Nâng cao chất lượng công tác thẩm định khách hàng và thẩm định dự án

Một phần của tài liệu Giảp pháp mở rộng cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Nam Hà nội.DOC (Trang 52 - 55)

B. Nguyên nhân:

3.2.6. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định khách hàng và thẩm định dự án

Thẩm định là khâu quan trọng trong toàn bộ quy trình cho vay, nếu thẩm định chính xác ngân hàng có một khoản tín dụng an toàn, thẩm định không chính xác thì ngân hàng sẽ gặp rủi ro khi cho vay, nhất là đối với DNVVN có tình hình tài chính không ổn định.

Công tác thẩm định đối với khách hàng có vai trò vô cùng quan trọng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cho vay của ngân hàng. Từ tính chất rủi ro khi cho vay DNVVN, quy trình thẩm định cần phải tiến hành một cách khoa học và khách quan để vừa đảm bảo an toàn cho ngân hàng, vừa đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách nhanh chóng và thuận tiện. Do đó, nâng cao chất lượng công tác thẩm định trước khi cho vay sẽ góp phần nâng cao chất lượng tín dụng. Công tác thẩm định đối với doanh nghiệp có chất lượng phải phản ánh chính xác, trung thực, kịp thời các thông tin về doanh nghiệp liên quan đến việc ra quyết định cho vay.

Mặt khác, các thông tin trực tiếp và gián tiếp thu thập liên quan đến dự án ảnh hưởng lớn đến chất lượng thẩm định dự án. Vì vậy ngân hàng cần thiết lập mạng thông tin nội bộ chặt chẽ, cơ chế truyền tin thông suốt giữa các bộ phận có liên quan trong toàn bộ hệ thống NHNo & PTNT Việt Nam như phòng khách hàng doanh nghiệp, phòng thẩm định tài sản đảm bảo, phòng kế toán,… để có được cái nhìn bao quát về mọi mặt của khách hàng.

٭ Thẩm định năng lực pháp lý khách hàng

Đây là bước mà cán bộ tín dụng sẽ thu thập các giấy tờ chứng minh năng lực pháp lý, nguồn lực tài chính của khách hàng, từ đó đưa ra đánh giá về khách hàng. Đầu tiên cán bộ tín dụng cần phải biết khách hàng doanh nghiệp đó có đủ năng lực pháp lý để ký kết hợp đồng cho vay không. Sau đó ngân hàng sẽ đưa ra cách đánh giá, xếp loại, phân loại doanh nghiệp theo các tiêu thức đã quy định. Ngày nay, ở các ngân hàng chủ yếu dùng thang điểm tín dụng để đánh giá DNVVN xin vay vốn. Ngân hàng xây dựng thang điểm trong đó ngân hàng đặt ra các chỉ tiêu đối với DNVVN, và dựa vào số điểm mà doanh nghiệp đạt được, ngân hàng sẽ nắm bắt được mức độ rủi ro, khả năng trả nợ hay tính hiệu quả của khoản vay để ra quyết định phù hợp.

٭ Thẩm định tình hình tài chính của khách hàng

Về tình hình kinh doanh, ngân hàng cần phải nắm bắt hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có ổn định không? doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng gì? Doanh nghiệp hoạt động trên thị trường được bao lâu? Có bao nhiêu bạn hàng kinh doanh? Doanh nghiệp dự kiến kế hoạch kinh doanh như thế nào? Cán bộ tín dụng cần nắm được tình hình kinh doanh của doanh nghiệp về cơ bản là như vậy.

Về tình hình tài chính của doanh nghiệp, trước hết cán bộ tín dụng phải có được bản Báo cáo tài chính của doanh nghiệp thực tế, chưa qua chỉnh sửa (bao gồm: Bảng cân đối kế toán, Bảng báo cáo kết quả kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ). Từ đó cán bộ tín dụng đánh giá đúng tình hình tài chính của doanh nghiệp thông qua các chỉ tiêu tài chính như chỉ tiêu phản ánh khả năng thanh toán, cơ cấu tài chính, lợi nhuận,…

Về phương án sử dụng vốn vay và trả nợ, cán bộ tín dụng phải biết doanh nghiệp sử dụng vốn vay vào mục đích gì? Phương án trả nợ từ nguồn nào, có hợp lý không?...

٭ Thẩm định nguồn thế chấp, đảm bảo

Về tài sản đảm bảo, chủ yếu cần biết giá trị của nó đủ đảm bảo cho khoản vay hay không? Ai có quyền sở hữu đối với tài sản đó? khả năng chuyển nhượng của nó được thực hiện như thế nào?

Đó là những thông tin cơ bản về doanh nghiệp mà một cán bộ tín dụng phải biết để thẩm định trước khi cho vay. Tiếp đó, ngân hàng cần phải đa dạng hoá thông tin thu thập được từ nhiều nguồn khác để đánh giá và nhận xét khách quan hơn về thực trạng tình hình của các DNVVN vốn hay biến động. Đặc biệt cần phải khai thác triệt để nguồn thông tin từ trung tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ngày nay, sự phát triển của khoa học công nghệ tác động lớn tới chất lượng thẩm định dự án, nó giúp các cán bộ thẩm định rút ngắn thời gian thẩm định và tăng tính chính xác của kết quả thẩm định để nắm bắt được cơ hội đầu tư. Chính vì vậy, đầu tư cho công nghệ ngân hàng là hoạt động chiến lược, tuy nhiên nó phải tuân thủ theo các yêu cầu về tiết kiệm mới có thể đảm bảo chất lượng thẩm định trước khi cho vay.

Như vậy, trên cơ sở thực hiện tốt các biện pháp trên đây, ngân hàng sẽ không ngừng nâng cao chất lượng thẩm định dự án, từ đó kết quả của thẩm định sẽ có độ tin cậy cao; khả năng chịu tổn thất do rủi ro khi cho vay đối với DNVVN sẽ thấp hơn, tạo điều kiện cho ngân hàng nâng cao chất lượng cho vay đối với loại hình doanh nghiệp này. Ngoài ra, ngân hàng cũng có thể tham khảo thêm thông tin từ báo chí, mạng internet, từ bạn hàng kinh doanh của doanh nghiệp, tăng cường mối quan hệ với các cơ quan chức năng trên địa bàn để có thêm thông tin về đường lối, chính sách phát triển kinh tế xã hội của địa bàn. Đồng thời cần phải quan tâm đến chính sách tín dụng của NHNo & PTNT Việt Nam để từ đó xây dựng chính sách tín dụng phù hợp cho mình. Trong quá trình cho vay, chi nhánh cần tăng cường công tác kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay để đảm bảo an toàn.

Một phần của tài liệu Giảp pháp mở rộng cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Nam Hà nội.DOC (Trang 52 - 55)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(69 trang)
w