Viện Kiểm sát có nhiệm vụ thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong toàn bộ hoạt động thi hành hình phạt tử hình, từ kiểm sát nội dung quyết định thi hành bản án tử hình, thành phần Hội đồng thi hành án, kiểm sát việc thực hiện các thủ tục về thi hành án tử hình trong suốt quá trình từ khi tiến hành đến khi kết thúc việc thi hành án nhằm bảo đảm theo đúng quy định tại Điều 258, 259 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Viện Kiểm sát phải cử Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân
cấp tỉnh tham gia Hội đồng thi hành án tử hình. Trong Hội đồng thi hành án tử hình, đại diện Viện Kiểm sát phải thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật nhằm:
- Bảo đảm việc kiểm tra căn cước của người bị kết án trước khi thi hành án.
- Nếu người bị kết án là phụ nữ thì phải bảo đảm việc kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện không thi hành hình phạt tử hình được quy định tại Điều 35 Bộ luật hình sự năm 1999.
- Bảo đảm cho người bị kết án trước khi thi hành án được đọc các quyết định: quyết định thi hành án, quyết định không kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và quyết định không kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; bản sao quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm (nếu người bị kết án có đơn xin ân giảm án tử hình).
- Bảo đảm thực hiện quyền của người bị kết án được viết thư và gửi đồ vật cho thân nhân (nếu có).
- Bảo đảm việc thi hành hình phạt tử hình được thực hiện bằng hình thức xử bắn.
- Bảo đảm biên bản thi hành hình phạt tử hình phải phản ánh đúng, đầy đủ hoạt động thi hành án tử hình theo quy định của pháp luật.
- Bảo đảm quyết định hoãn thi hành án tử hình của Hội đồng thi hành án (nếu có) có căn cứ đúng pháp luật.
Sau khi kiểm sát thi hành hình phạt tử hình, Viện Kiểm sát thực hiện công tác kiểm sát đó có trách nhiệm báo cáo kết quả thi hành hình phạt tử hình cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng thời lập hồ sơ kiểm sát thi hành hình phạt tử hình gồm đầy đủ các tài liệu liên quan đến việc thi hành án tử hình để lưu trữ.