Cùng với xu thế chung của thế giới, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Nội dung cơ bản của quá trình này là việc Việt Nam nhất trí thực hiện các cam kết kinh tế quốc tế (song phương và đa phương) trong khuôn khổ các hiệp định. Các cam kết nổi bật trong thời gian gần đây mà Việt Nam đã ký kết với các tổ chức quốc tế đó là:
• Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) cho khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) được ký kết ngày 15/12/1995 và có hiệu lực từ ngày 1/1/1996. Mục tiêu cơ bản của ASEAN/AFTA là tự do hoá thương mại, xoá bỏ hàng rào thuế quan trong quan hệ buôn bán. Để thực hiện mục tiêu này, các nước thông qua công cụ chính là Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT). Trong khuôn khổ hiệp định này, Việt Nam cam kết hoàn thành việc cắt giảm thuế nhập khẩu xuống mức 0%-5% vào ngày 1/1/2006 với hơn 6200 dòng thuế. Ngoài ra, Việt Nam sẽ dành chế độ đãi ngộ tối huệ quốc và đãi ngộ quốc gia trên cơ sở có đi có lại về thuế doanh thu, thuế hàng cao cấp, xác định tỷ giá hối đoái, quản lý ngoại tệ và các biện pháp khác.
• Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức này từ ngày 14/11/1998. Mục tiêu lâu dài đặt ra đối với lĩnh vực thuế quan trong khuôn khổ cam kết APEC là mức thuế nhập khẩu ưu đãi sẽ ở mức 0% vào năm 2018, và các ưu đãi khác dành cho tất cả các lĩnh vực trong đó có ngân hàng.
• Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, ký ngày 13/7/2000 và có hiệu lực từ 10/12/2001. Theo Hiệp định này, Việt Nam cam kết cắt giảm hoặc không tăng thuế suất nhập khẩu đối với hơn 244 mặt hàng từ 36% xuống còn 26%. Riêng đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, phía Việt Nam cam kết sẽ dỡ bỏ mọi hạn chế và dành cho phía Hoa Kỳ các quyền bình đẳng về lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, tín dụng, ngân hàng trên nguyên tắc Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia với lộ trình dỡ bỏ dần các hạn chế từ nay đến năm 2008.
• Việt Nam đã nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 1995 và đã tiến hành 4 phiên đàm phán, dự kiến vào năm 2004 sẽ chính thức trở thành thành viên của tổ chức này. WTO là điểm hội tụ đầy đủ các cam kết mà các hiệp định song phương và đa phương nói trên đã phản ánh.
Các cam kết trong khuôn khổ các hiệp định nói trên đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi ngành, mọi lĩnh vực trong nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là đối với ngành Ngân hàng, "mạch máu của nền kinh tế". Những cam kết trên cho thấy hội nhập sẽ mở ra hàng loạt cơ hội kinh doanh mới cho ngành Ngân hàng, nhưng cũng đưa đến muôn vàn khó khăn và thách thức.
Xét từ khía cạnh dịch vụ của các ngân hàng, hội nhập đã đem lại những thách thức rất lớn. Đối với các ngân hàng thương mại quốc tế trong khu vực và trên thế giới có tiềm lực về vốn mạnh và uy tín cao thì thông thường lợi nhuận thu được từ các hoạt động dịch vụ của các ngân hàng này chiếm khoảng 40%- 50% trong tổng thu nhập. Theo ước tính của các chuyên gia ngân hàng thì hiện nay các ngân hàng thương mại quốc tế đang thực hiện trên 6000 nghiệp vụ kinh doanh khác nhau về lĩnh vực tiền tệ - tín dụng - ngân hàng… Trong khi đó, các ngân hàng thương mại ở Việt Nam, thu nhập từ hoạt động tín dụng chiếm 90%, và thực hiện tối đa khoảng 300 nghiệp vụ kinh doanh khác nhau
trên lĩnh vực tiền tệ - tín dụng - ngân hàng…Với con số so sánh sơ bộ nói trên cho thấy lĩnh vực dịch vụ của các ngân hàng thương mại Việt Nam đang phải đương đầu với vô vàn khó khăn và thách thức mà trong nhiều thập kỷ nữa mới hy vọng đuổi kịp với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức mà các ngân hàng thương mại phải đối đầu về lĩnh vực dịch vụ thì cũng chính lĩnh vực này đã và đang mở ra hàng loạt cơ hội tốt, nếu các ngân hàng thương mại biết "đi tắt đón đầu". Đặc biệt là đón bắt những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất mà các ngân hàng thương mại trên thế giới đã đi trước chúng ta hàng chục thập kỷ trong lĩnh vực này để ứng dụng nó một cách có hiệu quả nhất vào thực tiễn hoạt động tại Việt Nam.
Cơ hội và thách thức luôn là bạn đồng hành trên tiến trình hội nhập. Vì vậy, để thực hiện tốt các cam kết trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết với các tổ chức quốc tế nói trên, toàn ngành Ngân hàng cần phải có những cải cách mạnh hơn trên mọi phương diện vĩ mô và vi mô để từng bước biến thách thức thành cơ hội trong quá trình hội nhập.
Nhận thức được vấn đề trên, chúng ta đã chủ trương cơ cấu lại hệ thống Ngân hàng Việt Nam, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá trong giai đoạn hội nhập khu vực và quốc tế. Nhiệm vụ trước mắt của các ngân hàng thương mại là mở rộng các dịch vụ ngân hàng, đưa dịch vụ đến từng doanh nghiệp, từng người dân, đưa văn minh thanh toán đến với mọi nhà, mọi người và giảm tới mức tối thiểu thanh toán dùng tiền mặt trong nền kinh tế, tăng lưu lượng và những phương tiện thanh toán hiện đại qua ngân hàng, có chiến lược hội nhập và chủ động tham gia hội nhập với lộ trình và
biện pháp phù hợp, nhất là nâng cao năng lực quản trị điều hành theo kịp các chuẩn mực quốc tế để đủ sức cạnh tranh và phát triển bền vững.