Tình trạng mất khả năng trả nợ của của người đi vay có thể do nhiều nguyên nhân, chủ quan và khách quan, trực tiếp và gián tiếp. Nhưng cho dù nguyên nhân nào, thì cuối cùng vấn đề là người vay không thực hiện được các cam kết và nghĩa vụ tín dụng; không có khả năng trả nợ do năng lực tài chính suy giảm, do đó làm giảm chất lượng tín dụng. Có thể liệt kê một số nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng từ phía các doanh nghiệp như sau:
Trình độ quản lý, kinh doanh của DNNN:
Bị ảnh hưởng sâu sắc bởi thời kỳ bao cấp, nhiều DNNN hiện nay vẫn còn tồn tại tư tưởng “được Nhà nước bao cấp” nên họ không cố gắng kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp do trình độ kinh doanh yếu kém (đội ngũ cán bộ lãnh đạo phần đông là trải qua kinh nghiệm trong thời bao cấp, kiến thức về kinh tế thị trường nắm bắt chưa được bao nhiêu,trình độ tay nghề hạn chế, ý thức kỷ luật lao động thấp, chưa có tác phong công nghiệp... làm khả năng tổ chức, điều hành sản xuất kinh doanh của lãnh đạo doanh nghiệp yếu kém) nên hoạt động của doanh nghiệp không hiệu quả trên đồng vốn vay từ ngân hàng, làm khả năng trả nợ giảm đi. Cũng có nhiều doanh nghiệp không có sự linh hoạt trong kinh doanh: không cải tiến quy trình công nghệ, không trang bị máy móc hiện đại, không thay đổi mẫu mã hoặc nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm dẫn tới sản phẩm sản xuất ra thiếu sự cạnh tranh (giá thành cao, sản phẩm đơn điệu, hình thức kém hấp dẫn),
bị ứ đọng trên thị trường khiến cho doanh nghiệp không có khả năng thu hồi vốn trả nợ cho ngân hàng. Tất cả những nguyên nhân đó đều ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của ngân hàng, cụ thể là nó làm giảm chất lượng tín dụng.
Đạo đức của các cán bộ trong doanh nghiệp:
Các nguyên nhân kể trên đã rất nguy hiểm, nhưng nguy hiểm hơn nữa là tình trạng bản thân doanh nghiệp có chủ định lừa gạt, chiếm dụng vốn của ngân hàng. Ta biết rằng, các doanh nghiệp nhà nước luôn được ưu tiên trong việc vay vốn từ ngân hàng, tuy luật đã có những quy định thay đổi làm việc vay này trở nên gắt gao hơn nhưng quả thật là vẫn có sự ưu tiên hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng sự ưu tiên này để lừa gạt ngân hàng trong việc vay vốn (ví dụ như: DNNN có thể tận dụng lợi thế này để vay vốn từ các ngân hàng rồi cho vay lại đối với các doanh nghiệp khác nhằm kiếm lời chênh lệch, từ đó sẽ gia tăng rủi ro cho ngân hàng), làm chất lượng tín dụng giảm. Trong tương lai, khi các doanh nghiệp đều thật sự bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, khi các DNNN được cổ phẩn hóa, họ sẽ ý thức hơn trong hoạt động kinh doanh của mình, cùng cố gắng, nỗ lực như bao doanh nghiệp khác để tồn tại thì chắc chắn rằng chất lượng tín dụng của ngân hàng sẽ tăng lên đáng kể.