3- Cơ quan Công an
2.2.3. Một số tồn tại, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn áp dụng những quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thi hành hình phạt tử hình
những quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thi hành hình phạt tử hình
Thực tiễn áp dụng những quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thi hành hình phạt tử hình ở nước ta trong thời gian qua cho thấy, bên cạnh
những thành tích đã đạt được, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, cũng đã bộc lộ một số tồn tại, vướng mắc cần phải được nghiên cứu, khắc phục:
Thứ nhất, việc chuyển hồ sơ các vụ án có hình phạt tử hình đã có hiệu
lực pháp luật còn chậm. Nhiều trường hợp xét xử án tử hình, Tòa án địa phương và các Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao chưa chú ý đúng mức đến việc xác định căn cước, lý lịch của người bị kết án, nên đã để xảy ra những sai sót không đáng có. Nhiều hồ sơ vụ án có bản lý lịch của người bị kết án, có xác nhận của chính quyền địa phương đã thể hiện không chính xác về căn cước, lý lịch. Có trường hợp bản án viết sai cả tên đệm và tên của bị cáo. Ví dụ: vụ Giàng Pá Sềnh phạm tội mua bán trái phép chất ma túy bị xử phạt tử hình, lại viết là Giàng Pá Sình. Điều này lại được phát hiện sau khi bản án đã có hiệu lực pháp luật. Tòa án nhân dân tối cao phải cử cán bộ xác minh nhiều lần và việc trả lời công văn xác minh của Tòa án nhân dân tối cao rất chậm. Có những vụ án không đơn giản chỉ là đính chính bản án mà phải kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, dẫn tới mất nhiều thời gian, công sức.
Thứ hai, đối với những trường hợp, người bị kết án gửi đơn xin ân
giảm lên Chủ tịch nước nhưng có nội dung kêu oan hoặc đơn kêu oan, thì Chủ tịch nước không xét, Văn phòng Chủ tịch nước trả những đơn này cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết theo thẩm quyền. Sau khi nhận được đơn, Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phải nghiên cứu, xem xét lại một lần nữa. Nếu Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khẳng định vẫn giữ quan điểm không kháng nghị bản án tử hình đã có hiệu lực pháp luật, thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm công văn gửi kèm theo bản sao Thông báo của Văn phòng Chủ tịch nước để Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án đó tiến hành các thủ tục cần thiết để thi hành án. Tuy nhiên, ở một số địa phương, khi Chánh án Tòa án ra quyết định thi hành án, thì Viện Kiểm
sát không tham gia Hội đồng thi hành án với lý do phải chờ Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm. Cụ thể, tại Thành phố Hồ Chí Minh, có 8 người bị kết án làm đơn kêu oan hoặc đơn có nội dung kêu oan, nhưng chưa được thi hành án. Đặc biệt, có vụ án Huỳnh Văn Nam bị kết án tử hình vì phạm các tội giết người, cướp tài sản ở tỉnh Đồng Nai. Sau khi xét xử phúc thẩm, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, nhưng đã bị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm bác kháng nghị. Sau đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục kháng nghị quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, nhưng Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử giám đốc thẩm và bác kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Như vậy, trong vụ án này, cả Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đều có quyết định kháng nghị, nhưng đều bị Ủy ban Thẩm phán, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bác kháng nghị. Vụ án đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất xét xử giám đốc thẩm. Tuy nhiên, do pháp luật tố tụng hình sự chưa có quy định trình tự, thủ tục thi hành hình phạt tử hình sau khi cả Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đều có quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, cho nên Huỳnh Văn Nam vẫn chưa được thi hành án. Đây là vướng mắc cần được nghiên cứu giải quyết.
Thứ ba, việc thi hành hình phạt tử hình bằng xử bắn có tác dụng răn
đe, phòng ngừa tội phạm cao. Tuy nhiên, hình thức thi hành hình phạt tử hình này làm cho thi thể người bị kết án không còn nguyên vẹn, có ảnh hưởng nhiều tới tâm lý, tư tưởng cán bộ, chiến sĩ Đội vũ trang thi hành án. Số cán bộ, chiến sĩ Công an tham gia xử bắn nhiều, trực tiếp được giao trói, bịt mắt, nhét giẻ vào mồm người bị kết án hoặc được giao nhiệm vụ bắn viên đạn cuối cùng vào thái dương người bị kết án, đều bị ảnh hưởng tâm lý nhiều. Đối với Đội vũ trang thi hành án, lãnh đạo, chỉ huy đã làm tốt công tác chính trị, tư
tưởng, nhưng chỉ khoảng 30% trong số các đồng chí được giao nhiệm vụ này xung phong, phần lớn lại rơi vào số chiến sĩ trẻ chưa được cử đi bắn lần nào hoặc đang trong thời kỳ phấn đấu; 2% số cán bộ, chiến sĩ được cử đi có biểu hiện né tránh, tìm lý do thoái thác, thậm chí có đồng chí tư tưởng không vững vàng thực sự. Cá biệt có đồng chí được đơn vị phân công vào Đội vũ trang thi hành án, đã tham gia tập luyện, xin về nhà ăn cơm trưa rồi không đến đơn vị, viết đơn xin ra khỏi ngành, bị đơn vị kỷ luật với hình thức cảnh cáo và cho thôi việc theo nguyện vọng.
Để Đội vũ trang thi hành án hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, các địa phương còn cố gắng lựa chọn số cán bộ, chiến sĩ có tâm lý vững vàng, trách nhiệm cao, tổ chức tập luyện để sử dụng thành thạo vũ khí, bắn đạn thật trên bia hoặc hình nộm. Tuy vậy, trên thực tế, qua khảo sát của Cục Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, vẫn có khoảng 6% cán bộ, chiến sĩ còn run rẩy, lúng túng khi thực hiện, dẫn đến có đồng chí bắn không trúng mục tiêu đã định. Đặc biệt có trường hợp, Đội trưởng Đội vũ trang thi hành án dùng súng ngắn ở cự ly gần bắn viên đạn cuối cùng từ thái dương ra sau gáy, nhưng do sợ hãi, nên dù súng đã gí sát đầu người bị kết án, nhưng vẫn bắn không đúng vị trí quy định, nên người này chưa chết ngay.
Ngoài ra, 95% cán bộ, chiến sĩ Đội vũ trang thi hành án không muốn cho người ngoài biết việc mình làm; 16% cán bộ, chiến sĩ sau khi thi hành án tử hình, bị ảnh hưởng ít nhiều đến công tác, sinh hoạt.
Thứ tư, thực tiễn thi hành hình phạt tử hình cho thấy, trước khi thi
hành án, có một số người bị kết án có nguyện vọng hiến xác hoặc hiến một bộ phận trong cơ thể cho y học để chuộc lại lỗi lầm. Đây là vấn đề phức tạp dưới góc độ kỹ thuật cũng như góc độ tâm lý xã hội cần được nghiên cứu giải quyết. Để thực hiện việc lấy các bộ phận cơ thể người bị kết án tử hình sau khi thi hành án, phải giải quyết hàng loạt vấn đề như hình thức thi hành hình phạt tử hình, việc tổ chức lấy các bộ phận cơ thể, khả năng sử dụng các bộ phận ấy, việc kiểm dịch, phản ứng tâm lý của bệnh nhân được cung cấp bộ
phận cơ thể của người bị kết án, dư luận xã hội... Đây là vấn đề mà các địa phương rất lúng túng trong thời gian qua.
Thứ năm, theo số liệu của Cục Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, từ
năm 1997 đến nay, có hơn 50 gia đình người bị kết án làm đơn xin xác về mai táng sau khi hình phạt tử hình, trong số đó một trường hợp người bị kết án mang quốc tịch Lào. Theo những quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành, không giải quyết cho thân nhân của họ xin xác về mai táng. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập quốc tế và khu vực, đây cũng là một trong những vấn đề về thi hành hình phạt tử hình phải nghiên cứu giải quyết trong thời gian tới.
Thứ sáu, khoản 3 Điều 259 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy
định: "Hình phạt tử hình được thi hành bằng xử bắn", dẫn đến việc phải xây dựng pháp trường, rất tốn kém. Thực tiễn xây dựng pháp trường tại Hà Nội cho thấy, pháp trường được thiết kế gồm 3 khu vực: khu bắn đạn thật (để cán bộ, chiến sĩ bắn đạn thật), khu thi hành hình phạt tử hình và khu các công trình phụ trợ. Theo Quyết định số 76/QĐ-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) phê duyệt, thì tổng vốn đầu tư xây dựng là trên 4 tỷ đồng. Đây là số kinh phí lớn, chưa kể hàng năm còn phải bổ sung kinh phí để sửa chữa, cải tạo. Trong thời gian tới, các thành phố lớn, các tỉnh trọng điểm chưa có pháp trường cần phải được cấp đất, kinh phí để xây dựng pháp trường gần trại tạm giam để bảo đảm cho việc thi hành hình phạt tử hình được thuận lợi, an toàn, nhất là khâu dẫn giải người bị kết án ra pháp trường. Như vậy, nếu còn duy trì quy định về việc thực hiện hình phạt tử hình bằng xử bắn, thì Nhà nước phải đầu tư một lượng kinh phí lớn, cùng với quỹ đất cho việc xây dựng pháp trường.
Trong xu thế chung của thế giới là hạn chế việc áp dụng hình phạt tử hình, nhân đạo hóa hơn nữa việc áp dụng hình thức thi hành hình phạt tử hình, thì việc tiếp tục duy trì hình thức thi hành hình phạt tử hình bằng xử bắn ở nước ta là là vấn đề cần xem xét lại trong tiến trình hội nhập quốc tế và khu
vực, đồng thời gây ra tốn kém về kinh phí, gây ảnh hưởng về mặt tâm lý đối với những người thi hành án.
Thứ bảy, để việc thi hành hình phạt tử hình được tiến hành thuận lợi,
theo đúng các quy định của pháp luật, công tác chuẩn bị cho việc thi hành án đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, do chưa có văn bản hướng dẫn về việc chuẩn bị thi hành án, chưa quy định cơ quan nào sẽ đứng ra chủ trì cho công việc này, nên ở mỗi địa phương lại quy định trách nhiệm cho các cơ quan khác nhau. Ví dụ: ở tỉnh Nam Định, toàn bộ công tác thi hành án do Tòa án nhân dân tỉnh đứng ra đảm nhiệm, chủ trì từ khâu chuẩn bị cho đến khi thi hành xong, kinh phí trích từ ngân sách của Tòa án, Công an, Viện Kiểm sát tỉnh chỉ giữ vai trò phối hợp; nhưng ở thành phố Hà Nội, thì toàn bộ công tác chuẩn bị thi hành án, kinh phí chi cho việc thi hành án lại giao cho Công an thành phố Hà Nội chủ trì, còn Tòa án chỉ đóng vai trò phối hợp.
Thứ tám, Theo Quyết định số 629/QĐ-BCA ngày 30-8-1998 của Bộ
trưởng Bộ Công an quy định tạm thời một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân công tác tại các trại tạm giam và mức bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ tham gia thi hành hình phạt tử hình: Đội vũ trang thi hành án tử hình: 100.000 đồng/ 1 đồng chí; hạ xác khâm liệm: 50.000 đ/ 1 đồng chí; các việc khác: 30.000 đ/ 1 đồng chí. Thi hành hình phạt tử hình là một loại hình lao động đặc biệt, nhưng mức bồi dưỡng cho số cán bộ, chiến sĩ tham gia thi hành án nói trên là chưa hợp lý, chưa có tác dụng động viên, khích lệ cán bộ, chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Những tồn tại, vướng mắc nói trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu gồm một số nguyên nhân chủ yếu sau đây:
Một là, chế định thi hành hình phạt tử hình trong pháp luật tố tụng
hình sự hiện hành đã được hoàn thiện hơn so với trước đây, nhưng thực tiễn thi hành hình phạt tử hình cho thấy cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của
chế định này và cần có các văn bản hướng dẫn thống nhất áp dụng pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền.
Hai là, chế định thi hành hình phạt tử hình liên quan đến một vấn đề
rất nhạy cảm là tước đi mạng sống của người phạm tội, nhưng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về pháp luật tố tụng hình sự nói chung, về chế định thi hành hình phạt tử hình nói riêng còn nhiều bất cập, làm cho nhận thức của cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật được giao nhiệm vụ thi hành hình phạt tử hình về bản chất pháp lý của các quy phạm pháp luật trong chế định này còn hạn chế; nhận thức của người bị kết án, cũng như của các tầng lớp nhân dân về chế định này lại càng thấp, dẫn tới người bị kết án thực hiện không đúng những quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của họ.
Ba là, việc thi hành hình phạt tử hình được giao cho cả ba cơ quan:
Tòa án, Viện Kiểm sát, Tòa án, nhưng lại không giao cho cơ quan nào chịu trách nhiệm chủ trì, cơ quan nào chịu trách nhiệm phối hợp và do chưa có Quy chế phối hợp giữa ba ngành Tòa án, Kiểm sát, Công an trong việc thi hành hình phạt tử hình, cho nên ở một số địa phương, dẫn đến tình trạng lúng túng trong việc thi hành án. Mặt khác, do có khó khăn về biên chế và thiếu ổn định về mặt tổ chức, nên thiếu những cán bộ chuyên sâu theo dõi vấn đề thi hành hình phạt tử hình.
Bốn là, công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thi hành hình phạt tử
hình chưa được quan tâm đúng mức. Chúng ta chưa tổ chức được những đoàn chuyên nghiên cứu về việc thi hành hình phạt tử hình thuộc các ngành Tư pháp, Công an, Tòa án, Kiểm sát đi khảo sát thực tiễn cũng như kinh nghiệm lập pháp về thi hành hình phạt tử hình ở các nước trên thế giới. Đây là những vấn đề cần khắc phục trong thời gian tới.
Chương 3