống với tài khoản của các doanh nghiệp khác trong khi hoạt động đầu tư là hoạt động kinh doanh đứng thứ hai sau hoạt động kinh doanh bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm.

- Các tài khoản phản ánh các nghiệp vụ bảo hiểm mặc dù đã được chi tiết đến tài khoản cấp 3 nhưng vẫn còn thiếu một số các tài khoản chi tiết cho các nghiệp vụ cơ bản như: phí đại lý yêu cầu người thứ ba bồi hoàn, phí đại lý xử lý hàng đã bồi thường 100% hay phí giám định tổn thất… Bên cạnh đó đối với các tài khoản phản ánh doanh thu phí bảo hiểm cũng không có các tài khoản phản ánh doanh thu theo thời gian, và đối với các tài khoản chi phí cũng không được theo dõi chi tiết theo từng hoạt động đặc thù của nó như chi bồi thường, chi trả tiền bảo hiểm gốc hay chi tiết các khoản chi hoa hồng theo từng năm.

- Về bảng cân đối kế toán thì việc bổ sung thêm chỉ tiêu chi tiết của các chỉ tiêu phải thu khách hàng, phải trả người bán và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang là không cần thiết, vì những chỉ tiêu này đã được thể hiện ở phần

thuyết minh của báo cáo tài chính, và nó cũng không thống nhất với mẫu báo cáo kế toán đã được thay đổi theo quyết định số 167/2000 QĐ-BTC. - Đối với báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh mặc dù đã được thiết kế

dành riêng cho các doanh nghiệp bảo hiểm nhưng phần chỉ tiêu chi phí chỉ được theo dõi theo ba hoạt động chính là chi phí bảo hiểm gốc, chi phí nhận tái bảo hiểm và chi phí nhượng tái bảo hiểm chứ không phản ánh chi tiết của các khoản chi phí đó như chi phí hoa hồng, chi phí giám định hoặc chi phí đánh giá rủi ro của các đối tượng bảo hiểm…

Do đó để đáp ứng được yêu cầu quản lý kinh tế tài chính của các doanh nghiệp đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm đang ngày càng phát triển, đồng thời cũng để phù hợp với Luật kinh doanh bảo hiểm đã được Quốc hội thông qua vào năm 2000, Bộ tài chính đã ban hành quyết định số 150/2001/QĐ-BTC nhằm sửa đổi bổ sung chế độ kế toán dành cho doanh nghiệp bảo hiểm vào ngày 31/12/2001.

Quyết định 150 đã loại bỏ một số tài khoản không sử dụng trong doanh nghiệp bảo hiểm như: tài khoản 3385 “Các khoản thu giảm chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc”, 513 “Doanh thu phát sinh”, 512 “Doanh thu bán hàng nội bộ” và 632 “Giá vốn hàng bán”. Đồng thời nó cũng sửa đổi và bổ sung một số các tài khoản và chỉ tiêu trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm như đã được đề cập ở phần 2 của chương 1.

Tuy nhiên, trong thực tế khi áp dụng chế độ kế toán đã được sửa đổi bổ sung theo quyết định số 150, nó vẫn còn tồn tại một số các nhược điểm sẽ được đề cập ở mục 2 của chương này.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hệ thống kế toán áp dụng cho Công ty TNHH Bảo hiểm Quốc tế Mỹ tại Việt Nam.pdf (Trang 25 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(67 trang)