2. Phân tích tình hình nhập siêu
2.3.1. Nhân viên hải quan nhũng nhiễu gây khó khăn cho xuất khẩu
Anh B., nhân viên một công ty giao nhận hàng, cho biết: “Trước đây làm nhanh lắm, đến đầu giờ chiều là kiểm hóa xong. Khi báo chí phản ánh hải quan nhũng nhiễu, đòi tiền DN thì thời gian làm thủ tục kéo dài lê thê, hồ sơ ngâm từ sáng tới chiều vẫn chưa chuyển qua khâu tính thuế”.
Tại khu vực đăng ký tờ khai, một nhân viên giao nhận hàng của Công ty V đang kẹp tờ 100.000 vào bộ hồ sơ để nộp vào cửa đăng ký. Chúng tôi hỏi đó là tiền gì, anh này nhăn nhó: “Chung cho cán bộ đăng ký. Chờ từ sáng đến giờ mà tờ khai cứ bị “đá qua đá lại”, cán bộ kiểm hóa thì đi đâu mất”. Chúng tôi hỏi “hàng có vi phạm không?”, anh P. nói: “Hàng miễn kiểm nhưng cũng phải chung chi, nếu không sẽ bị ngâm lâu nữa”.
Một số DN bức xúc cho biết hàng của họ được các công chức hải quan kiểm hóa cách đây 2-3 ngày, còn phải ký tờ khai thông quan, tờ khai nguồn gốc nhưng chờ cả ngày không thấy họ đâu. Nhiều DN phản ảnh một số nhân viên hải quan tỏ thái độ cáu kỉnh, bực tức, hành xử “khác mọi ngày”.
Không ít người làm việc với gương mặt lạnh lùng, dò xét từng chữ, bắt từng lỗi chính tả trong các bộ hồ sơ rồi sẵn sàng từ chối giải quyết. Khâu kiểm hóa thì hành xử theo kiểu “không sai cũng tìm cho ra”.
Nhiều doanh nghiệp nói họ mở tờ khai từ sáng sớm nhưng đến cuối ngày vẫn chưa được kiểm hóa. Trong khi đó đối tác liên tục gọi điện hối thúc hoặc dọa phá bỏ hợp đồng. Một vài doanh nghiệp có mặt từ sáng sớm để chờ ký tờ khai thông quan nhưng không thấy lãnh đạo chi cục đâu đành phải quay về.
Giám đốc một công ty giao nhận hàng nhận xét: “Thông thường cứ sau khi có bài báo nào phản ánh là y như rằng quy trình làm việc bị chậm hẳn lại, nhân viên hải quan làm chặt chẽ hơn, soi mói nhiều hơn và rất khó chịu. Nhưng sau đó một tuần đến 10 ngày mọi việc đâu lại vào đó. Chỉ có chúng tôi khổ thôi!”.
Theo vị giám đốc này, bình thường những lỗi nhỏ nhặt sẽ được cho qua, nhưng khi đã “có sự cố” thì doanh nghiệp chỉ biết ngậm ngùi nghe theo nhân viên hải quan chứ gần như không thể năn nỉ. “Thủ tục hải quan rất phức tạp, có văn bản hướng dẫn, quy trình hẳn hoi nhưng đụng vào thực tế mới thấy không dễ. Tôi có trên 10 năm kinh nghiệm nhưng vẫn làm sai như thường” - vị giám đốc này nói.
Thực trạng tồi tệ này không còn giới hạn ở phạm trù đạo đức, phẩm chất cán bộ công chức, mà xét về giác độ kinh tế, nó đã góp phần làm tăng giá thành sản xuất, lưu thông hàng hóa một cách phi lý, làm giảm nguồn thu ngân sách, làm tăng chênh lệch giàu - nghèo và bất công xã hội.
Nguy hại hơn, tình trạng nhũng nhiễu của hải quan đã và đang làm hạn chế xuất khẩu, tác động rất xấu đến khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam đang cố gắng vươn lên, đến hình ảnh đất nước cũng như uy tín quốc gia trên trường quốc tế. Vấn đề chống tiêu cực, tham nhũng trong ngành Hải quan là rất cấp bách và là mối quan tâm đặc biệt, là đòi hỏi chính đáng của toàn xã hội hiện nay.