Trí tuệ nhân tạo đang phát triển mạnh mẽ và dần thay thế nhiều vị trí công việc của con người. Ví dụ điển hình chính là Robot. Từ đó đòi hỏi con người phải phát triển bản thân hơn nữa, có những kỹ năng mà trí tuệ nhân tạo không thể thay thế được để đảm bảo được tồn tại trong thị trường lao động. Để đáp ứng được điều đó, bên cạnh nắm vững kiến thức chuyên môn con người phải có khả năng hòa nhập tốt, giao tiếp tốt và làm việc nhóm tốt. Điều đó bắt buộc con người phải luôn mở rộng và duy trì các mối quan hệ từ bạn bè, đồng nghiệp đến đối tác. Chính vì sự quan trọng của các mối quan hệ, đôi khi sẽ tạo áp lực ngược lại lên con người vì luôn phải suy nghĩ và hành động như thế nào để hòa nhập tốt nhất với từng mối quan hệ. Và như chúng ta đã biết, không chỉ tồn tại một hay hai mối quan hệ mà có rất nhiều mối quan hệ từ thân thiết, gắn bó đến quen biết xã giao, trong số những mối quan hệ đó, có những mối quan hệ “bằng mặt nhưng không bằng lòng” nhưng lại không thể chấm dứt mối nó; hay con người vô tình đánh mất những mối quan hệ mà họ rất trân trọng, gìn giữ; hoặc họ không tạo dựng thêm được nhiều mối quan hệ, cuộc sống của họ khá khép kín và chỉ tồn tại những mối quan hệ ít ỏi.
Sinh viên là tầng lớp đặc biệt vì là độ tuổi vừa mới bước ra khỏi vòng tay của gia đình và gia nhập vào xã hội với quyền của một “người trưởng thành”. Ở độ tuổi này, ngoài gia đình và bạn bè thì phát sinh thêm rất nhiều mối quan hệ mới mà bản thân sinh viên phải cố gắng nhận biết, khai thác và duy trì để phục vụ cho cuộc sống hiện tại và sự nghiệp ở tương lai. Việc phải tìm kiếm và duy trì các mối quan hệ vô tình tạo áp lực cho sinh viên vì các bạn còn sự rụt rè khi chập chững bước mới vào đời, có nhiều hành động bộc phát dễ làm tan vỡ các mối quan hệ . Thêm vào đó, trong cuộc sống không phải ai cũng chân thành với nhau, lòng người thì khó đoán và dễ thay đổi nên việc hình thành mối quan hệ bền vững là rất khó. Chính vì vậy mà tạo nên những áp lực vô hình lên sức khỏe tinh thần của sinh viên.