3.1.2.1. Thực trạng phát triển ngành nông nghiệp, lâm nghiệp a, Sản xuất nông nghiệp:
Nông nghiệp là lĩnh vực sản xuất chủ yếu của huyện và phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Cơ cấu ngành trồng trọt đã có sự chuyển dịch theo hướng hàng hóa, tuy nhiên lúa vẫn là cây trồng chính, trồng trọt vẫn là ngành chiếm tỷ trọng lớn. Công tác dồn ghép ruộng đất gặp nhiều khó khăn, số nông dân mạnh dạn dồn điền đổi thửa để chuyển đổi hướng sản xuất chiếm tỷ lệ thấp, chưa tạo ra được một trào lưu trong hoạt động nông nghiệp.
Giai đoạn từ năm 2015- 2018 sản xuất nông – lâm – thủy sản của huyện diễn ra trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, nền nhiệt độ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhiều đợt mưa liên tục kéo dài; hoàn lưu của các cơn bão và áp thấp nhiệt đới làm cho một số diện tích chiêm trũng bị ngập úng; tình hình chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn, giá cả bấp bênh lúc giảm chạm đáy, lúc tăng cao đỉnh điểm gây tâm lý bất ổn cho người chăn nuôi, ảnh hưởng đến khả năng tái đàn và tăng trưởng của ngành nông nghiệp.
Tổng giá trị sản xuất ngành nông -lâm nghiệp và thủy sản năm 2018 theo giá hiện hành ước đạt 1.386.890 triệu đồng, theo giá so sánh năm 2015 ước đạt 1.058.970 triệu đồng, tăng 351,4 tỷ đồng so với năm 2015. Cụ thể trong từng lĩnh vực như sau:
-Về trồng trọt: Bình quân tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm: 9.872 ha. Nhìn chung năng suất các loại cây trồng đều tăng, cụ thể năng suất lúa bình quân các năm: 54,42 tạ/ha, năng suất ngô đạt 46,22 tạ/ha. Tổng sản lượng lương thực (lúa, ngô) năm 2018 ước đạt: 40.000 tấn. Bình quân lương thực ước đạt 406 kg/người/năm.
- Về chăn nuôi: Nhìn chung sản xuất chăn nuôi trên địa bàn huyện phát triển cả về chất lượng và số lượng, nhiều con giống có chất lượng tốt được đưa vào sản xuất; nhiều trại chăn nuôi tập trung được hình thành, có quy mô
lớn và phương thức chăn nuôi tiên tiến, hiện đại đạt năng suất và sản lượng cao. Tuy nhiên tình hình chăn nuôi trong những năm qua còn gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ và dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, giá lợn hơi tăng giảm thất thường, dịch bệnh tiềm ẩn nguy cơ bùng phát đã ảnh hưởng lớn đến quy mô tái đàn và định hướng phát triển chăn nuôi của người dân.
- Về nuôi trồng thủy sản:Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện có xu hướng giảm, tuy nhiên do áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nên mặc dù diện tích giảm song sản lượng hằng năm vẫn tăng, tổng sản lượng thủy sản năm 2018 của huyệt đạt 1.631,75 tấn, tăng 69,87 tấn so với năm 2015.
b) Sản xuất Lâm nghiệp- Trồng và bảo vệ rừng:
Trong giai đoạn từ 2015 - 2018, toàn huyện đã trồng mới 844,49 ha rừng tập trung; khai thác được 450,18ha, sản lượng khai thác đạt 27.021,3m3. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 24,15%. Công tác kiểm tra rừng, phòng cháy chữa cháy rừng được duy trì thường xuyên. Công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý khai thác, vận chuyển lâm sản trên địa bàn được tập trung thực hiện nghiêm túc.
3.1.2.2. Thực trạng phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp
Ngành công nghiệp trên địa bàn huyện Sông Lô còn đang trên đà phát triển nhưng ở mức thấp, chủ yếu là tiểu thủ công nghiệp với các ngành nghề có tỷ lệ kỹ thuật thấp như chế biến nông sản, mộc, trạm khắc đá, nghề gia dụng... quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, kỹ, chất lượng sản phẩm chưa cao. Công nghiệp chiếm tỷ trọng không lớn trong nền kinh tế.
Tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng năm 2018 theo giá hiện hành ước đạt 2.956.649 triệu đồng, theo giá so sánh 2015 ước đạt 2.254.760 triệu đồng, trong đó giá trị sản xuất ngành công nghiệp theo giá hiện hành ước đạt 998.017 triệu đồng.
Tính đến hết năm 2018 toàn huyện có khoảng 2.000 cơ sở, 49 doanh nghiệp, 01 chi nhánh công ty và 10 xưởng may gia công hoạt động góp phần quan trọng thúc đấy kinh tế- xã hội của huyện phát triển.
Về tiểu thủ công nghiệp của huyện hiện nay chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực: khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng; may, đồ gỗ, kim khí, đá mỹ nghệ, mây tre đan… tại các doanh nghiệp, các làng nghề và các hộ cá thể. Nhìn chung, sản xuất trong lĩnh vực này còn nhỏ lẻ chưa có sự liên doanh liên kết; còn gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm; thu hút đầu tư còn nhiều hạn chế.
3.1.2.3. Thực trạng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch
Tổng giá trị sản xuất về thương mại – dịch vụ năm 2018 theo giá hiện hành ước đạt 1.722.670 triệu đồng. Dịch vụ thương mại trên địa bàn huyện phát triển rộng khắp, tập trung tại các thị trấn, thị tứ và các tụđiểm dân cư, đầu mối giao thông. Nhìn chung các sản phẩm phục vụ rất đa dạng, phong phú.
Toàn huyện có 13 chợ, 4.200 cơ sở hoạt động kinh doanh và dịch vụ vận tải đáp ứng được các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu đi lại của người dân và lưu thông hàng hoá giữa các vùng miền, thúc đẩy kinh tế phát triển. Các dịch vụ bưu chính, viễn thông ngày phát triển, việc phát hành thư tín, báo chí đảm bảo kịp thời, an toàn, thuận lợi. Công tác thông tin và các loại hình dịch vụ phát triển đa dạng, phong phú.
3.1.2.4. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật
* Hệ thống giao thông
Huyện Sông Lô có dòng sông Lô chảy qua 10 xã, thị trấn với tổng chiều dài dọc tuyến là 28 km, vì vậy hệ thống giao thông đường thủy khá thuận lợi, đây là một thế mạnh mà không phải huyện nào trong tỉnh Vĩnh Phúc cũng có được. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông đường bộ của huyện cũng đang ngày càng phát triển.
Hệ thống giao thông của huyện trong những năm gần đây được đầu tư xây mới và mở rộng đáp ứng được sự phát triển của nền kinh tế xã hội, thuận lợi cho giao thương hàng hoá, đi lại của nhân dân trong huyện. Nhiều tuyến đường được cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới, kể cả hệ thống giao thông nông thôn.
Toàn huyện có 1.027,9km đường bộ, trong đó tỉnh lộ chiếm 37,8km, đê tả Sông Lô chiếm 28km, tất cả đã được trải nhựa và đổ bê tông xi măng 100%; đặc biệt huyện được đầu tư mới tuyến đường từ nút giao Văn Quán đến trung tâm huyện và tuyến nhánh Khu công nghiệp Sông Lô 1 với tổng chiều dài 8,8km đã tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông của huyện phát triển; Bên cạnh đó huyện đã hoàn thành đầu tư xây dựng 3,8km đường nội thị, đồng thời tiến hành nâng cấp, cải tạo tuyến Tỉnh lộ 307 và 307B, góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị và nông thôn của huyện. Đã nâng cấp, cứng hoá được nhiều tuyến đường giao thông gồm: Giao thông trục xã, trục thôn, đường ngõ xóm, đường nội đồng…
Tuy nhiên, do Sông Lô là huyện miền núi, hệ thống thuỷ văn đa dạng, lượng mưa hàng năm lớn làm mặt đường bị sói lở, bào mòn đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của nhân dân. Ngoài ra vào mùa mưa nước sông Lô từ thượng nguồn đổ về cũng làm cho giao thông đường thủy bị ngừng trệ, giao thương buôn bán với tỉnh Phú Thọ và các vùng lân cận cũng trở nên khó khăn hơn.
* Hệ thống thủy lợi
Được sự hỗ trợ của Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân, đến nay toàn huyện đã kiên cố hoá được phần lớn hệ thống chính kênh mương nội đồng, xây dựng được nhiều hồ, đập chứa nước phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp. Do đó diện tích gieo trồng trong toàn huyện ngày càng được nâng lên, trên 90% diện tích đất lúa được chủđộng tưới tiêu.
Trong những năm qua mạng lưới điện đã được đầu tư xây dựng với hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhìn chung hệ thống lưới điện đã đảm bảo chuyển tải đủđiện năng phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ quan Nhà nước và các hộ dân trong huyện.Ngành điện đã quan tâm đầu tư phát triển hệ thống lưới điện, đảm bảo an toàn sử dụng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của nhân dân và các hoạt động chính trị, xã hội trên địa bàn.
* Mạng lưới thông tin liên lạc:
Hệ thống thông tin liên lạc của huyện trong những năm gần đây đã được đầu tư, hoàn thiện, cơ bản đã đáp ứng tốt nhu cầu thông tin liên lạc của người dân địa phương.
3.1.2.5. Dân số và đặc điểm dân cư
Dân số trung bình toàn huyện năm 2018 là 107.727 người, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 1,33% ; gồm 07 dân tộc: Kinh, Dao, Cao lan, Sán dìu, Tày, Nùng, Hoa; là một trong những huyện có dân số đông của tỉnh Vĩnh Phúc, mật độ dân số là 716,65 người/km2. Trên 90 % dân số của huyện Sông Lô sống ở nông thôn, trong đó đa phần là dân số nông nghiệp. Dân số Sông Lô phân bố không đồng đều, tập trung ở các xã vùng ven sông, các xã vùng đồng bằng và gần các tuyến đường giao thông.
3.1.2.6. Y tế, Giáo dục và văn hoá
* Y tế
Công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân được duy trì thường xuyên, từng bước nâng cao chất lượng, mạng lưới y tế rộng khắp, đến nay huyện có 01 Trung tâm Y tế gồm 04 phòng, 16 khoa; 17 trạm y tế xã, thị trấn (100% đạt chuẩn quốc gia về y tế xã) mạng lưới cơ sở y tế xã đã cơ bản đáp ứng nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.Đặc biệt năm 2015, Trung tâm Y tế huyện được hoàn thành và đưa vào sử dụng, từng bước được trang bị nhiều thiết bị y tế hiện đại đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác
khám chữa bệnh phục vụ nhân dân, nhờ đó chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh được nâng lên.
* Giáo dục và đào tạo:
Hệ thống giáo dục của huyện thường xuyên được đầu tư, xây dựng. Tổng số trường học trên toàn huyện hiện nay là 54 trường. Chất lượng đội ngũ giáo viên các cấp học tiếp tục được quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ, cập nhật phương pháp giảng dạy và đánh giá học sinh theo yêu cầu mới ở mỗi bậc học; 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học, thực hiện có hiệu quả Đề án kiên cố hóa trường học và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên.
*Văn hoá - Thông tin - Thể thao:
Các hoạt động văn hóa, thông tin đã bám sát các chủ đề trọng tâm về chính trị, kinh tế, xã hội. Hình thức thông tin tuyên truyền phong phú và từng bước hiện đại kịp thời phản ánh các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa của huyện.Phong trào văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao của huyện ngày càng phát triển rộng khắp ở tất cả các địa phương.
Tăng cường công tác quản lý các di tích, trong đó tập trung tiến hành khảo sát, kiểm tra hiện trạng các di tích lịch sử, các lễ hội. Công tác bảo tồn các di sản văn hoá được quan tâm, trong những năm qua toàn huyện có thêm 07 di tích được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, đến nay toàn huyện có tổng số 24 di tích được xếp hạng, trong đó có 1 di tích xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt (Tháp Bình Sơn – thị trấn Tam Sơn) và 23 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Các di tích đã đáp ứng được nhu cầu văn hóa tâm linh của đông đảo nhân dân.
*Thực trạng môi trường
Huyện Sông Lô đang ở giai đoạn đổi mới và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công nghiệp xây dựng đang ngày càng phát triển, các doanh nghiệp, cơ quan, xí nghiệp đóng trên địa bàn huyện ngày một
nhiều. Do vậy, vấn đề ô nhiễm về môi trường đất, nước, không khí trên địa bàn huyện Sông Lô cần phải được giám sát, kiểm tra thường xuyên.
- Môi trường sinh thái
Những nét đặc trưng về điều kiện tự nhiên đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới vấn đề môi trường sinh thái của huyện (đặc biệt là nguồn nước ngầm).
Bên cạnh những thành tựu kinh tế đạt được, nó cũng đã gây những tổn hại không nhỏ về tài nguyên, môi trường, cụ thể:
+ Sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hoá đã có những tác động, ảnh hưởng nhất định tới môi trường.
+ Vấn đề cấp, thoát nước, xử lý rác thải... ở các xã, đặc biệt là ở thị trấn Tam Sơn, xã Đức Bác và xã Lãng Công là những vấn đề bức xúc ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường cần có những biện pháp cụ thể để xử lý.
Mặt khác trong quá trình sản xuất đã sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, điều này khiến cho môi trường đất, nước, không khí ít nhiều đã bị ô nhiễm ở những mức độ khác nhau.
Vì vậy, trong tương lai cần phải có những biện pháp kịp thời nhằm xây dựng một hệ sinh thái môi trường bền vững.