Hiện nay, vấn đề xuất khẩu lao động đang là mối quan tâm của toàn xã hội trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu. Xuất khẩu lao động đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, nó còn kéo theo nhiều vấn đề như nảy sinh như tệ nạn xã hội, sự thay đổi trong mối quan hệ đối với gia đình, làng xóm, cộng đồng… Trong đó sự thay đổi mối quan hệ trong gia đình là được đề cập đến nhiều hơn cả. Nó ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống và tình cảm của các thành viên trong gia đình. Tại thôn Ngọc Lâm, xã Tân Kỳ, huyện Tứ Kỳ tỉnh Hải Dương là thôn
có nhiều hộ gia đình có người đi xuất khẩu lao động, trong đó mối quan hệ, tình cảm gia đình của các họ cũng đã có sự thay đổi do hai vợ chồng ở xa nhau, con cái xa cha mẹ. Minh chứng cho điều này, cô T chia sẻ: “…Cô có chồng đi Đức nhiều năm nay, mọi gánh nặng trong gia đình đè nặng lên cô như chăm sóc con cái, mẹ già và nhiều công việc khác. Vợ chồng xa nhau lâu ngày thì tình cảm xa cách, ở nhà thì hàng xóm cũng có nhiều điều ra tiếng vào đối với cô, bảo cô đi ngoại tình rồi sau đó mọi chuyện đến tai nhà chồng. Rồi chồng cô cũng đã có người khác ở bên đó. Mối quan hệ vợ chồng ngày càng xấu đi, từ đó cô cũng ít tiếp xúc, nói chuyện với mọi
người…”
Bên cạnh đó, việc bố mẹ xa nhà cũng ảnh hưởng nhiều tới việc quản lý, giáo dục con cái. Sở dĩ có sự ảnh hưởng này là do không có người quan tâm sát sao, nhắc nhở, chỉ bảo nên dễ dẫn đến tình trạng hư hỏng, đua đòi theo bạn bè, học hành không đến nơi đến chốn...
Hộp 11: Con cái thiếu sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ
“Nhà tôi chỉ có 3 bà cháu ở nhà. Công việc thì mình tôi lo hết, kể cả đi chợ mua thức ăn đến nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, nhắc nhở các cháu ăn uống, học hành… Nhưng khổ một nỗi là chúng nó lớn rồi khó bảo, đánh mắng thì không được… Đứa lớn thì học hết lớp 12, đứa bé thì lớp 6, hai đứa đều ham chơi, nghịch ngợm, không chịu học hành… thỉnh thoảng lại tụ tập đánh nhau, đua đòi cờ bạc… Hầu hết ở đây gia đình nào có bố mẹ đi vắng là con cái đều không học cao, chỉ học hết cấp 3 là theo bạn bè đi làm công nhân hoặc sang đó làm cùng bố mẹ, có đứa ở nhà chơi bời lêu lổng…”. (Phỏng vấn sâu nữ, 61 tuổi)
Điều kiện xa xôi cách trở, ít có thời gian về thăm nhà và quan tâm chăm sóc lẫn nhau có ảnh hưởng rất tiêu cực đến tâm lý, tình cảm của các thành viên trong gia đình, dẫn tới mối quan hệ gia đình có nhiều biến đổi. Thách thức lớn nhất với họ là thiếu thốn tình cảm, dẫn đến những biến đổi về nhận thức, hành vi ứng xử trong quan hệ vợ chồng, ảnh hưởng đến tinh thần, tâm lý và học tập của con cái… Điều này là một trong những minh chứng chỉ ra sự tác động của xuất khẩu lao động đến sự bền vững của gia đình, là tác nhân gây rạn nứt trong quan hệ hôn nhân… Minh chứng cho thấy theo số liệu thống kê của ủy ban nhân dân xã Tân Kỳ thì trong những năm trở lại đây khi tình hình đi xuất khẩu lao động ngày càng tăng thì tỷ lệ các cặp vợ chồng nộp đơn ly hôn cũng đồng thời tăng lên từ 10-15% so với các năm trước đây (tính vào thời điểm năm 2004). Nguyên nhân chủ yếu là việc đi xuất khẩu lao động dẫn tới sự xa cách về mặt địa lý cũng như tình cảm khiến cả hai cảm thấy không hài lòng và có xu hướng muốn ly thân.
Như vậy, xuất khẩu lao động có ảnh hưởng tích cực và tiêu cực tới gia đình và xã hội nên cần thiết phải có nghiên cứu sâu hơn để chỉ ra rõ những tác động này, từ đó đề ra những giải pháp nhằm ổn định đời sống người dân.
Tóm tắt kết quả:
Mặc dù số lượng người đi xuất khẩu lao động của Việt Nam tăng lên đáng kể trong những năm gần đây và hiện đang thu hút khá nhiều quan tâm từ các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà nghiên cứu, nhưng các nghiên cứu này vẫn còn thiếu thông tin, số liệu định tính và định
lượng về tình hình xuất khẩu lao động và các tác động của nó tới phát triển xã hội và mức sống các hộ gia đình. Hầu hết các nhà nghiên cứu tập trung chủ yếu vào di dân trong nước và các hệ quả của nó. Có rất ít chính sách được vạch ra trên cơ sở nắm rõ tác động sâu sắc của di dân quốc tế. Do đó, nghiên cứu này bước đầu tìm hiểu một số ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của xuất khẩu lao động tới đời sống các hộ gia đình khu vực nông thôn (nghiên cứu trường hợp tại thôn Ngọc Lâm, xã Tân Kỳ, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương)
Báo cáo trên đây góp phần xác định tầm quan trọng của xuất khẩu lao động tới sự thay đổi mức sống các hộ gia đình ở khu vực nông thôn nói chung và xã Tân Kỳ, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương nói riêng. Đồng thời nghiên cứu nhằm cung cấp các bằng chứng về các tác động khác nhau của xuất khẩu lao động tới sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam. Từ số liệu điều tra hộ gia đình và các cuộc phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm các hộ gia đình có người đi xuất khẩu lao động cho thấy các tác động tới bản thân người đi xuất khẩu lao động và tới gia đình họ nhìn chung là tích cực. Xuất khẩu lao động đã cải thiện đáng kể thu nhập, chi tiêu, giảm đói nghèo, cải thiện điều kiện nhà ở. Hơn thế nữa tiền gửi về của những người đi xuất khẩu lao động cũng có ảnh hưởng đến tiết kiệm, đầu tư, kinh doanh, nguồn lao động của địa phương và gia đình. Tuy nhiên sự ảnh hưởng này còn tùy thuộc vào nhiều điều kiện và hoàn cảnh khác nhau. Có hộ gia đình nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trong mức sống nhưng điều này không chắc chắn đúng với những hộ gia đình khác. Mức độ ảnh hưởng là không giống nhau trong một số khía cạnh: thu nhập, sản suất, sức khỏe, du lịch giải trí… Bên cạnh những ảnh hưởng mang tính tích cực, vẫn còn đó những ảnh hưởng mang tính tiêu cực. Mặt trái của xuất khẩu lao động phần nào làm cho chức năng gia đình, mối quan hệ giữa các thành viên có sự thay đổi khi bản thân gia đình tập trung vào việc cải thiện kinh tế. Tuy nhiên, những tác động đó khá phức tạp và cần có các nghiên cứu sâu hơn về mức sống của các hộ gia đình có người thân đi xuất khẩu lao động để tối đa hóa những ảnh hưởng tích cực và tối hiểu hóa các tác động tiêu cực. Có như vậy thì các chính sách đối với người lao động và hộ gia đình có người đi xuất khẩu mới đem lại hiệu quả lâu dài, ổn định.
IV. KẾT LUẬN
Báo cáo này tập trung phân tích tác động của xuất khẩu lao động mức sống hộ gia đình, tìm hiểu cụ thể ảnh hưởng của tiền gửi về tới thu nhập hộ gia đình, đồng thời sử dụng tiền gửi về cho đầu tư sản xuất, tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe… Bên cạnh đó đề tài chỉ ra một số yếu tố xã hội nảy sinh khi người dân đi xuất khẩu lao động để lấy đó làm căn cứ chỉ ra một số giải pháp khắc phục hạn chế của tình trạng trên.
Qua quá trình tìm hiểu, khảo sát ảnh hưởng của xuất khẩu lao động tới mức sống hộ gia đình tại thôn Ngọc Lâm, xã Tân Kỳ, Tứ Kỳ, Hải Dương cho thấy người dân đi xuất khẩu lao động nằm trong độ tuổi từ 18- 46 tuổi, đa phần là nam giới. Số liệu điều tra thực tế cho thấy hầu hết những người đi xuất khẩu lao động có trình độ học vấn trung bình 9/12. Các quốc gia có nhiều người tới là Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Nga nhưng chủ yếu vẫn là các nước
trong khu vực Châu Á. Việc đi làm ăn xa đã góp phần giải quyết vấn đề thiếu việc làm ở nông thôn. Bên cạnh đó, xuất khẩu lao động cũng có đóng góp không nhỏ vào nâng cao mức sống của các hộ gia đình. Người đi xuất khẩu lao động có xu hướng gửi tiền về cho gia đình và số lượng tiền tùy thuộc vào đặc trưng (tuổi, tình trạng kết hôn, giới tính, nơi đến, tay nghề làm việc…) Tiền gửi về góp phần tạo ra sự thay đổi lớn trong cơ cấu thu nhập của hộ gia đình, dẫn đến sự khác biệt lớn về thu nhập của hộ gia đình có người đi xuất khẩu lao động và hộ gia đình không có người đi. Hơn thế nữa lượng tiền gửi về thường xuyên và ổn định có đóng góp tích cực tới thu nhập nói riêng và mức sống nói chung của các hộ gia đình. Qua khảo sát về ảnh hưởng của xuất khẩu lao động đến mức sống của các hộ gia đình, chúng tôi nhận thấy mức sống của các hộ gia đình đều có sự thay đổi theo chiều hướng tích cưc, hầu hết những hộ gia đình có người đi xuất khẩu lao động đều có thu nhập tương đối cao và theo chiều hướng tăng lên. Khoản tiền gửi về các hộ chi tiêu tâp trung vào tái sản xuất (trả nợ, sinh hoạt hàng ngày, giáo dục, sửa chữa nhà cửa, mua tiện nghi trong nhà, và một số khoản khác như hiếu hỷ…) và sản xuất (đầu tư vào chăn nuôi lợn, cá hoặc mở cửa hang buôn bán vật liệu xây dựng, giống, phân bón…). Ngoài ra, kết quả nghiên cứu định tính, phân tích số liệu thứ cấp cho thấy hộ gia đình có người đang đi xuất khẩu lao động hoặc đã quay trở về có xu hướng ly dị, ly thân nhiều hơn hộ gia đình không có người đi. Do vậy, nhà nước cần phải có sự quan tâm hơn nữa trong lĩnh vực này để không những góp phần nâng cao mức sống cho người dân mà đảm bảo gìn giữ được giá trị, chức năng, vai trò của gia đình đối với từng thành viên, từ đó xây dựng một quốc gia giàu mạnh - ổn định.
KIẾN NGHỊ
Xuất khẩu lao động đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, cải thiện đời sống không chỉ riêng mỗi hộ gia đình mà còn chung cho toàn xã hội, vậy nhưng từ thực tế cho thấy, người đi xuất khẩu lao động họ vẫn còn gặp nhiều vướng mắc và khó khăn trong quá trình đi xuất khẩu lao động, gặp khó khăn với kênh chuyển tiền về gia đình như việc lệ phí gửi tiền quá cao, không đảm bảo tin cậy…Vì vậy cần có các chính sách phù hợp và thống nhất nhằm nâng cao hiệu quả của xuất khẩu lao động, cần mở thêm các lớp đào tạo tiếng bản địa cho người lao động, giúp họ giao tiếp dễ dàng, thuận lợi hơn trong sinh hoạt và lao động. Hơn nữa cũng cần phải hỗ trợ người lao động đi xuất khẩu lao động và lao động theo hợp đồng tại nơi đến, các cơ quan địa phương và các tổ chức cộng đồng cần phải hợp tác với nhau trong việc nâng cao nhận thức về các cơ hội và rủi ro của di dân quốc tế thông qua đào tạo và truyền thông. Không chỉ vậy, về phía hộ gia đình, lãnh đạo địa phương cần lập ra những kế hoạch cụ thể khuyến khích hộ gia đình sử dụng tiền gửi về một cách hợp lý như đầu tư vào tái sản xuất, mở rộng kinh doanh sản xuất phù hợp với điều kiện cụ thể. Thành lập, củng cố quỹ tín dụng để hộ gia đình gửi tiền tiết kiệm, đơn giản hóa thủ tục, kéo dài thời gian vay và hạ lãi suất giúp người dân mở rộng đầu tư sản xuất tăng thu nhập. Ngoài ra, cơ quan giới thiệu người lao động cần thỏa thuận đề nghị với tổ chức quản lý người lao động bên nước ngoài tạo điều kiện cho người lao động được nghỉ phép, hỗ trợ kinh phí về thăm gia đình hàng năm giúp cho người lao động yên tâm làm việc, sinh sống.