c. Các phân loại khác (theo quy mô, thời gian, hình thức biểu hiện và sự vận động của dự trữ)
5.1.1.1. Tăng trưởng và phát triển
Tăng trưởng và phát triển đôi khi được xem là đồng nghĩa, nhưng thực ra về bản chất chúng có những nội hàm khác nhau và có mối quan hệ với nhau. Theo cách hiểu phổ biến hiện nay thì, tăng trưởng là sự gia tăng thu nhập quốc dân và sản phẩm quốc dân hoặc thu nhập quốc dân và sản phẩm thu nhập quốc dân tính theo đầu người. Nếu như sản phẩm hàng hoá và dịch vụ hàng năm trong một quốc gia tăng lên, nó được coi là tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng cũng được áp dụng để đánh giá cụ thể đối với từng ngành sản xuất, từng vùng của một quốc gia. Trong khi đó, phát triển bao hàm ý nghĩa rộng hơn, phát triển bên cạnh sự tăng thu nhập bình quân đầu người còn bao gồm nhiều khía cạnh khác gắn với việc nâng cao phúc lợi của nhân dân, nâng cao các tiêu chuẩn sống, cải thiện giáo dục, sức khoẻ, đảm bảo bình đẳng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.
Vì vậy, về bản chất tăng trưởng là một phương tiện cơ bản để có thể có được sự phát triển, nhưng bản thân nó chỉ là một đại diện, chưa phản ánh đầy đủ sự tiến bộ xã hội. Tăng trưởng và phát triển là hai mặt của sự phát triển xã hội có quan hệ chặt chẽ với nhau. Tăng trưởng diễn tả động thái của nền kinh tế, còn phát triển phản ánh sự thay đổi về chất của nền kinh tế và xã hội, để phân biệt các trình độ khác nhau trong sự tiến bộ xã hội. Theo đó, phát triển còn được quan niệm là sự phát triển bền vững về các tiêu chuẩn sống, bao gồm tiêu dùng vật chất, giáo dục, sức khoẻ và bảo về môi trường.