Giao lưu và tiếp biến trong Văn hóa Việt Nam.

Một phần của tài liệu Tiểu luận Đàm phán Giao tiếp: Văn hóa giao tiếp của các quốc gia và sự giao thoa văn hóa của Việt Nam (Trang 35 - 43)

III. Sự giao thoa Văn hóa của Việt Nam 1 Khái niệm

2. Giao lưu và tiếp biến trong Văn hóa Việt Nam.

Trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, Văn hóa Việt Nam đã có những cuộc tiếp xúc và giao lưu với các nền văn hóa phương Đông và phương Tây bằng những con đường và hình thức khác nhau. Cùng với sự hình thành các yếu tố văn hóa bản địa, giao lưu và tiếp biến với văn hóa Đông – Tây đã trở thành động lực to lớn cho sự biến đổi, phát triển và làm nên những sắc thái riêng của nền văn hóa Việt Nam.

a, Giao lưu và tiếp biến với Văn hóa Đông Nam Á

Nằm trong khu vực Đông Nam Á, văn hóa Việt Nam ngay từ thời kỳ tiền sử đã mang những sắc thái của văn hóa Đông Nam Á. Tuy nhiên trong quá trình phát triển của lịch sử, giao lưu với văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ, những ảnh hưởng mạnh mẽ của chúng đã khiến cho văn hóa cổ Đông Nam Á bị giải thể về mặt cấu trúc. Những yếu tố, những mảnh vụn của chúng trở thành cơ tầng sâu văn hóa Đông Nam Á trong các nền văn hóa của mỗi quốc gia trong khu vực và được bảo lưu như các yếu tố, các giá trị chung tạo nên những nét tương đồng văn hóa.

Vào thời kỳ sơ sử, người Việt Nam đã tạo dựng cho mình một nền văn hóa bản địa rực rỡ: Văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Đồng Nai. Trước khi tiếp xúc và giao lưu với văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ, Việt

Nam đã hình thành một nền văn hóa bản địa vừa có những nét tương đồng với Đông Nam Á vừa có cá tính, bản sắc riêng. Thể hiện ở một số điểm như:

- Địa bàn cư trú của người Việt đã tương đối ổn định, theo mô hình làng.

- Phương thức sản xuất chính là nông nghiệp, trồng trọt, có kết hợp với chăn nuôi và đánh bắt thủy hải sản. Trong sản xuất nông nghiệp, nổi bật là nên văn minh lúa nước, dùng sức kéo là trâu bò.

- Trình độ luyện kim đồng, sắt, chế tác các dụng cụ lao động, vật dụng, các đồ trang sức bằng đồng, sắt đạt đến một trình độ điêu luyện và có cá tính văn hóa Việt.

- Đã có tiếng nói tương đối ổn định, đó là hệ ngôn ngữ Việt – Mường. - Đã có một hệ thống huyền thoại trở thành “mẫu gốc”, thành tâm thức cộng đồng trong đời sống tinh thần người Việt. Hệ thống huyền thoại này phản ánh năm lĩnh vực trụ cột của đời sống cộng đồng dân tộc quan tâm như: nguồn gốc giống nòi, làm ăn dựng xây đất nước, đánh giặc giữ nước, đời sống tâm linh và tình yêu lứa đôi của con người. Đó quả thực là một tài sản tinh thần có ý nghĩa tập hợp sức mạnh đoàn kết, ý thức tự cường văn hóa của dân tộc Việt Nam trong suốt hành trình lịch sử.

b, Giao lưu và tiếp biến với Văn hóa Trung Hoa.

Giao lưu và tiếp biến giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Trung Hoa là sự giao lưu, tiếp biến liên tục qua nhiều thời kỳ của lịch sử. Trung Hoa là một trong những trung tâm văn hóa lớn ở phương Đông, có nền văn hóa lâu đời và phát triển rực rỡ. Vị trí địa lý và những diễn biến của lịch sử đã tạo các điều kiện gặp gỡ và tiếp xúc thường xuyên giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Trung Hoa.

Quá trình giao lưu tiếp biến giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Trung Hoa diễn ra với hai tính chất: giao lưu cưỡng bức và giao lưu tự nguyện:

- Giao lưu cưỡng bức diễn ra ở hai giai đoạn lịch sử điển hình: từ thế kỷ I đến thế kỷ X và từ 1407 đến 1427 (thời kỳ nhà Minh xâm lược nước ta).

Suốt thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyện, các đế chế phương Bắc ra sức thực hiện các chính sách đồng hóa về phương diện văn hóa nhằm biến nước ta trở thành một quận, huyện của Trung Hoa. Các cuộc chiến tranh liên tục xảy ra, bất cứ triều đình nào lên nắm quyền ở Trung Hoa cũng coi việc xâm lược Việt Nam là một nhiệm vụ tất yếu vì nơi đây có nguồn tài nguyên hết sức giàu có, đất đai rộng rãi, phì nhiêu, nhân dân chịu khó làm ăn…

- Giao lưu tiếp biến văn hóa một cách tự nguyện là dạng thức thứ hai của quan hệ giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Trung Hoa. Thông qua thông thương buôn bán mà có sự giao lưu một cách tự nhiên, người ta trao đổi với nhau những sản vật sẵn có của mình và việc sử dụng những sản phẩm đó ít nhiều đã thay đổi lối sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Một số triều đại của Việt Nam đã mô phỏng theo mô hình nhà nước phong kiến Trung Hoa như: nhà Lý, nhà Trần về tổ chức chính trị xã hội lấy cơ chế Nho giáo làm gốc, tuy vẫn chịu ảnh hưởng rất đậm của Phật giáo, đến nhà Lê thì đã hoàn toàn tự nguyện và chịu ảnh hưởng của Nho giáo sâu sắc.

Tóm lại, cả hai dạng thức của giao lưu, tiếp biến văn hóa cưỡng bức

và tự nguyện giữa văn hóa Việt Nam với văn hóa Trung Hoa trong lịch sử đều là nhân tố cho sự vận động của văn hóa Việt Nam trong lịch sử. Người Việt luôn có ý thức vượt lên thâu hóa những giá trị văn hóa Trung Hoa để làm giàu cho văn hóa dân tộc và đạt được những thành tựu đáng kể trong giao lưu tiếp biến với văn hóa Trung Hoa. Ví dụ:

- Về văn hóa vật thể: người Việt đã tiếp nhận một số kỹ thuật trong sản xuất như: kỹ thuật rèn đúc sắt gang để làm ra công cụ sản xuất và sinh hoạt, kỹ thuật dùng phân để tăng độ màu mỡ cho đất, dân gian gọi là “phân Bắc”, kỹ thuật xây cất nơi ở bằng gạch ngói. Người Việt cũng học được kinh nghiệm dùng đá đắp đê ngăn sóng biển, biết cải tiến kỹ thuật làm đồ gốm (gốm tráng men)…

- Về văn hóa phi vật thể: Việt Nam tiếp nhận ngôn ngữ của người Trung Hoa (cả từ vựng và chữ viết), tiếp thu hệ tư tưởng Trung Hoa cổ đại

(Nho gia, Đạo gia) trên tinh thần hỗn dung, hòa hợp với tín ngưỡng bản địa và và các hệ tư tưởng khác mô phỏng hệ thống giáo dục theo tinh thần Nho giáo, tiếp nhận một số phong tục lễ Tết, lễ hội…

c, Giao lưu tiếp biến với văn hóa Ấn Độ

Ấn Độ là một trung tâm văn hóa văn minh lớn ở khu vực phương Đông và thế giới, văn minh Ấn Độ lan tỏa khắp khu vực Đông Nam Á và trên nhiều bình diện có ảnh hưởng sâu đậm đến văn hóa Việt Nam bằng nhiều hình thức. Giao lưu tiếp biến với văn hóa Ấn Độ diễn ra bằng con đường hòa bình. Các thương gia, các nhà sư Ấn Độ đến Việt Nam với mục đích thương mại, truyền bá văn hóa, tôn giáo. Văn hóa Ấn Độ đã góp phần quan trọng vào quá trình hình thành vương quốc Chăm Pa và một nền văn hóa Chăm Pa phát triển rực rỡ, tạo dựng nên một nền văn hóa Chăm Pa với những sắc thái văn hóa đan xen giữa Ấn Độ, Đông Nam Á và văn hóa bản địa Chăm đặc sắc, thể hiện trên nhiều lĩnh vực: chữ viết, tôn giáo, kiến trúc và nghệ thuật

Ngoài ra, đối với Việt Nam nói chung thì giao lưu tiếp biến giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Ấn Độ có những đặc điểm sau:

- Người Việt đã tiếp nhận văn hóa Ấn Độ và đặc biệt là đạo Phật trên tinh thần cơ bản là hỗ dung tôn giáo. Khi vào Việt Nam, Phật giáo đã tiếp xúc ngay với tín ngưỡng bản địa của dân tộc và đã chung sống với chúng. Từ tín ngưỡng thờ các hiện tượng tự nhiên, thờ nữ thần nông nghiệp, tín ngưỡng phồn thức của văn hóa bản địa, người Việt đã thâu thái những yếu tố của đạo Phật và tạo nên dòng Phật giáo dân gian thờ Tứ Pháp hết sức đặc sắc…

- Phật giáo Ấn Độ đến với Việt Nam không chỉ là một hiện tượng tôn giáo mà còn là một hiện tượng văn hóa. Cùng với đạo Phật, một tổng thể văn hóa Ấn Độ đã ảnh hưởng đến Việt Nam ngay từ đầu Công nguyên như: ngôn ngữ, âm nhạc, vũ đạo, nghệ thuật…Cũng đã hình thành ở Việt Nam những công trình văn hóa nghệ thuật có giá trị: hệ thông chùa, tháp…

Tiếp nhận văn hóa Ấn Độ ở thời kỳ Bắc thuộc có thể xem là một đối trọng với ảnh hưởng của văn hóa Hán, thể hiện tinh thần chống đồng hóa văn hóa của người Việt.

d, Giao lưu và tiếp biến với Văn hóa phương Tây.

Quá trình này đã diễn ra từ thời cổ đại với việc giao lưu buôn bán giữa cư dân văn hóa Óc Eo và cư dân La Mã cổ đại, đến thể kỷ XVI với việc các linh mục phương Tây đã vào Việt Nam truyền giáo thì quá trình này ngày càng rõ nét. Đặc biệt nhất là ở nửa sau của thế kỷ XIX đã tạo ra bước chuyển có tính chất bước ngoặt trong sự phát triển của văn hóa Việt Nam. Điển hình nhất là sự xâm lược, đặt ách đô hộ của thực dân Pháp đối với Việt Nam.

Người Pháp rất có ý thức dùng văn hóa như là một công cụ để cai trị nhưng với tinh thần yêu nước và lòng tự trọng dân tộc, thái độ trước hết của người Việt Nam là chống trả quyết liệt cả về phương diện chính trị và văn hóa, ví dụ như: các cuộc khởi nghĩa liên tiếp nổ ra, về phương diện văn hóa đó là thái độ không học tiếng Tây, không mặc đồ Tây, không dùng hàng Tây… Tuy vậy, theo thời gian những tiến bộ của khoa học kỹ thuật và thái độ mềm dẻo, cởi mở dần dần chúng ta đã biết tiếp nhận những giá trị văn hóa mới để phát triển văn hóa dân tộc, sử dụng chúng trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc, dùng vũ khí của kẻ thù để chống lại chúng, đây cũng là một sự sáng tạo của dân tộc ta.

Quả thật, quá trình tiếp xúc toàn diện với văn hóa phương Tây giai đoạn 1858 – 1945 đã khiến người Việt cấu trúc lại nền văn hóa của mình, đi vào vòng quay của văn minh công nghiệp phương Tây. Diện mạo văn hóa Việt Nam thay đổi trên các phương diện: Thứ nhất, là chữ Quốc ngữ, từ chỗ là loại chứ viết dùng trong nội bộ một tôn giao thì nay được dùng như chữ viết của một nền văn hóa; Thứ hai, là sự xuất hiện của các phương tiện văn hóa như nhà in, máy in ở Việt Nam....Thứ ba, là sự xuất hiện của báo chí, nhà xuất bản; Thứ tư là sự xuất hiện của một loạt các thể loại, loại hình văn nghệ mới như tiểu thuyết, thơ mới, điện ảnh, kịch nói, hội họa…

Như vậy, với lối ứng xử thông minh, mềm dẻo, qua mỗi chặng đường

thử thách, văn hóa dân tộc lại trưởng thành và phát triển lên một bước mới. Cuộc hội nhập lần thứ nhất, tiếp biến với văn hóa Ấn Độ và văn hóa Hán đã làm giàu cho văn hóa Việt Nam, khiến cho dân tộc đủ mạnh, tạo cơ sở cho sự phát triển trong kỷ nguyên Đại Việt. Hội nhập lần thứ hai, tiếp biến với văn hóa phương Tây đã góp phần hiện đại hóa văn hóa dân tộc trên mọi phương diện.

e, Giao lưu và tiếp biến trong giai đoạn hiện nay.

Hiện nay, chúng ta đang bước vào cuộc hội nhập lần thứ ba, hướng tới mục tiêu xây dựng một nền văn hóa “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Cách mạng tháng 8/1945 thành công và đặc biệt sau chiến thắng năm 1975, đất nước thống nhất quy về một mối, giao lưu tiếp biến văn hóa có sự thay đổi về chất so với các thời kỳ lịch sử trước đó. Trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay, vấn đề giao lưu kinh tế, văn hóa là vấn đề sống còn của dân tộc.

Về văn hóa, Đảng ta thực hiện mở rộng giao lưu văn hóa với nước ngoài dưới nhiều hình thức. Giới thiệu rộng rãi những giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam với thế giới, đồng thời cũng lựa chọn đưa vào nước ta những giá trị văn hóa tiến bộ của các nước, mở rộng hoạt động văn hóa quốc tế dưới nhiều hình thức hợp tác, trao đổi, học tập lẫn nhau. Tuy nhiên, cần có quy định và những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ giá trị văn hóa dân tộc, chống nạn chảy máu văn hóa, nhất là đối với các cổ vật, bảo vật quốc gia, cũng như chống sự thâm nhập vào nước ta những văn hóa phẩm độc hại, đồi trụy…

Những biến đổi của hoàn cảnh lịch sử hôm nay đã khiến cho giao lưu tiếp biến ở Việt Nam thay đổi nhiều phương diện:

Thứ nhất, giao lưu và tiếp biến văn hóa hôm nay là giao lưu và tiếp

biến trong thời đại tin học. Sự xuất hiện của kinh tế tri thức và sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã khiến cho văn hóa, các sản phẩm văn hóa trở nên

vô cùng phong phú và đa dạng. Thời đại ngày nay có những hình thức, hình thức sản phẩm giao lưu mà trước kia chưa hề có, phương tiện giao lưu cũng rất đa dạng, nội dung giao lưu hết sức phong phú và cũng rất phức tạp, một số phương tiện mới như Internet – mạng toàn cầu kết nối nhanh nhạy tất cả mọi người, cánh cửa “ảo” mở ra cơ hội dễ dàng tiến vào với thế giới.

Thứ hai, công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt

Nam khiến cho giao lưu và tiếp biến văn hóa trong tư thế chủ động, tự nguyện, không bị áp đặt hay cưỡng chế.

Thứ ba, giao lưu và tiếp biến văn hóa ở Việt Nam hiện nay đã tạo sự

chuyển biến văn hóa trên tất cả các lĩnh vực của đời sống văn hóa, đặc biệt là lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo…

Thứ tư, giao lưu văn hóa ở Việt Nam đang đặt ra những thời cơ và

những thách thức mới. Vấn đề đặt ra là làm thế nào mở rộng cánh cửa giao lưu để văn hóa dân tộc có cơ hội phát triển, hòa nhập với thể giới hiệnđại mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc.

3. Tiểu kết

Hiện nay chúng ta đang trong thời kỳ xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần thì ngoài vấn đề xây dựng và phát triển kinh tế ra thì còn cần phải quan tâm sâu sắc hơn nữa tới văn hóa. Tình trạng chung hiện nay là sự xuống cấp về văn hóa ứng xử của một bộ phận giới trẻ như: coi thường người lớn, nói tục, chửi bậy, gây gổ đánh nhau dù chỉ là xích mích nhỏ, sử dụng biến dạng chữ Việt, ham thích những sản phẩm văn hóa phẩm đồi trụy, khiêu dâm, phá hoại các công trình văn hóa, yếu về ngoại ngữ và văn hóa mới của nhân loại…Những vấn đề này đặt ra cho những nhà làm chính sách, những người làm công tác giao dục những hồi chuông cảnh báo, những yêu cầu phải thay đổi tư duy để đưa ra được những quyết định đúng đắn nhằm xây dựng nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

KẾT LUẬN

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa hiện nay, vấn đề đặt ra với những nước nhỏ đó là sự xâm lăng của các nước lớn có tiềm lực kinh tế, khoa học kỹ thuật hiện đại…sự xâm lăng này trên nhiều lĩnh vực trong đó có văn hóa. Những rào cản văn hóa giữa các quốc gia dường như đã bị xếp bỏ bởi sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt nhất là mạng Internet toàn cầu hiện nay. Sự tha hóa về đạo đức, sự biến dạng văn hóa, lệch lạc trong suy nghĩ, tư tưởng khiến cho một bộ phận thanh niên đang đi lệch ra khỏi quỹ đạo phát triển chung của đất nước, của nhân loại. Đặc biệt hơn đó là những biểu hiện lệch lạc trong văn hóa giao tiếp của một bộ phận giới trẻ, đó là việc biến dạng chữ Quốc ngữ thành những ký tự mà chỉ có giới trẻ (9X) mới hiểu,

Một phần của tài liệu Tiểu luận Đàm phán Giao tiếp: Văn hóa giao tiếp của các quốc gia và sự giao thoa văn hóa của Việt Nam (Trang 35 - 43)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(43 trang)
w