Là một trong những tác phẩm thuộc thời kì văn học trung đại, lại liên quan đến nhiều sự kiện lịch sử thời đại, và là tác phẩm mới được đưa vào chương trình cải cách sách giáo khoa mấy năm gần đây, " Chiếu Cầu hiền" của Ngô Thì Nhậm là một trong nhiều tác phẩm hay đòi hỏi người đọc - hiểu cần phải có lượng kiến thức về lịch sử, xã hội sâu rộng mới có thể thẩm thấu giá trị của văn bản.
Chúng tôi mạnh dạn đề xuất dạy học văn bản này tích hợp với kiến thức lịch sử: Phong trào Tây Sơn và sự nghiệp thống nhất đất nước bảo vệ Tổ quốc cuối thế kỉ XVIII (bài 23 Lịch sử lớp 10). Việc hiểu kiến thức lịch sử là rất quan trọng, nó là một cánh cửa khám phá nội dung văn bản. Cụ thể:
Trướctiết học GV tổ chức cho học sinh thảo luận nhóm ngoài giờ học (4 nhóm) với đề tài “Vai trò của vua Quang Trung trong cuộc khởi nghĩa Tây Sơn và triều đại
Tây Sơn”, thời gian chuẩn bị cho đề tài là 1 tuần. Đến tiết học văn bản “Chiếu cầu hiền”, 2 nhóm sẽ cử đại diện lên thuyết trình ngắn gọn về đề tài, các nhóm còn lại sẽ nhận xét, bổ sung.
Mục đích của việc thuyết trình là tăng tính tích cực, chủ động của học sinh; giúp học sinh hiểu được tư tưởng, tài năng và tấm lòng của một vị vua sáng. Trong quá trình tìm tư liệu thì học sinh sẽ nắm được hoàn cảnh ra đời của “Chiếu cầu hiền” để hiểu được vì sao vua Quang Trung lại quan tâm tới vấn đề cầu hiền, tầm quan trọng và ý nghĩa của việc cầu hiền tại thời điểm bàn luận. Học sinh có thể lí giải hiện tượng đặc biệt của lịch sử là Ngô Thì Nhậm và dòng họ Ngô gia văn phái. Ngoài ra nắm chắc kiến thức lịch sử, học sinh có điều kiện hiểu sâu sắc hơn nội dung liên quan trong văn bản đó là tâm lý sĩ phu Bắc Hà (cho rằng Nguyễn Huệ lại xuất thân từ tầng lớp bình dân, coi thường Nguyễn Huệ ít hiểu biết về lễ nghi cũng như chữ thánh hiền); tác giả đặt câu hỏi thế nước đôi: Hay trẫm ít đức không đáng để phò tá chăng? Hay đang thời đổ nát chưa thể ra phụng sự vương hầu chăng học sinh sẽ hiểu ngay tình hình lịch sử thực tế lúc đó không phải như thế.
Sau khi học sinh thuyết trình, giáo viên chốt lại vấn đề thật ngắn gọn. Để tạo hứng thú đồng thời củng cố, chốt lại kiến thức lịch sử giáo viên cho học sinh xem đoạn video về Quang Trung – Nguyễn Huệ.