Chiến lược tăng trưởng mới của Nhật Bản, được công bố năm 2010, nhằm hồi sinh nền kinh tế bế tắc của Nhật Bản kéo dài gần 2 thập kỷ qua. Trên cơ sở tư tưởng tạo ra các nhu cầu việc làm mới, Chiến lược đặt ra 7 lĩnh vực chiến lược là: “đổi mới xanh”, “đổi mới cuộc sống”, “kinh tế châu Á”, “du lịch”, “KH&CN và CNTT-TT”, “việc làm và nguồn nhân lực” và “tài chính”. Trong đó KH&CN được coi là một trong những nền tảng hỗ trợ cho tăng trưởng (cùng với việc làm, nguồn nhân lực và tài chính). Trong Chiến lược Tăng trưởng mới, chiến lược về KH&CN và CNTT đến năm 2020 được xác định như sau:
Mục tiêu đạt được vào năm 2020: Đứng đầu thế giới về “đổi mới xanh” và “đổi mới cuộc sống”. Tăng số lượng các trường đại học và viện nghiên cứu đứng đầu thế giới về các lĩnh vực triển vọng. Đảm bảo có việc làm đầy đủ cho tất cả những người có bằng tiến sĩ về KH&CN. Khuyến khích sử dụng tài sản trí tuệ được sở hữu bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cải thiện tiện nghi đời sống hàng ngày và các chi phí sản xuất thấp hơn thông qua sử dụng NCTT-TT. Tăng đầu tư công và công – tư cho NC&PT lên hơn 4% GDP.
Nâng cao năng lực tăng trưởng bằng cách ứng dụng các sức mạnh về KH&CN.
Nhật Bản đạt được tăng trưởng cao trước đây nhờ các năng lực KH&CN thuộc hàng tốt nhất thế giới và trình độ học vấn cao của người dân Nhật Bản. Tuy nhiên, khi Nhật Bản vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, các kỳ vọng và sự coi trọng dành cho KH&CN mất dần đi và Nhật Bản sao lãng việc nuôi dưỡng
nhân tài để đạt được các đỉnh cao mới trong những lĩnh vực KH&CN và không thành công trong thực hiện đổi mới các viện nghiên cứu của mình. Nhật Bản phải tạo ra đổi mới và “năng lực mềm” một cách bền vững bằng cách tăng cường nguồn nhân lực có trình độ cao và cố gắng cải thiện môi trường nghiên cứu, đẩy mạnh các ứng dụng thương mại của nghiên cứu nhằm phát triển các kỹ thuật mới để tạo năng lực cho tăng trưởng và mở ra các phạm vi mới trong công nghiệp.
Cải thiện môi trường nghiên cứu và các điều kiện thúc đẩy đổi mới và củng cố các hệ thống để xúc tiến những nỗ lực đó.
Nhật Bản sẽ đẩy nhanh cải cách các trường đại học và các viện nghiên cứu và tạo môi trường nghiên cứu tự chủ và nhiều cơ hội nghề để thúc đẩy những người trẻ tuổi theo đuổi các tham vọng nghệ nghiệp về khoa học. Nhật Bản cũng sẽ chuẩn bị một môi trường thích hợp bao gồm cấp kinh phí và hỗ trợ các hệ thống nghiên cứu cũng như các điều kiện sống đầy đủ để thu hút các nhà nghiên cứu tài năng từ khắp nơi trên thế giới. Nhật Bản cũng sẽ thúc đẩy nghiên cứu cơ bản cũng như mở ra các phạm vi NC&PT mới về các lĩnh vực bao gồm các biên giới NC&PT liên quan đến vũ trụ và đại dương. Thông qua các biện pháp như vậy, ví dụ như tài trợ và hỗ trợ cho mỗi giai đoạn từ nghiên cứu về các khái niệm mới đến ứng dụng thương mại của chúng và xem xét lại một cách hợp lý các quy định để việc kiểm tra xem xét được thuận tiện, Nhật Bản cải cách các hệ thống và quy định để phát triển mạnh đổi mới và đảm bảo rằng sở hữu trí tuệ được bảo vệ và sử dụng thích đáng. Nhật Bản thúc đẩy việc thực hiện các dự án mạo hiểm xoay quanh sức mạnh KH&CN và khuyến khích các nỗ lực, thông qua hợp tác và những thỏa thuận giữa ngành khoa học và trường đại học và đưa đến việc sử dụng trong nước các thành quả nghiên cứu tại các trường đại học và các viện nghiên cứu.
Vì đầu tư trước vào KH&CN đặc biệt quan trọng cho đất nước nên Nhật Bản sẽ tăng đầu tư công và công – tư cho NC&PT lên tới hơn 4% vào năm 2020. Để
thúc đẩy một cách hiệu quả đổi mới và NC&PT vượt lên trên các nước khác, Nhật Bản sẽ thực hiện việc xem xét lại toàn bộ các hệ thống để triển khai các chính sách liên quan đến KH&CN. Nhật Bản cũng sẽ tăng cường “ngoại giao KH&CN” bao gồm xúc tiến các hoạt động nghiên cứu hợp tác quốc tế và hợp tác KH&CN với các nước đang phát triển .
Thông qua việc bổ sung các nỗ lực như vậy, đến năm 2020, Nhật Bản sẽ tham gia vào “đổi mới xanh” (đổi mới về môi trường và các lĩnh vực năng lượng) và “đổi mới cuộc sống” (đổi mới trong các lĩnh vực chăm sóc y tế và điều dưỡng) tiến tiến nhất thế giới, tăng số lượng trường đại học và viện nghiên cứu đứng đầu thế giới trong các lĩnh vực riêng biệt, và phấn đấu để đảm bảo có đầy đủ việc làm cho tất cả những người có bằng tiến sĩ về KH&CN. Nhật Bản cũng sẽ khuyến khích các DNVVN sử dụng tài sản trí tuệ.
Nhật Bản, quốc gia định hướng công nghệ thông tin:
- NCTT-TT là nền tảng cho đổi mới:
NCTT-TT vượt qua thời gian và khoảng cách để kết nối con người, hàng hóa, tiền bạc và thông tin. Việc đưa NCTT-TT vào tất cả các mặt hoạt động kinh tế và cuộc sống hàng ngày sẽ cải thiện triệt để hiệu suất của các hệ thống kinh tế và xã hội và cung cấp cơ sở cho đổi mới. Cải thiện cuộc sống hàng ngày của người dân và tăng cường cạnh tranh quốc tế thông qua sử dụng NCTT-TT. Về khía cạnh trình độ công nghệ và xây dựng hạ tầng, Nhật Bản đạt được trình độ cao nhất thế giới về NCTT-TT nhưng việc sử dụng đã tụt hậu so với các nước phát triển, vì tác động tiềm năng của công nghệ này lúc này mới được nhận ra.
Trong khi đảm bảo hòa bình cho người dân bằng các thực hiện các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân và cải thiện an ninh, Nhật Bản khuyến khích sử dụng NCTT-TT, ví dụ như thông qua nâng cao đào tạo để cung cấp cho mọi người sự thành thạo về công nghệ này. Điều này sẽ làm cho cuộc sống hàng ngày tiện nghi hơn, tăng gấp ba lần năng suất trong các lĩnh vực liên quan đến NCTT-TT, tăng
tính cạnh tranh quốc tế bằng cách giảm chi phí sản xuất, và đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp. Để cải thiện hiệu quả về cung cấp các dịch vụ của chính phủ, Nhật Bản tăng cường vi tính hóa nhiều thủ tục hành chính và cung cấp các dịch vụ một cửa của chính phủ. Nhật Bản cũng tăng đầu tư vào cung cấp và sử dụng các loại mã số nhận diện khác nhau bằng cách kết nối chúng với các mã số công dân. NCTT-TT sẽ được sử dụng để cải thiện chất lượng các dịch vụ y tế, đào tạo và các dịch vụ khác, ví dụ như bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác giáo dục, trong đó trẻ em dạy và học lẫn nhau. Nhật Bản cũng sẽ thúc đẩy sử dụng nhiều hơn cáp quang và các loại dịch vụ bằng thông rộng khác để đem lại sự tiện nghi hơn cho tất cả người. Thêm vào đó, Nhật bản thúc đẩy xúc tiến sử dụng NCTT-TT trong việc giảm phát thải khí nhà kính, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn, tăng cường các giao dịch quốc tế, xúc tiến việc làm cho người khuyết tật và các khu vực khác. Để theo đuổi các mục tiêu này, Nhật Bản sẽ xem xét lại các hệ thống và các quy định để giúp thúc đẩy việc sử dụng NCTT-TT.
Định hướng chiến lược năm 2025 Lộ trình các chiến lược đổi mới công nghệ:
Lộ trình chiến lược đổi mới công nghệ của Nhật Bản có 3 lớp: (1) Dự án Đẩy nhanh chuyển giao cho xã hội, (2) Thúc đẩy NC&PT chiến lược và chuyên ngành, và (3) Nghiên cứu cơ bản. Dự án Đẩy nhanh chuyển giao cho xã hội có nghĩa thể hiện các kết quả của các công nghệ bằng cách kiểm tra toàn bộ quá trình, từ nghiên cứu cơ bản đến chuyển giao KH&CN cho xã hội. Thúc đẩy NC&PT Chiến lược và Chuyên ngành được tiến hành trên cơ sở có lựa chọn và tập trung. Nghiên cứu cơ bản mang tính sáng tạo cao và các hoạt động tạo ra các hạt giống cho đổi mới.
Những lộ trình NC&PT hướng vào hiện thực hóa 5 hình ảnh xã hội Nhật Bản năm 2025 được hình dung ra gồm: 1. Một xã hội mà mọi người có thể khỏe mạnh
trong suốt cuộc đời; 2. Một xã hội an toàn và được bảo đảm; 3. Một xã hội nắm bắt sự đa dạng trong cuộc sống; Một xã hội tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu; 5. Một xã hội mở với thế giới.
KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NHẬT BẢN TRONG “TẦM NHÌN NHẬT BẢN 2050”
Gần đây Nhật Bản đã đưa ra Tầm nhìn Nhật Bản 2050 (Japan Vision 2050), theo đó vào năm 2050 Nhật Bản trở thành một Quốc gia phẩm giá cao (Nation of Dignity) (ở đó mọi giá trị đều gần như đạt tới đỉnh cao) và tạo được Niềm tin châu Á (Asian trust). Tầm nhìn Nhật Bản 2050 bao gồm 8 phần: những phần đầu lần lượt đi từ khái quát đặc điểm của Nhật Bản và thế giới trong thế kỷ 20 trong đó nhấn mạnh đến yếu tố KH&CN đã đưa Nhật Bản tiến xa; tiếp đến, Tầm nhìn đề cập tới những vấn đề và thách thức mà thế giới, nhất là Nhật Bản và châu Á phải đối đầu trong thế kỷ 21... Tầm nhìn đã đặt ra những sứ mệnh cần nhắm tới của các chiến lược và chính sách KH&CN cũng như giáo dục và đào tạo của Nhật Bản.
Theo Tầm nhìn Nhật Bản 2050, những thách thức mà nhân loại trong thế kỷ 21 là suy thoái môi trường, tăng dân số, khoảng cách phát triển giữa Bắc và Nam, sự ổn định của xã hội loài người. Trong thế kỷ 21, Nhật Bản sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, tạo lập và và thực hiện chiến lược xây dựng Niềm tin châu Á và nhận thức các chính sách KH&CN chiến lược.
Tầm nhìn sẽ đạt được khi giải quyết được hai vấn đề cơ bản là môi trường và phát triển kinh tế trong sự hài hoà. Phát triển nguồn nhân lực là vấn đề sống còn của một quốc gia. Các vấn đề then chốt trong các sứ mệnh mục tiêu được đề cập là:
- Thực hiện cải cách giáo dục;
- Thực hiện xã hội dân chủ, hiện thực hoá một xã hội xây dựng trên Đối tác bình đẳng (Equal - Partnership, như nhiều xã hội khác, xã hội Nhật Bản được xây
dựng chủ yếu dựa vào cấu trúc xã hội nam giới ngự trị, do vậy Nhật Bản hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn, ở đó có sự bình đẳng và hợp lý về giới, năng lực, độ tuổi…);
- An ninh quốc gia;
- Phát triển hạ tầng cho một lối sống lành mạnh;
- Tạo các chính sách công nghiệp, kinh tế, lao động và việc làm; - Sống chung với thiên nhiên và phục hồi thiên nhiên;
- Phát triển các hệ thống thông tin - viễn thông; - Năng lượng và môi trường.
Về khung thời gian cho các sứ mệnh mục tiêu này, Nhật Bản sẽ thiết lập các kế hoạch 5 năm (từ 2006-2020). Nguyên tắc của chính sách KH&CN trong các kế hoạch này là chính sách KH&CN đảm bảo tính chắc chắn và ổn định kinh tế và môi trường.
Về nhận thức các chính sách KH&CN chiến lược, Nhật Bản coi các chính sách KH&CN như là những phương cách để thực hiện Tầm nhìn quốc gia. Mục tiêu của các chính sách này là không giới hạn đối với sự phát triển của ngành công nghiệp sử dụng KH&CN như một đòn bẩy. Ngoài ra, mục tiêu còn giúp cho người dân có một cuộc sống chất lượng hơn. Như lịch sử đã chứng minh, khoa học luôn tạo ra tri thức mới, tiến bộ mới, giúp nhân loại hiểu được quy luật của tự nhiên, kích thích óc sáng tạo và trí tưởng tượng.
Chính phủ Nhật Bản cho rằng điều quan trọng là chính sách KH&CN phải là một trong những yếu tố then chốt đảm bảo sự duy trì và phát triển của Nhật Bản, tạo cho nước này một ảnh hưởng mới và một vị thế mới trên thế giới. Hợp tác với các nước châu Á là chủ đề quan trọng nhất trong chính sách KH&CN Nhật Bản. Một sứ mệnh mục tiêu quan trọng nhất mà chính sách KH&CN cần nhắm tới là hợp tác và điều phối những nỗ lực với các nước châu Á, nhằm giải quyết các vấn đề chung trong khu vực như đảm bảo an ninh (phòng ngừa bệnh tật, khủng bố,
quốc phòng…); xây dựng xã hội thông tin với các giá trị chung; gắn kết tất cả các ngành khoa học mũi nhọn của thời đại (khoa học sự sống, công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ thông tin, rô-bốt…).
Châu Á chiếm 60% dân số thế giới và là nơi có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Đối với Nhật Bản, có rất nhiều điểm chung với các nước châu Á, về mặt lịch sử, văn hoá… do vậy Nhật Bản có thể cùng với các nước châu Á giải quyết các thách thức chung về tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Hợp tác với các nước châu Á thông qua KH&CN và phát triển nguồn nhân lực là bước đi cực kỳ quan trọng. Bởi vì không quốc gia nào có khả năng đầu tư lớn cho KH&CN hay phương tiện kỹ thuật trong các kế hoạch hay các dự án khổng lồ, ví dụ như các chương trình không gian: một số nước có lợi thế về nghiên cứu vệ tinh, nước khác lại có thế mạnh về siêu máy tính, nghiên cứu năng lượng cao… do vậy không có lý do gì để Nhật Bản thực hiện một mình các chương trình như vậy.