Đây là nhân tố tạo điều kiện cho Việt Nam giành được nhiều thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trên phương diện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Để chiến thắng được chủ nghĩa tư bản khi chưa có tiềm lực lớn hơn chủ nghĩa tư bản thì cần phải tạo ra tiềm lực kinh tế – xã hội bằng những biện pháp khôn ngoan và hiệu quả nhất. Một trong những biện pháp đó là mở rộng quan hệ quốc tế, đặc biệt là với những nước tư bản phát triển, nhằm tiếp thu những thành tựu kinh tế, khoa học, công nghệ, phương thức tổ chức, quản lý xã hội… nhanh chóng đạt được mục tiêu
“đi tắt đón đầu” rút ngắn quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Tạo nên sự đan cài về lợi ích, sự cạnh tranh và những động lực mới để phát triển toàn diện đất nước.
Đấu tranh giai cấp là một vấn đề phức tạp nhất của lịch sử các xã hội có giai cấp. Từ khi lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác – Lênin được Chủ tịch Hồ Chí Minh truyền bá vào Việt Nam, được nhận thức và vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt qua các giai đoạn lịch sử cách mạng khác nhau, phù hợp với điều kiện lịch sử đặc thù của dân tộc, giải quyết đúng đắn các mối quan hệ giai cấp, quan hệ giai cấp – dân tộc và quốc tế. Tất nhiên, trong suốt chặng đường dài ấy, do những nguyên nhân khác nhau, không thể không có những vấp váp, sai lầm tả khuynh. Song, sau mỗi sai lầm, Đảng Cộng Sản Việt Nam lại đã nhận thức được và tìm cách khắc phục vượt qua để phát triển đi lên.
Những thành tựu to lớn đã đạt được trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước đã chứng tỏ lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp ngày càng được nhận thức và vận dụng đúng đắn hơn. Tuy nhiên, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam còn nhiều chông gai và thử thách, với những diễn biến phức tạp. Không một bài học nào của ngày hôm qua có thể đủ cho hôm nay và mai sau, vì vậy, chỉ có nghiên cứu sâu sắc lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp trên cơ sở tổng kết lý luận, thực tiễn cách mạng trong nước và thế giới chúng ta mới có thể phát triển một cách sáng tạo và vận dụng ngày càng thành công lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác – Lênin vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
KẾT LUẬN
Có thể thấy quan điểm về giai cấp và đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác – Lênin đã đưa ra cách đây hơn một thế kỷ nhưng nó vẫn có giá trị với vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Vẫn là cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa tư tưởng vô sản với tư tưởng tư sản, giữa chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản với các thế lực thù địch, phản động; là cuộc đấu tranh, bảo vệ nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh bảo vệ thành quả cách mạng; đồng thời thực hiện mục tiêu và con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay, đấu tranh giai cấp không những không mất đi mà còn diễn ra rất phức tạp, đòi hỏi mỗi chúng ta cần nhận thức sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có khả năng tư duy lí luận tốt, có khả năng phân tích, đánh giá tình hình nắm bắt quy luật vận động, củng cố lập trường giai cấp công nhân, có niềm tin khoa học, kiên quyết và sáng suốt đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch như Đảng ta đã khẳng định: Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hóa lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đấu tranh giai cấp là quy luật chung thúc đẩy sự vận động và phát triển của xã hội có giai cấp. Việc hiểu và vận dụng đúng quy luật trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước sẽ là điều kiện để đảm bảo sự thành công của chúng ta trên con đường xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa phồn vinh, hạnh phúc.