II. Một số điểm chú ý về Văn hóa giao tiếp của một số quốc gia
3. Đối với Văn hóa giao tiếp của người Pháp.
Pháp là nước có hơn 80 năm đô hộ nước ta, họ mang theo Văn hóa của mình sang “Khai phá Văn minh” đối với Việt Nam, những ảnh hưởng của Văn hóa Pháp tại Việt Nam là khá lớn. Ví dụ như những công trình kiến trúc: Nhà Hát lớn Hà Nội, cầu Long Biên…Ở đây, ta đi nghiên cứu những điểm cần chú ý khi giao tiếp với Văn hóa Pháp và người Pháp:
Tự đẩy cửa bước vào nhà bị coi là không lịch sự. Chỉ bước vào nhà khi được chủ nhà ra mở cửa hoặc được yêu cầu tự mở cửa. Trong chào hỏi, làm quen và giao tiếp, việc tự công nhận đã mắc sai phạm được đánh giá cao, coi đó là phẩm hạnh tốt. Điều rất quan trọng là giữ thể hiện cho người khác, tránh xung khắc công khai.
Khi được mời, tuyệt đối không được phép từ chối. Nếu thật sự không có thời gian thì có thể thỏa thuận ăn nhẹ với nhau. Ở Pháp, bữa ăn vẫn là nơi và dịp đàm phán, thương thảo hợp đồng thuận tiện và được ưa chuộng. Khi làm quen, nên trao đổi với người Pháp về các chủ đề văn hóa – xã hội, tránh các chủ đề chính trị nhạy cảm. Người Pháp rất thích nói và nói nhiều nên bạn sẽ tạo được ấn tượng tốt nếu tỏ ra chăm chú lắng nghe. Tuyệt đối không được sử dụng ngôn từ hay tỏ điều gì để người Pháp có thể hiểu nhầm là lên mặt dạy họ.
Đàm phán với người Pháp là chuyện rất khó khăn và khó lường trước được nên thường có chuẩn bị kỹ cũng ít tác dụng vì mọi khả năng đều có thể xảy ra. Nhiều khi kết quả chỉ đạt được vào phút cuối hay trong lúc chuyện riêng khi nghỉ giải lao.
Cách ăn tiệc: Ngay cả trong những bữa tiệc chính thức cũng không nhất thiết phải thắt cravat. Nhưng nam giới nhất thiết phải vận comple đồng bộ hoặc đờ mi. Cử chỉ lịch thiệp rất được để ý đến ở nước Pháp, đặc biệt đối với phụ nữ. Nam giới mở cửa mời phụ nữ bước vào và giúp phụ nữ khoác áo choàng. Khi ăn tiệc trong nhà hàng, phụ nữ được phục vụ trước, sau đó mới đến nam giới và chỉ sau khi tất cả đều đã được phục vụ đồ ăn hay đồ uống thì mới bắt đầu ăn hay uống.
Khi vào nhà hàng không được phăm phăm đi về phía chiếc bàn nào đó, mà nên chờ bồi bàn đến hỏi và hướng dẫn. Có thể không chấp nhận chiếc bàn do bồi bàn giới thiệu mà đề nghị chỗ ngồi khác. Không dứt khoát phải có đồ ăn tráng miệng, nhưng có thì càng tốt. Đồ uống
sau đó thường là cà phê hoặc chè. Khi đó mới được bắt đầu trao đổi về công việc, trước đó tuyệt đối không nên.
Nâng cốc chạm mạnh và nói to lời chúc thường bị coi là thiếu tinh tế. Chỉ nên nâng cốc, chìa ra làm hiệu chạm cốc với nhau thôi. Trong bữa ăn làm việc thường dùng rượu vang, nhưng với mức độ vừa phải, nhiều khi chỉ một cốc. Sau món chính, cốc rượu vang thường được dọn đi.
Trả tiền: Khi mời nhau đi ăn ở Pháp thì một người trả tiền chứ không có chuyện người nào tự trả cho người nấy. Có để lại tiền típ – nhưng không vượt quá 10%. Ai mời thì trả tiền.
Quà tặng: Khi được mời riêng, nên mang theo hoa hoặc bánh kẹo ngon đến làm quà tặng cho bà chủ nhà. Bó hoa thường được bó và trang trí rất đẹp và nghệ thuật nên khi tặng cứ để nguyên.
Quần áo: Trong giấy mời thường ghi rất rõ yêu cầu về ăn vận quần áo cho phù hợp. Nếu ở đó ghi “Tenue de soirée” thì có nghĩa là yêu cầu ăn mặc lịch sự: comple thẫm màu, thắt cravat đối với nam giới và váy sang trọng đối với phụ nữ. Nếu ở đó ghi “Tenue de ville” thì có thể ăn vận đơn giản hơn, không nhất thiết phải có cravat.
Tính chính xác: Thời gian là khái niệm giãn nở ở Pháp. Ít khi các hoạt động bắt đầu đúng giờ.