Tính minh bạch, công khai

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) đánh giá hiệu quả quản lý nhà nước về đào tạo nhân lực y tế trình độ trung cấp chuyên nghiệp theo hình thức cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ tỉnh cà mau (Trang 28 - 30)

Hoạt động đào tạo nhân lực là một vấn đề luôn được xã hội quan tâm, đặc biệt là đào tạo nhân lực y tế. Những thông tin liên quan đến chế độ người đi học, tuyển sinh, thông tin về nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của ngành cần được công khai rộng rãi để người học định hướng được việc học và công việc sau khi tốt nghiệp. Chính sách cử tuyển đã được thực hiện và có quy định rõ ràng, phổ biến rộng rãi trong hoạt động tuyển sinh. Riêng đào

tạo theo địa chỉ là tùy từng ngành, từng đơn vị sử dụng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, do chỉ tiêu tuyển sinh đối tượng đào tạo theo địa chỉ nằm trong chỉ tiêu tuyển sinh chung của các trường nên sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của những thí sinh xét tuyển còn lại. Đối tượng xét tuyển phải cạnh tranh với số lượng nhiều, trong khi đối tượng đào tạo theo địa chỉ chỉ phải cạnh tranh với một số lượng tương đối ít hơn, điểm chuẩn lại thấp hơn. Như vậy, người học theo địa chỉ sẽ được lợi nhiều hơn về cơ hội vào học. Trong trường hợp được bố trí công việc sau khi ra trường thì người học theo địa chỉ sẽ không phải lo lắng nhiều về công việc sau khi ra trường, có thể dẫn đến tâm lý ỷ lại, không nỗ lực, cố gắng trong quá trình học tập.

Thông tin không được công khai, minh bạch cũng sẽ là cơ hội cho những cá nhân muốn trục lợi trong tuyển sinh. Do được ưu tiên khi điểm chuẩn thấp hơn điểm chuẩn khi xét tuyển, những thí sinh có khả năng kém hơn vẫn có thể đăng ký đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Điều này dẫn đến sự bất bình đẳng giữa các đối tượng tham gia dự tuyển. Người có thông tin sẽ dễ dàng được vào học, người không có thông tin sẽ gặp khó khăn hơn, có khi không được vào học. Thông tin không được công khai, minh bạch sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể dẫn đến những tiêu cực trong tuyển sinh.

Trong thực tế, thông tin về cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ còn rất hạn chế. Công tác tư vấn tuyển sinh hàng năm là nguồn thông tin chính thức mà người học có thể nhận được. Ngoài ra, trên trang thông tin điện tử của Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau cũng như Sở Y tế đều không đăng tải những thông tin này. Khi được khảo sát, 44% học sinh ngành y sỹ hiểu rõ những thông tin về hình thức cử tuyển, 35% biết ít thông tin và có đến 20% hoàn toàn không biết thông tin về cử tuyển. Đối với thông tin đào tạo theo địa chỉ, chỉ có 23% học sinh hiểu rõ, 44% biết ít thông tin và có đến 34% hoàn toàn không biết thông tin gì về đào tạo theo địa chỉ. Tỷ lệ học sinh biết được rõ ràng thông tin về nhu cầu lao động của ngành y tế cũng rất thấp, chỉ có 18%, số còn lại biết một ít và hoàn toàn không biết thông tin chiếm tỷ lệ 16%. Thông tin về ngành học mà người học nhận được chủ yếu là từ người quen (41%), kế đến là từ thông tin hướng nghiệp (34%), thông tin qua báo đài và internet chỉ có 12 – 13% mà thôi. Như vậy, thông tin về ngành học và thông tin tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp y tại Cà Mau không được công khai, minh bạch trên các phương tiện truyền thông. Điều này dẫn đến hiện tượng những người có người thân làm trong ngành y tế sẽ có nhiều thông tin hơn và có cơ hội học tập lớn hơn những người khác.

Quy trình xét tuyển là điều kiện quan trọng để đảm bảo chất lượng đầu vào trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực y tế. Phần lớn, quy trình cử tuyển đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật và quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mặc dù vậy, trong nhiều năm, tỷ lệ người Kinh tham gia cử tuyển vẫn cao hơn so với quy định (từ 40 đến 76%), điều này vi phạm quy định về đối tượng được hưởng chính sách. Riêng giai đoạn phân công nhiệm vụ cũng có gặp một ít khó khăn do công việc được phân công không phù hợp với khả năng, ngành nghề của người được cử tuyển.

Trong quy trình đào tạo theo địa chỉ, có hai giai đoạn có khả năng dẫn đến sai sót, tạo cơ hội cho các đối tượng người học lợi dụng để được hưởng chế độ ưu tiên trong đào tạo, đó là giai đoạn thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và giai đoạn xét hồ sơ. Theo quy định của Ủy ban Nhân dân tỉnh, việc đào tạo theo địa chỉ cần phải thông báo rộng rãi để người dự tuyển và các đơn vị sử dụng hiểu rõ về những thông tin liên quan. Thế nhưng, theo kết quả phỏng vấn cán bộ phụ trách đào tạo của Sở Y tế thì các năm qua, thông tin đào tạo theo địa chỉ không được thông báo rộng rãi mà chỉ được biết đến trong một bộ phận của ngành y tế. Theo kết quả khảo sát từ học sinh đào tạo theo địa chỉ, có đến 44 % trong số này có người thân là cán bộ trong ngành y tế và khoảng 40% trong số này nhận được thông tin từ người thân về ngành học và trường học. Có đến 34 % học sinh ngành y sỹ không biết thông tin về hình thức đào tạo theo địa chỉ. Như vậy, thông tin đào tạo theo địa chỉ không được công khai rộng rãi đến với người học.

Quy trình xét tuyển không đảm bảo công khai, minh bạch khi không có sự tham gia của cơ sở đào tạo cũng như các ban ngành có liên quan. Sở Y tế chỉ tổ chức xét tuyển nội bộ, trình Ủy ban Nhân dân tỉnh và gửi kết quả qua Trường Cao đẳng Y tế Cà Mau để hợp đồng đào tạo. Trong trường hợp này, rất khó để kiểm tra tính chính xác của kết quả xét tuyển.

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) đánh giá hiệu quả quản lý nhà nước về đào tạo nhân lực y tế trình độ trung cấp chuyên nghiệp theo hình thức cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ tỉnh cà mau (Trang 28 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(50 trang)