Nguồn nước mặt có thành phần và chất lượng cũng chịu ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên, nguồn gốc xuất xứ và cả tác động của con người trong quá trình khai thác và sử dụng. Trong nước mặt thường có những thành phần sau:
• Các chất rắn lơ lửng bao gồm cả hai thành phần vô cơ và hữu cơ.
• Các chất hòa tan dưới dạng ion và phân tử, có cả nguồn gốc vô cơ và hữu cơ.
Thành phần các chất gây nhiễm bẩn nước bề mặt được trình bày trong bảng sau:
Bảng 4.1. Thành phần các chất gây nhiễm bẩn nước mặt
Chất rắn lơ lửng d>10-4mm Đất sét, cát, keo Fe(OH)3, chất thải hữu cơ, vi sinh vật, tảo.
Các chất keo d = 10-4mm – 10-6mm
Đất sét, protein, silicat SiO2, chất thải sinh hoạt hữu cơ, cao phân tử hữu cơ, vi khuẩn.
Các chất hòa tan d<10-6mm
Các ion K+, Na+, Ca+, Mg2+, Cl-, SO42-, PO43-… Các chất khí CO2, O2, N2, CH4, H2S…vv Các chất hữu cơ, các chất mùn. Nước mặt là nguồn nước tự nhiên mà con người thường sử dụng nhất nhưng cũng là nguồn nước dễ bị ô nhiễm nhất. Do đó, nguồn nước mặt tự nhiên khó đạt được yêu cầu đưa trực tiếp sử dụng trong sinh hoạt hay phục vụ sản xuất công nghiệp mà không qua xử lý.
Hàm lượng các chất có hại cao và nhiều vi sinh vật gây bệnh cho con người trong nguồn nước mặt nên nhất thiết phải có sự quản lý nguồn nước, giám định chất lượng, kiểm tra các thành phần hóa học, lý học, mức độ nhiễm phóng xạ nguồn nước.
Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra một số nguồn ô nhiễm chính các nguồn nước mặt như sau:
• Nước nhiễm bẩn do vi trùng, vi rút và các chất hữu cơ gây bệnh. Nguồn nhiễm bẩn này có trong các chất thải của người và động vật, trực tiếp hay gián tiếp đưa vào nguồn nước. Hậu quả là các bệnh truyền nhiễm như tả, thương hàn, lỵ sẽ lây qua môi trường nước, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
• Nguồn ô nhiễm là các chất hữu cơ phân hủy từ động vật và các chất thải trong nông nghiệp. Các chất này không trực tiếp gây bệnh nhưng là môi trường tốt cho vi sinh gây bệnh hoạt động. Đó là lý do bệnh tật dễ lây lan thông qua môi trường nước.
• Nguồn nước bị nhiễm bẩn do chất thải công nghiệp, chất thải rắn có chứa các chất độc hại của các cơ sở công nghiệp như phenol, xyanua, crom, cadimi, chì… các chất này tích tụ dần trong nguồn nước và gây ra những tác hại lâu dài.
• Nguồn ô nhiễm dầu mỡ và các sản phẩm từ dầu mỏ trong quá trình khai thác, sản xuất và vận chuyển làm ô nhiễm nặng nguồn nước và gây trở ngại lớn trong công nghệ xử lý nước.
• Nguồn ô nhiễm do các chất tẩy rửa tổng hợp được sử dụng và thải ra trong sinh hoạt và công nghiệp tạo ra một lượng lớn các chất hữu cơ không có khả năng phân hủy sinh học cũng gây ảnh hưởng đến nguồn nước mặt.
• Các chất phóng xạ từ các cơ sở sản xuất phóng xạ, bệnh viện, các cơ sở nghiên cứu đã vô tình hay cố ý gây ô nhiễm cho các nguồn nước lân cận.
• Các hóa chất bảo vệ thực vật cùng với ưu điểm là để phòng chống sâu bệnh giúp ích cho nông nghiệp. Nó còn mang lại tác hại cho nguồn nước khi chúng không được sử dụng đúng cách.
• Các hóa chất hữu cơ tổng hợp được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp như chất dẻo, dược phẩm, vải sợi,… là một trong những nguồn gây ô nhiễm đáng kể cho môi trường nước.
• Các hóa chất vô cơ, nhất là các chất dùng làm phân bón cho nông nghiệp như các hợp chất photphat, nitrat, là nguồn dinh dưỡng cho quá trình phì dưỡng làm ô nhiễm nguồn nước.
• Một nguồn nước thải đáng kể từ các nhà máy nhiệt điện tuy không gây ô nhiễm trầm trọng nhưng cũng làm giảm chất lượng nước mặt với nhiệt độ quá cao của nó.
Tóm lại, các yếu tố địa hình, thời tiết là những yếu tố khách quan gây ảnh hưởng đến chất lượng nước mặt, còn xét đến một yếu tố khác chủ quan hơn đó là các tác động của con người trực tiếp hay gián tiếp vào quá trình gây ô nhiễm chất lượng nước mặt.