Thứ nhất, xây dựng chế độ sở hữu đảm bảo yêu cầu đúng định hướng
xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, xuất phát từ thực trạng của lực lượng sản xuất ở nước ta, Đảng ta chủ trương đa dạng hóa các loại hình sở hữu, gồm cả sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân,... Các hình thức sở hữu này ở nước ta trong giai đoạn hiện nay là tất yếu, bởi vì lực lượng sản xuất ở nước ta hiện nay còn có nhiều hạn chế, có sự đan xen nhiều trình độ khác nhau, gồm cả thủ công, cơ khí, hiện đại. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, nền kinh tế của đất nước ta là nền kinh tế phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, do vậy, yếu tố kinh tế đặc trưng của nó là chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu. Trong Văn kiện Đại hội X, khi nói về đặc trưng của chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta đang xây dựng không thấy nhắc đến đặc điểm này khiến nhiều nhà
nghiên cứu băn khoăn và thắc mắc. Theo chúng tôi, đây là một vấn đề mang tính nguyên tắc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, do vậy, cho dù đa dạng hóa các loại hình sở hữu, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đến đâu đi nữa thì cũng phải chú trọng đến cơ sở kinh tế của chế độ chúng ta. Theo chúng tôi, tại Đại hội XI của Đảng trong thời gian tới (năm 2011) cần chính thức khẳng định chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu khi nói về các đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng (đúng như Dự thào các Văn kiện trình Đại hội XI của Đảng). Quan tâm đúng mức đến chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu giúp chúng ta không bao giờ chệch hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình đổi mới.
Thứ hai, sử dụng có hiệu quả những nguồn lực thuộc sở hữu nhà nước.
Năm 2005, Chính phủ đã thành lập Tổng công ty đầu tư vốn nhà nước (SCIC) là một giải pháp phù hợp với nước ta trong lúc này nhằm quản lý, đầu tư, kinh doanh có hiệu quả nguồn vốn nhà nước. Tuy nhiên, theo chúng tôi, cần phải có thêm một bộ phận chuyên trách để quản lý những nguồn lực khác ngoài vốn để sử dụng có hiệu quả, tránh tình trạng thất thoát, sử dụng sai mục đích những nguồn lực này.
Thứ ba, chỉ duy trì sở hữu nhà nước ở những ngành, lĩnh vực mang tính
then chốt, là huyết mạch của nền kinh tế, hoặc có liên quan đến an ninh quốc gia, có khả năng chi phối toàn bộ nền kinh tế (như ngành tài chính ngân hàng, năng lượng, công nghiệp quốc phòng), còn lại phải tiến hành bán, khoán, cho thuê,… làm được như vậy vừa đảm bảo được sức mạnh kinh tế của nhà nước, vừa khắc phục được tình trạng thất thoát, kém hiệu quả cuả các nguồn lực thuộc sở hữu nhà nước.
Thứ tư, hoàn thiện pháp luật về sở hữu theo hướng khẳng định sự tồn
tại khách quan và khuyến khích sự phát triển đa dạng các hình thức sở hữu, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu trong nền kinh tế. Trong quá trình đó phải chú ý đúng mức đến sở hữu tư nhân, đặc biệt là các chủ doanh nghiệp tư nhân. Đây là một vấn đề rất quan trọng, bởi vì các thế lực thù địch thường có những hoạt động phá hoại làm ảnh hưởng đến tư tưởng
của nhiều chủ doanh nghiệp. Họ cho rằng, việc các nước xã hội chủ nghĩa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển chỉ là những biện pháp mang tính nhất thời theo kiểu “vỗ béo rồi giết thịt”, nghĩa là khi nào hết thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bước sang giai đoạn xã hội chủ nghĩa thì những tài sản của các doanh nghiệp tư nhân sẽ bị công hữu hóa. Do vậy, các chiến lược, chính sách liên quan đến chế độ sở hữu của Nhà nước ta phải tạo được sự yên tâm của các chủ doanh nghiệp tư nhân, làm được như vậy không chỉ giúp các chủ doanh nghiệp tư nhân yên tâm sản xuất kinh doanh mà còn góp phần khắc phục được tình trạng nhiều nguồn lực quan trọng của đất nước bị đưa trái phép ra nước ngoài.
Thứ năm, chế độ sở hữu phải có khả năng huy động mạnh mẽ các
nguồn lực vào sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Một vấn đề đặt ra lúc này là cần phải nghiên cứu những mặt trái, những hạn chế của chế độ khoán 10 trong nông nghiệp đã ra đời và tồn tại hơn 20 năm qua. Theo chúng tôi, việc chia nhỏ tư liệu sản xuất của khoán 10 đã từng phát huy tác dụng rất tốt trong những năm trước đây, nhưng hiện nay, khi nền sản xuất đã phát triển hơn rất nhiều, đặt ra yêu cầu phải tập trung nhiều ruộng đất để sản xuất quy mô lớn thì nhà nước cần phải có những điều chỉnh về việc sở hữu quyền sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp. Việc dồn điền đổi thửa đã được tiến hành trong thời gian vừa qua chỉ có tác dụng trong một chừng mực nhất định, không đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền sản xuất hiện đại quy mô lớn. Do vậy, bên cạnh việc tiếp tục duy trì chế độ khoán 10 trong một thời gian nhất định, cần phải đồng thời chủ động nghiên cứu, thử nghiệm việc tập trung ruộng đất, tạo điều kiện cho những cá nhân có đủ năng lực, đủ điều kiện được sở hữu nhiều ruộng đất để tiến hành sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Nếu không chủ động như vậy thì chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng tích tụ ruộng đất một cách tự phát, gây ra những hậu quả phức tạp.