1.Arsen (As)
Arsen là kim loại có thể tồn tại ở dạng hợp chất vô cơ và hữu cơ. Trong nước arsen thường tồn tại ở dạng arsenic hay arsenat. Các hợp chất arsenmetyl có trong môi trường do chuyển hóa sinh học. Arsenic xâm nhập vào nước từ các công đoạn hòa tan các chất và quặng mỏ, từ nước thải công nghiệp và từ sự lắng đọng không hkí. Đôi khi có mặt trong nước ngầm do sự hòa tan các nguồn khoáng vật thiên nhiên. Arsen có khả năng gây ung thư biểu mô da, phế quản, phổi, các xoang.
2. Crom (Cr)
Trong địa quyển, Crom tồn tại chủ yếu ở dạng quặng cromit FeO.Cr2O3 . Crom đưa vào nguồn nước tự nhiên do hoạt động nhân tạo và tự nhiên (phong hóa). Hợp chất Cr+6 là chất oxy hóa mạnh và độc. Nồng độ của chúng trong nguồn nước tự nhiên rất thấp vì chúng dễ bị khử bởi các chất hữu cơ. Các hợp chất hóa trị 6+ của
crom dễ gây viêm loét da, xuất hiện mụn cơm, viêm gan, viêm thận, thủng vách ngăn giữa hai lá mía, ung thư phổi.
3. Thủy ngân (Hg)
Thủy ngân còn có trong nước bề mặt và nước ngầm ở dạng vô cơ. Thủy ngân trong môi trường nước có thể hấp thụ vào cơ thể sinh vật, đặc biệt là cá và các loại động vật không xương sống. Cá hấp thụ thủy ngân và chuyển hóa thành metyl thủy ngân (CH3Hg+) rất độc với cơ thể người. Chất này hòa tan trong mỡ, phần chất béo của các màng và trong não tủy. Thủy ngân vô cơ tác động chủ yếu đến thận, trong khi đó Metyl Thủy ngân ảnh hưởng chính đến hệ thần kinh trung ương.
4. Chì (Pb)
Đây là kim loại nặng ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường rất nhiều. Vì nó có khả năng tích lũy lâu dài trong cơ thể và gây nhiễm độc người, thủy sinh qua dây chuyền thực phẩm. Chì tác dụng lên hệ thống enzyme vận chuyển hydro. Khi bị nhiễm độc người bệnh có một số rối loạn cơ thể, trong đó chủ yếu là rối loạn bộ phận tạo huyết. Tùy theo mức độ nhiễm độc có thể gây ra những tai biến như đau bụng chì, đau khớp, viêm thận, cao huyết áp vĩnh viễn, liệt, tai biến não, nếu bị nặng có thể dẫn đến tử vong.