1. Khái niệm
Doanh nghiệp là một tổ chức kinh doanh nhằm mục đích sinh lời được pháp luật thừa nhận, được phép kinh doanh trên một số lĩnh vực nhất định, có từ một chủ sở hữu trở lên và chủ sở hữu phải đảm bảo trước pháp luật bằng toàn bộ tài sản của mình, có tên riêng, có trụ sở giao dịch ổn định.
Trong nền kinh tế thị trường các loại hình doanh nghiệp phát triển một cách đa dạng, phong phú. Có nhiều cách tiếp cận về doanh nghiệp. Nếu xét trên một góc độ cung cầu vốn trong nền kinh tế thì doanh nghiệp được chia thành doanh nghiệp tài chính kinh doanh tiền tệ và doanh nghiệp phi tài chính kinh doanh hàng hoá dịch vụ thông thường. Nếu dựa vào quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất thì doanh nghiệp được chia thành doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và công ty cổ phần. Nếu dựa vào hình thức pháp lý tổ chức của doanh nghệp thì doanh nghiệp được phân chia thành doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân.
Dù là cách phân chia nào thì đối với một doanh nghiệp khi tiến hành hoạt động kinh doanh đều phải sử dụng tài chính doanh nghiệp để thực hiện mục tiêu kinh doanh. Trong chương này chỉ đề cập đến doanh nghiệp phi tài chính. Để tiến hành hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp cần phải có những yếu tố cần thiết là tư liệu lao động, đối tượng lao động và sức lao động, đòi hỏi doanh nghiệp phải có một lượng vốn nhất định. Muốn vậy doanh nghiệp phải hình thành và sử dụng các quỹ tiền tệ. Quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng là quá trình hình thành, phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ của doanh nghiệp. Trong quá trình đó, phát sinh và hình thành các luồng tiền tệ gắn liền với các hoạt động đầu tư và hoạt động kinh doanh thường xuyên của doanh nghiệp. Các luồng tiền tệ bao hàm các
117
luồng tiền tệ đi vào và các luồng tiền tệ đi ra khỏi doanh nghiệp, tạo thành sự vận động của các luồng tài chính doanh nghiệp.
Bên trong quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ của doanh nghiệp là các quan hệ kinh tế, các quan hệ này được gọi là các quan hệ tài chính và bao gồm các quan hệ như:
- Quan hệ tài chính giữa doanh nghiệp với các chủ thể khác thể hiện trong việc góp vốn, vay vốn, cho vay vốn…, trong việc thanh toán cho việc mua hoặc bán tài sản, vật tư, hàng hoá, dịch vụ…
- Quan hệ tài chính giữa doanh nghiệp với người lao động trong doanh nghiệp: trả lương, thưởng, phạt vật chất.
- Quan hệ giữa các bộ phận trong doanh nghiệp như thanh toán giữa các bộ phận trong doanh nghiệp, phân phối lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp, hình thành và sử dụng quỹ của doanh nghiệp.
- Quan hệ tài chính nảy sinh trong các hoạt động xã hội của doanh nghiệp như tài trợ cho các tổ chức xã hội, các quỹ từ thiện, thể dục, thể thao, văn hoá…
- Quan hệ tài chính giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp nước ngoài như liên doanh liên kết với doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam, thanh toán xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ…
Từ các dạng quan hệ tài chính trên có thể kết luận tài chính doanh nghiệp xét về nội dung vật chất là quỹ tiền tệ trong doanh nghiệp được tạo lập, sử dụng cho mục đích kinh doanh của doanh nghiệp, xét về thực chất là những quan hệ kinh tế giữa doanh nghiệp với các chủ thể kinh tế xã hội trong và ngoài nước. Từ đó, có thể khái quát tài chính doanh nghiệp là các quan hệ kinh tế phát sinh gắn liền với quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhằm đạt tới mục tiêu của doanh nghiệp.
2. Đặc điểm của tài chính doanh nghiệp
Tài chính doanh nghiệp là một khâu của hệ thống tài chính và là khâu cơ sở, nên có những đặc điểm sau đây:
118
Thứ nhất, gắn liền với quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có các quan hệ tài chính doanh nghiệp đa dạng phát sinh như quan hệ nộp, cấp giữa doanh nghiệp với nhà nước, quan hệ thanh toán với các chủ thể khác trong xã hội, với người lao động trong doanh nghiệp.
Thứ hai, sự vận động của quỹ tiền tệ, vốn kinh doanh có những nét riêng biệt đó là: sự vận động của vốn kinh doanh luôn gắn liền với các yếu tố vật tư là lao động: ngoài phần tạo lập ban đầu chúng còn được bổ sung từ kết quả kinh doanh; sự vận động của vốn kinh doanh vì mục tiêu doanh lợi.
Cũng giống như các khâu tài chính khác, tài chính doanh nghiệp có chức năng khách quan đó là chức năng phân phối và chức năng giám đốc. Nhờ có chức năng phân phối mà doanh nghiệp có khả năng động viên khai thác và thu hút các nguồn tài chính trong nền kinh tế để hình thành vốn kinh doanh của doanh nghiệp. Sau khi đã hình thành vốn kinh doanh, để sử dụng vốn, một lần nữa phải có sự tham gia của chức năng phân phối. Lúc này phân phối vốn lại đồng nghĩa với việc đầu tư vốn: đầu tư bên trong hay đầu tư bên ngoài. Lợi nhuận thu được là yếu tố quan trọng nhất, quyết định phương hướng và cách thức đầu tư của doanh nghiệp. Mục tiêu cuối cùng của mọi quá trình kinh doanh của doanh nghiệp là thu lợi nhuận, vì thế bên cạnh khả năng phân phối để thoả mãn về vốn kinh doanh, tài chính doanh nghiệp còn có khả năng giám sát dự báo hiệu quả của quá trình phân phối. Chức năng giám đốc của tài chính doanh nghiệp có khả năng phát hiện những khuyết tật trong khâu phân phối để từ đó điều chỉnh quá trình phân phối nhằm thực hiện phương hướng mục tiêu chiến lược sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Song chức năng khách quan đó của tài chính doanh nghiệp phát huy đến mức nào thì phụ thuộc vào sự nhận thức một cách tự giác và hoạt động chủ quan của người quản lý. Đó chính là vai trò của tài chính doanh nghiệp.
3. Vai trò của tài chính doanh nghiệp
Trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tài chính doanh nghiệp có những vai trò chủ yếu sau đây: - Huy động đảm bảo đầy đủ và kịp thời vốn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
119
Để thực hiện mọi quá trình kinh doanh của doanh nghiệp trước hết phải có một yếu tố tiền đề đó là vốn kinh doanh. Vai trò của tài chính doanh nghiệp trước hết được thể hiện ở việc xác định đúng đắn nhu cầu vốn cần thiết cho hoạt động của doanh nghiệp trong từng thời kỳ. Tiếp đó phải lựa chọn các phương pháp và hình thức huy động vốn thích hợp, đáp ứng kịp thời các nhu cầu vốn để hoạt động của các doanh nghiệp được thực hiện một cách nhịp nhàng liên tục với chi phí huy động vốn thấp nhất.
- Tổ chức sử dụng vốn tiết kiệm và hiệu quả. Việc tổ chức sử dụng vốn tiết kiệm và hiệu quả được coi là điều kiện tồn tại và phát triển của mọi doanh nghiệp. Tài chính doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong
việc đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư tối ưu; huy động tối đa số vốn hiện có vào hoạt động kinh doanh, phân bổ hợp lý các nguồn vốn, sử dụng các biện pháp để tăng nhanh vòng quay của vốn, nâng cao khả năng sinh lời của vốn kinh doanh.
- Đòn bẩy kích thích và điều tiết kinh doanh. Vai trò này của tài chính doanh nghiệp được thể hiện thông qua việc tạo ra sức mua hợp lý để thu hút vốn đầu tư, lao động, vật tư, dịch vụ, đồng thời xác định giá bán hợp lý khi phát hành cổ phiếu, hàng hoá bán, dịch vụ và thông qua hoạt động phân phối thu nhập của doanh nghiệp, phân phối quỹ tiền thưởng, quỹ tiền lương, thực hiện các hợp đồng kinh tế… - Giám sát kiểm tra chặt chẽ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tình hình tài chính của doanh nghiệp là một tấm gương phản ánh trung thực nhất mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thông qua các chỉ tiêu tài chính thực hiện mà các nhà quản lý doanh nghiệp dễ dàng nhận thấy thực trạng quá trình kinh doanh của doanh nghiệp, để từ đó có thể đánh giá khái quát và kiểm soát được các mặt hoạt động của doanh nghiệp, phát hiện kịp thời những vướng mắc, tồn tại để từ đó đưa ra các quyết định điều chỉnh các hoạt động kinh doanh nhằm đạt tới mục tiêu đã định.
Vai trò của tài chính doanh nghiệp sẽ trở nên tích cực hay thụ động trước hết là phụ thuộc vào sự nhận thức và vận dụng các chức năng của tài chính, sau nữa còn phụ thuộc vào môi trường kinh doanh, cơ chế tổ chức tài chính doanh nghiệp và các nguyên tắc cần quán triệt trong mọi hoạt động tài chính doanh nghiệp.
120