VĂN HÓA Ở TỈNH VĨNH PHÚC VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
nay và những vấn đề đặt ra
nay và những vấn đề đặt ra
2.1.1 Những thành tựu trong xây dựng gia đình văn hóa ở tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay
Trong nhiều năm qua, cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đã được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, trở thành cuộc vận động lớn và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cuộc vận động được kế thừa và nâng cao trong tình hình mới, khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết ở các cộng đồng dân cư, giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, tương thân tương ái, đền ơn đáp nghĩa, thực hiện và phát huy dân chủ ở cơ sở, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, chăm lo các lĩnh vực văn hoá xã hội và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch vững mạnh.
Trên cơ sở những tiêu chuẩn cụ thể về gia đình văn hóa, Ban chỉ đạo xây dựng gia đình văn hóa ở Vĩnh Phúc đã đề ra những tiêu chí phù hợp với điều kiện kinh tế, đặc điểm văn hóa xã hội của từng vùng, miền. Vì thế phong trào xây dựng gia đình văn hóa được đông đảo quần chúng nhân dân từ công nhân, viên chức lao động, trí thức, lực lượng vũ trang từ miền núi đến đồng bằng, từ vùng nông thôn đến thành thị nhiệt tình hưởng ứng, đăng ký gia đình văn hóa và kết quả tăng dần theo thời gian.
- Năm 2005 có 197.031 hộ gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa, đạt 80%.
- Năm 2010 có 199.126 hộ gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa, đạt 82,2%.
- Năm 2012 có 220.807 hộ gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa, đạt 87,5%.
49
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng phát triển về chiều rộng và bề sâu, do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động gia đình tham gia xây dựng gia đình văn hóa; nhiều nơi tổ chức tốt việc bình bầu gia đình văn hóa công khai, dân chủ từ khu dân cư; công bố quyết định công nhận nên chất lượng gia đình văn hóa ở đa số các địa phương đều được nâng lên. Xây dựng gia đình văn hóa đã thực sự trở thành môi trường giáo dục quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần của các thành viên trong gia đình. Phong trào “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã có vai trò to lớn trong việc thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện xóa đói giảm nghèo, và vươn lên làm giàu chính đáng.
Những kết quả trên đây nói lên ý thức trách nhiệm của công dân trong sự phát triển đời sống văn hóa, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các thành viên trong nhiều gia đình nhận thức rõ vai trò, vị trí của gia đình văn hóa nên tham gia rất tích cực vào cuộc vận động. Kết quả đạt được đó thể hiện trên các nội dung sau :
Về công tác xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế hộ gia đình
Công tác xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế hộ gia đình là một định hướng lâu dài trong xây dựng gia đình văn hóa Việt Nam để hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình no ấm. Gia đình no ấm là ước mong của mọi người, mọi gia đình, là ước mơ cao đẹp của các thành viên và cũng là mục tiêu mà mọi gia đình đang phấn đấu vươn tới. Với sự phát triển vượt bậc về kinh tế trong những năm gần đây, Vĩnh Phúc đã và đang tạo dựng những điều kiện vật chất và tinh thần để từng bước xây dựng gia đình no ấm ở mức độ cao hơn. Gia đình no ấm không chỉ là ăn no, mặc ấm, mà còn là ăn ngon, mặc đẹp, đảm bảo số lượng và chất lượng, thỏa mãn nhu cầu hiện tại, tiện nghi hiện đại của gia đình văn minh. Vì thế gia đình no ấm, mọi thành viên phải có việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo là một chiến lược phát triển quan trọng của Vĩnh Phúc hiện nay.
50
Mỗi bước phát triển kinh tế phải đi đôi với thành quả xóa đói giảm nghèo. Không để người dân bị bỏ lại trong nghèo đói, thất nghiệp, lạc hậu. Đấy chính là cách nghĩ, cách làm của Vĩnh Phúc. Thực hiện NQ16/2007/NQ- HĐND về chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm giai đoạn 2007 - 2010 và NQ 34/2008/NQ-HĐND về Quy định một số chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, người nghèo, thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng khó khăn giai đoạn 2009 - 2010, Vĩnh Phúc đã tạo ra bước chuyển mạnh mẽ, người dân tích cực giúp đỡ lẫn nhau về kinh nghiệm sản xuất, về vốn, vì vậy đời sống nhiều hộ nghèo từng bước được nâng lên, được cải thiện, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phong trào xoá đói giảm nghèo đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau ổn định phát triển kinh tế. Năm 2005 hộ đói nghèo còn 18,04%, năm 2009 hộ nghèo giảm còn 7,7%, không còn hộ đói, điều kiện về nhà ở đối với hộ nghèo được cải thiện. Tháng 11/2005 Vĩnh Phúc được Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Bằng ghi công xoá xong nhà tranh tre dột nát cho hộ nghèo. Vĩnh Phúc đang triển khai hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167 của Chính phủ. Từ năm 2000 đến năm 2012, Vĩnh Phúc đã xây dựng được gần 18.000 ngôi nhà đại đoàn kết, trị giá trên 900 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2012, “Quỹ vì người nghèo”, các hoạt động an sinh xã hội và công tác cứu trợ đã huy động được số tiền trên 77 tỷ đồng, từ sự đóng góp ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 538 căn nhà “Đại đoàn kết” cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh. Kết quả này đã đưa Vĩnh Phúc hoàn thành đề án xóa xong nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo trước 1 năm so với cả nước, giúp các hộ nghèo có nhà ở kiên cố, yên tâm sản xuất, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Chương trình xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo đã góp phần quan trọng trong giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh (năm 2008 là 18,04%, đến năm 2011 còn 8,7% theo tiêu chí mới), thúc đẩy quá trình phát triển kinh
51
tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt kết quả quan trọng của Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo đã góp phần thiết thực vào việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới như: hộ nghèo, nhà ở, thu nhập..., đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của tỉnh, làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm tới công tác xóa đói giảm nghèo cho những người có công với Tổ quốc. Tính từ năm 2000 đến nay phong trào “Uống nước nhớ nguồn” đã quyên góp được 55 tỷ đồng cùng với sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đã sửa chữa 924 nhà, làm mới 1.381 nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách.
Hội Cựu chiến binh tỉnh đã chủ trương “Động viên cựu chiến binh giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, nhằm cải thiện nâng cao mức sống hội viên”. Phong trào được triển khai rộng khắp trong các cấp Hội, đời sống của hội viên và gia đình cựu chiến binh được nâng lên. Năm 2007 tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,94% xuống còn 2,06% năm 2010, nâng hộ khá, giàu từ 53,73% năm 2007 lên 60% năm 2010. Điển hình như Chi hội cựu chiến binh thôn Hiển Lễ, xã Cao Minh, Phúc Yên có 154 hội viên, số hội viên có đời sống khá, giàu chiếm 65%, chỉ còn 1 hộ nghèo theo tiêu chí mới, Hội cựu chiến binh xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường) trên 800 hội viên đến nay không còn hộ nghèo…
Sáng tạo, có kế hoạch tổ chức sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao, không ngừng học tập nâng cao trình độ là con đường hữu hiệu để đạt được gia đình no ấm. Trong thời gian qua, nhiều gia đình ở Vĩnh Phúc coi việc chăm lo phát triển kinh tế là nhiệm vụ hàng đầu; năng động, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Nhiều nơi ở tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực mở mang ngành nghề, khôi phục và phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp, từ đó đã giải quyết được việc làm cho nhiều lao động nhất là các thành viên trong gia đình đến tuổi trưởng thành.
52
Thực tế cho thấy, gia đình văn hóa hầu hết là những hộ tiêu biểu trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Những gia đình văn hóa như gia đình ông Nguyễn Văn Quyết ở huyện Vĩnh Tường, năm nào cũng nuôi 1.000 con rắn, thu lợi nhuận 300 triệu đồng, gấp hơn 10 lần lương chủ tịch xã; gia đình ông Vũ Mạnh Hùng ở Vĩnh tường cũng nhờ nuôi 5000 con rắn mà mỗi năm thu về hơn 4 tỉ đồng; gia đình anh Nguyễn Văn Thuỷ ở thị trấn Tứ Trưng đã cải tạo hơn 5ha ruộng trũng quy hoạch thành trang trại theo mô hình V.A.C với phương châm “góp gió thành bão”, hiện nay gia đình anh mỗi năm thu lãi trên 500 triệu đồng... Những hộ gia đình làm kinh tế giỏi đều trở thành những tấm gương sáng trong công cuộc xây dựng gia đình văn hóa. Kinh tế ổn định, đã tạo tiền đề cho những gia đình này nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời có điều kiện nuôi dạy, chăm lo việc học hành của con cái, và là điều kiện quan trọng để xây dựng gia đình no ấm.
Phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đã phát triển rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân. Số hộ khá và giàu ngày càng tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống; năm 2009 GDP bình quân đầu người của tỉnh Vĩnh Phúc đạt 1.250 USD. Mục tiêu xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình no ấm của Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả nhất định, song vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vĩnh Phúc hiện nay đang có nhiều dự án lớn triển khai, điển hình như: các khu công nghiệp (Khai Quang, Bình Xuyên, Chấn Hưng, Hội Hợp), các khu đô thị (Hà Tiên, Nam Đầm Vạc). Các khu công nghiệp và khu đô thị này đã hoạt động và đang được tiếp tục hoàn thiện. Các khu công nghiệp đã thu hút 422 dự án (FDI, DDI), thu hút trên 70 ngàn lao động… Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là trình độ lao động trong tỉnh còn chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiều nhà đầu tư, vì vậy gây khó khăn cho việc giải quyết lao việc làm trong tỉnh. Tỷ lệ thu hút lao động các tỉnh ngoài (Hà Nội) trong một số doanh nghiệp còn tương đối cao.
Về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, thực hiện nếp sống mới và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội
53
Về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình
Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình ở Vĩnh Phúc là một trong những điều kiện quan trọng thiết yếu để hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình tiến bộ như đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra. Xây dựng gia đình tiến bộ ở Vĩnh Phúc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa hiện nay là xây dựng mô hình gia đình có nếp sống văn minh, phù hợp với sự đổi mới của đất nước. Gia đình tiến bộ là gia đình thực hiện tốt các chức năng của mình theo yêu cầu phát triển của xã hội hiện đại, bởi theo quan điểm duy vật lịch sử, sự vận động và phát triển của gia đình tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội nhất định.
Trong gia đình tiến bộ yếu tố con người được đặt lên hàng đầu, bởi “Việc tái sản xuất ra con người không thuần túy là cho ra đời một đứa con mà nó còn liên quan tới nhiều vấn đề khác, liên quan đến tổ ấm và hạnh phúc của gia đình”.
Gia đình đông con sẽ tạo sức ép cho xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ và hạnh phúc, vì những gia đình này phải làm việc nhiều nên không có điều kiện chăm sóc con cái, học hành đến nơi đến chốn, ít có điều kiện chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó, những gia đình đông con còn dễ phát sinh nhiều vấn nạn khác như: nghèo đói, thất học,… Thực tế đã cho thấy, nhiều gia đình ở miền núi, nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc chỉ vì sinh con quá đông mà vất vả kiếm từng bữa ăn cho gia đình, bệnh tật không có tiền mua thuốc, cuộc sống gia đình không no ấm, không hạnh phúc. Vì vậy, việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình là rất cần thiết đối với mọi gia đình và với xã hội.
Theo niên giám Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2008 dân số toàn tỉnh là 1.014.488 người (Xem phụ lục 3). Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên tỉnh Vĩnh Phúc trong những năm gần đây khá cao, năm 2008 là 14,92‰, năm 2010 là 14,1‰. Dân số tăng nhanh đã ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của các gia đình, đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, vấn đề giảm sinh gắn với kế hoạch hóa gia đình nhằm xây dựng gia đình ít con đã được các cấp ủy chính
54
quyền tỉnh Vĩnh Phúc rất quan tâm. Thời gian qua, Hội liên hiệp phụ nữ, Ủy ban Dân số gia đình trẻ em, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã có sự phối hợp và tổ chức nhiều chương trình hành động để khuyến khích các gia đình giảm sinh, thực hiện tốt chính sách kế hoạch hóa gia đình. Trong đó, đối tượng được đặc biệt quan tâm là nam nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Qua các chương trình đó, mọi người được trang bị những kiến thức cần thiết cho cuộc sống gia đình trong việc dừng lại ở hai con để nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Vì vậy, các gia đình ở nhiều vùng trong tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện tốt công tác kế hoạch hóa gia đình. Trong một số năm gần đây tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của Vĩnh Phúc đã giảm ở mức độ nhất định.
Theo tháp dân số của tỉnh Vĩnh Phúc có thể thấy, tháp dân số năm 2000 có đáy rộng, đặc trưng cho mô hình dân số ở các nước đang phát triển, biểu thị cơ cấu dân số có tỉ trọng trẻ em lớn, là kết quả của mức sinh đẻ còn cao. Tuy vậy, chỉ sau 10 năm tháp dân số của tỉnh đã có biến đổi rõ rệt theo chiều hướng giảm tỉ trọng trẻ em nhóm 0 - 4 và 5 - 9 tuổi. Kết quả này là do tác động của công tác dân số kế hoạch hóa gia đình trong một thời gian dài. Tháp dân số của tỉnh đã có biến đổi theo chiều hướng đáy thu hẹp lại. Tỉ trọng trẻ em dưới 15 tuổi có xu hướng giảm từ 32,1% năm 2000 xuống còn 28% năm 2010. Bên cạnh đó, tỷ lệ phụ nữ được tham gia lớp tập huấn đạt trung bình 87%, đặc biệt chị em đã động viên nam giới cùng tham gia tích cực các biện pháp tránh thai, nên tỉ lệ nam giới áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình tăng lên. Đây là một thành công lớn khi nam giới đã thấy rõ trách nhiệm của mình và cùng chia sẻ với phụ nữ trong gia đình. Ở Vĩnh Phúc những hoạt động lồng ghép vấn đề sinh ít con, thực hiện kế hoạch hóa gia đình với dự án tín dụng gia đình hoặc kế hoạch hóa gia đình và xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình được triển khai trong toàn tỉnh, thực hiện mục tiêu gia đình ít con, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.