- NHÀ SẢN XUẤT ĐẠI LÝ PHÂN PHỐ
6. Một số kiến nghị
6.1. Kiến nghị với cơ quan quản lý :
Trong tương lai, siêu thị sẽ trở thành một trong những kênh phân phối bán lẻ chủ yếu ở thành phố, góp phần cải thiện cảnh quan đô thị, nâng cao văn minh thương mại. Do đó các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại nên quan tâm đến lĩnh vực hoạt động kinh doanh này. Chúng tôi xin nêu một số ý kiến như sau :
- Thứ nhất : Hiện nay, siêu thị đã xuất hiện nhiều trên địa bàn thành phố, nhưng các cơ quan nhà nước chưa có quy định chính thức về các điều kiện để được công nhận là siêu thị, về việc đăng ký kinh doanh, quy định cụ thể về tên gọi, thương hiệu, để tránh tình trạng các đơn vị đăng ký kinh doanh là cửa hàng bán lẻ nhưng lại tự đặt cho mình cái mác siêu thị.
- Thứ hai : Nhà nước cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật, ban hành các văn bản thống nhất để hoạt động siêu thị đi vào nề nếp và ổn định.
- Thứ ba : Khi xây dựng quy hoạch phát triển thành phố, cần quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị cho phù hợp với quy hoạch chung của toàn thành phố, đảm bảo xây dựng siêu thị ở những vị trí thuận tiện về giao thông. - Thứ tư : Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh
vực kinh doanh siêu thị như : ưu đãi về thuế, chính sách đầu tư thông thoáng,…để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia lĩnh vực kinh doanh siêu thị. Ngoài ra, nhà nước nên xem xét điều chỉnh các văn bản về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp để đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa siêu thị với các lọai hình kinh doanh bán lẻ khác.
- Thứ năm : Các cơ quan quản lý thị trường, thuế vụ, cần kiểm soát thường xuyên hàng hóa lưu thông trên thị trường để chống hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại,…gây ảnh hưởng đến uy tín của siêu thị trong hoạt động kinh doanh.
- Thứ sáu : Các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại cần tổ chức những buổi hội thảo về vấn đề quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của siêu thị để rút kinh nghiệm, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh của các siêu thị đi vào nề nếp, đúng pháp luật, góp phần nâng cao văn minh thương mại.
6.2. Kiến nghị với doanh nghiệp :
Qua phân tích thực trạng hoạt động kinh doanh của các siêu thị tại thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi nêu lên một vài kiến nghị với các siêu thị như sau : - Thứ nhất : Các doanh nghiệp cần có chiến lược và chính sách kinh doanh
phù hợp với năng lực của mình và với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Trong thời gian tới, mô hình chung cho các siêu thị ở thành phố là : quy mô vừa phải, hàng hóa tiêu dùng thông thường, giá cả hợp lý. - Thứ hai : Siêu thị phải quan tâm đến công tác nghiên cứu thị trường, tiến
hành phân khúc thị trường hợp lý để xác định đúng thị trường mục tiêu. Tổ chức bộ phận marketing chuyên trách để thường xuyên làm tốt công tác nghiên cứu quy mô, cơ cấu và thị hiếu thị trường.
- Thứ ba : Siêu thị phải đa dạng hóa danh mục hàng hóa kinh doanh. Trong chính sách đa dạng hóa cần có sự chọn lọc, cần tập trung tăng tỷ lệ hàng nội, tăng tỷ trọng nhóm hàng thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống,
đồng thời siêu thị tự tổ chức chế biến những loại thực phẩm tiện dụng phục vụ cho nhu cầu hằng ngày của người dân thành phố.
- Thứ tư : Luôn chú trọng đến công tác quản trị mua hàng, dự trữ hàng hóa và bán hàng một cách khoa học. Các siêu thị cần chủ động liên kết với các nhà cung cấp để ổn định nguồn hàng. Tranh thủ sự hỗ trợ của các nhà cung cấp về các hoạt động xúc tiến bán hàng. Ngoài ra, cần nghiên cứu chọn lựa những nhà cung cấp uy tín, đảm bảo chất lượng hàng hóa, giao hàng đúng thời hạn. Luôn quan tâm đến các nhà sản xuất trong nước và những loại hàng đạt tiêu chuẩn chất lượng cao,…Làm tốt công tác này, các siêu thị đã đóng góp tích cực cho việc thúc đẩy sản xuất phát triển.
- Thứ năm : Các siêu thị phải coi trọng nhân tố con người và vấn đề quản trị nguồn nhân lực. Xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ quản lý siêu thị và nhân viên. Có kế hoạch tuyển dụng huấn luyện người lao động hợp lý, đồng thời có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với người lao động.
- Thứ sáu : Theo quy hoạch của thành phố, trong tương lai dân cư nội thành sẽ dãn ra các quận ven và khu ngoại vi, các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thời cơ để mở thêm các siêu thị ở khu dân cư mới để phát triển thị trường.
- Thứ bảy : Ngoài ra, để đảm bảo yêu cầu văn minh hiện đại , các siêu thị cần đầu tư hợp lý về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho siêu thị, đồng thời các siêu thị cần đầu tư xây dựng bãi giữ xe tương xứng với quy mô của siêu thị và tổ chức giữ xe miễn phí.
- Thứ tám : Trong tương lai, cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh siêu thị sẽ ngày càng gay gắt, các siêu thị cần chủ động thích nghi với môi trường cạnh tranh bằng những chiến lược kinh doanh thích hợp. Do vậy, ngay từ bây giờ, các nhà kinh doanh nên tập trung phát triển hệ thống chuỗi siêu thị để phát huy tính kinh tế do lợi thế về quy mô, đồng thời tăng cường củng cố vị thế của mình để nâng cao năng lực cạnh tranh.
KẾT LUẬN
Sự ra đời và phát triển của hệ thống siêu thị tại thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã chứng tỏ ngành thương mại của thành phố có những bước tiến vượt bậc. Sự xuất hiện của siêu thị phù hợp với xu thế phát triển kinh tế xã hội của thành phố nói riêng và cả nước nói chung.
Qua một thời gian hoạt động, các siêu thị đã đóng góp đáng kể vào việc làm thay đổi bộ mặt của thành phố. Sự góp mặt của siêu thị đã làm cho hoạt động bán lẻ của thành phố sôi động hơn. Hệ thống siêu thị với phương thức bán hàng văn minh, tiến bộ đã làm thay đổi phong cách mua sắm của người dân thành phố. Trong quá trình đó, giữa siêu thị với các loại hình bán lẻ khác diễn ra sự cạnh tranh gay gắt để thu hút khách hàng. Sự cạnh tranh đã tạo ra động lực thúc đẩy các loại hình kinh doanh bán lẻ phải không ngừng phát triển, vươn lên thực hiện tốt nhiệm vụ của mình và thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, hệ thống siêu thị của thành phố trong thời gian qua mới phát triển theo chiều rộng, chưa thực sự phát triển theo chiều sâu, nên còn nhiều mặt hạn chế làm cho hiệu quả hoạt động chưa cao. Trong số những siêu thị ra đời và hoạt động có một số siêu thị thành công, đồng thời một số khác chỉ trong thời gian ngắn đã phải rút lui khỏi thương trường.
Luận văn của chúng tôi với đề tài : “Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của siêu thị tại thành phố Hồ Chí Minh” đã giải quyết những vấn đề như sau :
- Nêu lên sự cần thiết của việc hình thành và phát triển siêu thị tại thành phố Hồ Chí Minh và những nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh siêu thị.
- Trên cơ sở phân tích thực trạng hoạt động kinh doanh của một số siêu thị ở thành phố trong thời gian qua, chúng tôi rút ra những kinh nghiệm trong công tác tổ chức quản lý và phương thức hoạt động kinh doanh siêu thị, làm cơ sở cho việc đề ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của các siêu thị.
- Kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, chúng tôi đã mạnh dạn đề ra các giải pháp về marketing, về tổ chức nguồn hàng và về quản trị nguồn nhân lực, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của siêu thị tại thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
Như vậy, so với cả nước thành phố Hồ Chí Minh là nơi tiên phong, đồng thời cũng là nơi hội đủ các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của hệ thống siêu thị. Chúng tôi hy vọng rằng trong tương lai, hệ thống siêu thị của thành phố sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, với quy mô đa dạng và phong phú hơn, hiệu quả mang lại sẽ cao hơn. Mặt khác quá trình phát triển siêu thị trong thời gian tới là quá trình cạnh tranh gay gắt, các siêu thị muốn khẳng định được vị trí của mình trên thị trường phải không ngừng cải tiến phương thức kinh doanh, có những giải pháp marketing hữu hiệu, công tác tổ chức nguồn hàng, quản trị nguồn nhân lực tốt, có như vậy mới đảm bảo nâng cao hiệu quả kinh doanh và đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Do thời gian, khả năng và trình độ của người viết có hạn, bản luận văn này sẽ không tránh khỏi những thiếu sót. Kính mong Thầy Cô và Quý vị góp ý để bản luận văn được hoàn thiện.