CHƯƠNG 3: SỰ THÍCH NGHI CỦA STARBUCKS VỚI NHỮNG KHÁC BIỆT VĂN HÓA TẠI VIỆT NAM
3.2. Bài học rút ra cho các doanh nghiệp khác
Qua câu chuyện của Starbucks, chúng ta có thể nhận thấy rằng văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành bại trong hoạt động kinh doanh quốc tế. Để có thể thành công khi thâm nhập vào thị trường nước ngoài, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị thật kỹ cũng như ứng biến linh hoạt để phù hợp với văn hóa, với thị hiếu người tiêu dùng ở quốc gia đó.
Đầu tiên, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu thật kỹ các yếu tố văn hóa của đất nước mà họ muốn thâm nhập thị trường để có thể kịp thời thích nghi cũng như chuẩn bị sẵn sàng những kế hoạch, sản phẩm phù hợp, từ đó chiếm được cảm tình trong lòng nhiều khách hàng. Bất kì một doanh nghiệp nào khi đưa một sản phẩm đến thị trường nước ngoài thì yếu tố đầu tiên phải xem xét là sản phẩm đó có phù hợp với nhu cầu, sở thích, thị hiếu, tập quán hay nói một cách khác hơn chính là văn hóa. Nếu không phù hợp, người tiêu dùng sẽ không có nhu cầu hoặc đôi khi sản phẩm đó sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay.
Thứ hai, doanh nghiệp cần phải thay đổi sản phẩm, thiết kế, mô hình của mình để phù hợp với những yêu cầu, thị hiếu hay các quy định, tiêu chuẩn của thị trường nước ngoài. Muốn sản phẩm của mình được khách hàng đón nhận thì cần phải nghiên cứu sản phẩm đó một cách kĩ càng và điều chỉnh cho phù hợp trước khi tung ra ở thị trường đó. Bên cạnh phát triển sản phẩm, việc am hiểu văn hóa còn giúp cho doanh nghiệp có được những sự cải thiện trong phong cách thiết kế tại cửa hàng, trang trí nội thất, trang thiết bị và các vật dụng khác để giúp khách hàng thỏa mãn hơn.
Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và các doanh nghiệp ở trên thế giới nói chung, nếu muốn tấn công vào thị trường quốc tế thì cần phải nhận thức được rõ tầm quan trọng của văn hóa và sự khác biệt văn hóa giữa các quốc gia để có thể đưa ra những chiến lược đúng đắn, phù hợp, đem đến những trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng và sự thành công cho công ty mình.
KẾT LUẬN
Trong điều kiện toàn cầu hóa đang trở thành một xu thế tất yếu của thế giới, hoạt động kinh doanh quốc tế ngày càng được mở rộng và phát triển. Để có thể tận dụng tốt xu thế này, các doanh nghiệp phải tăng dần khả năng hội nhập, thích ứng của mình với điều kiện mới của môi trường kinh doanh trong và ngoài nước. Kinh doanh quốc tế vừa là cơ hội nhưng đồng thời cũng là thách thức, nếu doanh nghiệp không tận dụng tốt sẽ khiến cho việc thâm nhập sang thị trường nước ngoài trở nên khó khăn và có thể thất bại.
Qua bài nghiên cứu này, chúng ta có cơ hội hiểu rõ hơn về quá trình hình thành và phát triển của Starbucks tại Việt Nam, đặc biệt là tầm quan trọng của yếu tố môi trường văn hóa trong kinh doanh quốc tế thông qua những chiến lược, kế hoạch và sự thay đổi của Starbuck. Để làm rõ hơn về ảnh hưởng của văn hóa đến việc thâm nhập vào thị trường mới, nhóm chúng em đã lựa chọn và phân tích một số khía cạnh tiêu biểu của văn hóa Việt Nam có ảnh hưởng rõ rệt đến việc kinh doanh của Starbucks, so sánh với văn hóa nơi Starbucks ra đời để thấy rõ sự khác biệt và đưa ra những giải pháp Starbucks đã áp dụng để thích nghi cùng một số bài học, kiến nghị cho các doanh nghiệp khi tham gia vào kinh doanh quốc tế.
Trong quá trình tìm kiếm thông tin và thu thập dữ liệu cũng như phân tích, nghiên cứu chúng em khó tránh khỏi sai sót. Vì vậy, nhóm rất mong nhận được sự góp ý của cô để tiểu luận được hoàn thiện hơn.