III. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận văn
1.3.1. Tình hình nghiên cứu vi nhân giống cây tràm ta trên thế giới
Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về khả năng thích ứng với các điều kiện sinh thái khác nhau cũng như các nghiên cứu về hàm lượng tinh dầu và chất lượng
gỗ của cây Tràm ta. Tuy nhiên, hiện chưa tìm thấy kết quả nào nghiên cứu về tái sinh in-vitro cây Tràm ta. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu tái sinh cây Tràm xuất xứ từ Úc (Melaleuca alternifolia).
Trong nghiên cứu cảm ứng tạo sẹo từ lá cây Tràm Úc (Melaleuca alternifolia) các tác giả đã sử dụng môi trường MS với sự kết hợp hoặc sử dụng riêng lẻ các chất điều hòa sinh trưởng thực vật như 2,4-D, IBA, NAA, Kinetin. Tỷ lệ mô sẹo cao nhất trên môi trường MS có bổ sung 3 mg/l 2,4-D và không có sự xuất hiện mô sẹo khi môi trường chỉ có NAA. Mô sẹo được tăng trưởng tốt nhất trên môi trường MS có bổ sung thêm 3 mg/l 2,4-D kết hợp với 2 mg/l kinetin. Các tác giả cũng cho rằng khi sử dụng auxin riêng lẽ hay kết hợp với cytokinin đều cho kết quả tương tự nhau trong tạo mô sẹo (Anna và cộng sự, 2007).
Trong nghiên cứu cảm ứng tạo chồi và rễ từ chồi nách của cây Tràm Úc (Melaleuca alternifolia), các tác giả đã phát hiện cụm chồi xuất hiện nhiều nhất trên môi trường MS với sự kết hợp chất điều hòa sinh trưởng thực vật là 0,5 mg/l BA và 0,1 mg/l NAA. Số chồi trung bình hình thành trên mỗi mẫu cấy là 23 chồi với 77% mẫu cấy tạo được cụm chồi. Cũng trên môi trường MS, nếu không có auxin thì không thấy tạo rễ từ cụm chồi. Nhưng khi bổ sung thêm vào môi trường MS 1mg/l IBA thì rễ xuất hiện trên 35% mẫu cấy (Nadia và cộng sự, 2012).