Nhóm giải pháp kỹ thuật, nghiệp vụ.

Một phần của tài liệu Phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư phát triển - Kho bạc Nhà nước Việt Nam trong giai đoạn 2004 - 2008.DOC (Trang 77 - 83)

III. Tổng giá trị khố

3.2.2 Nhóm giải pháp kỹ thuật, nghiệp vụ.

3.2.2.1 Hoàn thiện phương thức phát hành TPCP.

Cải tiến cơ chế đấu thầu: Từng bước chuyển dần việc đấu thầu theo kiểu Hà Lan sang đấu thầu kiểu Mỹ. Hình thức đấu thầu kiểu Hà Lan là xác định giá trúng thầu thấp nhất (tương ứng với lãi suất trúng thầu cao nhất) áp dụng chung cho tất cả các thành viên trúng thầu. Hình thức này thực sự phát huy tác dụng trong giai đoạn thị trường mới phát triển vì khuyến khích về giá với các thành viên thị trường. Tuy nhiên, trên phương diện nhà phát hành thì không có lợi do các thành viên đặt lãi suất thấp nhưng vẫn trúng thầu ở mức lãi suất cao. Về lâu dài, nên áp dụng hình thức đấu thầu kiểu Mỹ (các thành viên đặt thầu ở mức giá nào thì trúng thầu ở mức giá đó) để tăng khả năng

cạnh tranh của các thành viên thị trường, đồng thời giúp nhà phát hành giảm chi phí huy động vốn so với hình thức đấu thầu kiểu Hà Lan.

Cải tiến cơ chế bảo lãnh: Cần xác định lại điều kiện để tham gia thành viên thị trường bảo lãnh. Ngoài tiêu chuẩn về vốn, các tổ chức bảo lãnh phải có khả năng phân phối trái phiếu ra công chúng thể hiện qua mạng lưới chi nhánh, hệ thống khách hàng tiềm năng... Thực hiện nghiêm cơ chế bắt buộc các tổ chức bảo lãnh phải chào bán trái phiếu ra công chúng để đợt phát hành mang tính đại chúng, từ đó tăng khả năng giao dịch, mua bán lại trái phiếu sau khi phát hành.

Đổi mới cơ chế lựa chọn tổ chức bảo lãnh trong các đợt phát hành theo hướng tổ chức phát hành đấu thầu để chọn ra các nhà bảo lãnh. Thông qua đấu thầu sẽ xác định được lãi suất và khối lượng trái phiếu phát hành, các tổ chức bảo lãnh được lựa chọn là các đơn vị trúng thầu. Các tổ chức bảo lãnh có trách nhiệm phân phối trái phiếu ra công chúng và được hưởng phí. Mức phí này có thể tính bằng tỷ lệ nhất định trên số tiền trái phiếu nhận bảo lãnh hoặc bằng chênh lệch giữa giá trúng thầu và giá phát hành.

3.2.2.2. Sớm thành lập các nhà đại lý cấp một trên thị trường sơ cấp

Đại lý cấp một bao gồm các ngân hàng thương mại, các công ty chứng khoán có tiềm lực tài chính, tham gia thị trường đều đặn, có uy tín và đáp ứng được một số yêu cầu quy định của Bộ Tài chính. Các đại lý cấp một được ưu tiên mua trái phiếu, hưởng phí phát hành thoả đáng. Trường hợp cần vốn để kinh doanh, các đại lý này được sử dụng TPCP để vay tái cấp vốn của NHNN. Đồng thời, họ được đưa ra các ý kiến, nguyện vọng của mình và của các nhà đầu tư cho Bộ Tài chính và các tổ chức phát hành nhằm phát triển thị trường TPCP.

Trong những giai đoạn nhất định, các đại lý cấp một có thể được áp dụng chính sách ưu đãi về thuế, phí để khuyến khích thị trường phát triển. Gắn với

quyền lợi trên, các đại lý phân phối cấp một có trách nhiệm tham gia đều đặn các đợt đấu thầu, bảo lãnh trái phiếu và phải mua lại trái phiếu khi các nhà đầu tư có nhu cầu bán nhưng không tìm được người mua. Như vậy các đại lý sẽ phải thường xuyên yết giá mua, giá bán trái phiếu, thực hiện các nghiệp vụ mua vào bán ra các trái phiếu sau khi phát hành. Do vậy, các đại lý cấp một còn đóng vai trò nhà tạo lập thị trường (market maker), làm tăng tính thanh khoản cho TPCP trên thị trường thứ cấp.

Hàng năm, Bộ Tài chính sẽ xem xét lại tư cách của các đại lý cấp một, loại bỏ những thành viên không đủ tiêu chuẩn, uy tín giảm sút. Quy định này sẽ buộc các thành viên đại lý có trách nhiệm cao hơn trong việc tham gia vào thị trường trái phiếu. Mặt khác, việc giới hạn một số đơn vị đại lý cấp một sẽ làm cho các nhà đầu tư khác muốn đầu tư vào TPCP sẽ phải đặt mua qua các đại lý cấp một, hoặc muốn được công nhận làm đại lý cấp một thì phải phấn đấu để đạt các tiêu chuẩn của Bộ Tài chính đưa ra. Điều này làm cho thị trường TPCP sôi động hơn.

3.3.2.3. Cải tiến cơ chế xác định lãi suất TPCP.

Vấn đề xác định lãi suất là yếu tố quan trọng nhất của một đợt phát hành trái phiếu. Lãi suất TPCP cũng như các công cụ lãi suất khác đều có hai mặt và rất nhạy cảm: Nếu lãi suất cao thì có lợi cho nhà đầu tư, khả năng huy động nhanh nhưng lại không hiệu quả đối với việc sử dụng vốn và ngược lại.

Đặc biệt đối với trái phiếu trung và dài hạn, lãi suất là một yếu tố quan trọng, tác động trực tiếp đến khả năng huy động vốn. Một chính sách lãi suất hợp lý, bảo đảm được lợi ích của người đầu tư là một đòn bẩy kinh tế hấp dẫn, xoá bỏ tâm lý e ngại đầu tư vào trái phiếu trung và dài hạn. Tại các nước có thị trường vốn phát triển hoàn chỉnh, lãi suất TPCP được hình thành qua đấu thầu, là lãi suất thị trường, không có sự can thiệp của Nhà nước.

Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, thị trường phát hành TPCP mới hình thành, còn ở trong tình trạng chưa phát triển nên không thể áp dụng cơ chế để lãi suất hình thành tự phát qua đấu thầu. Trước mắt, cần duy trì cơ chế lãi suất trần để định hướng thị trường và tránh những tác động tiêu cực từ các tổ chức đầu tư. Khi thị trường vốn phát triển hoàn chỉnh hơn, cần tháo bỏ cơ chế này, từng bước xác định lãi suất theo hướng tự do hoá để lãi suất trái phiếu phản ánh sát thực tình hình thị trường.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính cần thực hiện thí điểm việc bãi bỏ lãi suất trần với tín phiếu Kho bạc vì hiện nay trên thị trường đấu thầu tín phiếu Kho bạc đã có tính cạnh tranh lớn. Mặt khác, tín phiếu Kho bạc có tính thanh khoản cao, độ rủi ro thấp nên lãi suất tín phiếu Kho bạc có thể coi là lãi suất chuẩn cho thị trường.

Trên cơ sở lãi suất tín phiếu Kho bạc, cộng thêm một phụ trội nhất định để xác định lãi suất TPCP trung hạn và dài hạn (xác định lãi suất trái phiếu bán lẻ và xác định trần lãi suất phát hành theo phương thức đấu thầu, bảo lãnh TPCP).

3.3.2.4. Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại cho thị trường TPCP.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin trong thời đại hiện nay, việc ứng dụng thành tựu của công nghệ tin học vào công tác quản lý TPCP là cần thiết và sẽ mang lại hiệu quả rất lớn. Công nghệ tin học giúp cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác phục vụ công tác quản lý, đồng thời cung cấp dịch vụ thuận tiện cho người đầu tư. Để áp dụng công nghệ tin học nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường TPCP, góp phần đảm bảo an toàn, nâng cao khả năng huy động vốn trong nước cho đầu tư phát triển, cần quan tâm giải quyết các vấn đề sau:

• Xây dựng chương trình quản lý nợ Chính phủ, trong đó có một phần phục vụ công tác quản lý TPCP của KBNN, nhằm cung cấp thông tin quản lý về tình hình thị trường TPCP, đáp ứng các nhu cầu phát hành, thanh toán TPCP, đặc biệt là trái phiếu vãng lai bán lẻ qua hệ thống KBNN.

• Cung cấp các trang thiết bị tin học như máy tính, đường truyền... nhằm xây dựng hệ thống mạng vi tính để phục vụ cho giao dịch mua bán TPCP trên thị trường OTC; cung cấp thông tin kịp thời cho các nhà đầu tư và nhà phát hành về tình hình thị trường trong và ngoài nước, sự biến động của nền kinh tế và các nhân tố khác có ảnh hưởng đến thị trường TPCP.

• Ứng dụng công nghệ tin học tiên tiến vào công tác quản lý hoạt động giao dịch trái phiếu, rút ngắn thời gian của các món giao dịch, tiết kiệm chi phí và hạn chế các sai sót có thể xảy ra. Việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức trung gian tài chính kết nối trực tiếp với Sở GDCK tạo điều kiện cho các ngân hàng trong việc thanh toán chuyển giao trái phiếu và thanh toán chuyển tiền, kết nối với Trung tâm lưu ký và thanh toán bù trừ nhằm thực hiện các quyền đối với chủ sở hữu trái phiếu như thanh toán gốc, lãi, cầm cố và chiết khấu trái phiếu trong các quan hệ tín dụng

KẾT LUẬN.

Trái phiếu là công cụ huy động vốn có hiệu quả của Nhà nước. Trong những năm gần đây, doanh số phát hành trái phiếu cho đầu tư phát triển không ngừng tăng lên, bình quân mỗi năm đạt trên dưới 20.000 tỷ đồng. Việc phát hành trái phiếu công trình có khả năng huy động được khối lượng vốn lớn trong một thời gian ngắn, giúp cho các công trình trọng điểm có thể thi công đúng tiến độ, đảm bảo nâng cao hiệu quả vốn đầu tư. Kết quả này là một đóng góp rất quan trọng để cân đối nguồn vốn đầu tư cho NSNN hàng năm, giải quyết kịp thời các nhu cầu chi cấp bách của nền kinh tế, đặc biệt là bố trí nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

Việc phát hành TPCP có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong điều kiện NSNN Việt Nam còn hạn hẹp như hiện nay. Phát hành TPCP không chỉ giúp NSNN có vốn tài trợ cho ĐTPT mà còn góp phần hình thành thị trường tài chính đồng bộ và phát triển. Tăng nhanh tiềm lực tài chính Quốc gia, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn đầu tư của nền kinh tế trong thời kỳ đổi mới, tạo thế là lực để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, phấn đấu đến năm 2010 nước ta đã cơ bản thoát khỏi tình trạng kém phát triển và đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp hiện đại, đưa tổng GDP gấp 5 lần so với 2000.

Để hoạt động phát hành TPCP trong thời gian tới đáp ứng được yêu cầu chung và bối cảnh của nền kinh tế cần hoàn thiện hơn phương thức phát hành, nghiệp vụ, mục đích phát hành theo hướng coi trọng huy động vốn thông qua phát hành TPCP tài trợ cho đầu tư phát triển.

Việc hoàn thiện công tác phát hành TPCP , cơ chế chính sách huy động vốn cho ĐTPT của Nhà nước là một vấn đề phức tạp nên trong phạm vi của chuyên đề này sẽ không tránh khỏi những thiếu sót và hạn chế. Học viên mong nhận được sự đóng góp ý kiến của thầy giáo, cô giáo để bài chuyên đề được hoàn thiện hơn ./.

Một phần của tài liệu Phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư phát triển - Kho bạc Nhà nước Việt Nam trong giai đoạn 2004 - 2008.DOC (Trang 77 - 83)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(88 trang)
w