4. Nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình của Honoré de Balzac
4.3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật qua những chi tiết cụ thể
Nhân vật trong Balzac được khắc họa trên nhiều yếu tố như ngoại hình, trang phục, hành động, ngôn ngữ. Trong cách xây dựng nhân vật, tác giả luôn chú ý đến những chi tiết cụ thể, chọn lọc mà qua đó làm toát lên đặc trưng, tính cách nhân vật cũng như tính chất giai cấp.
Ví dụ Balzac đã đặc tả ngoại hình của lão Grandet như sau: “Về hình dáng, Grangde cao hơn một thước sáu, to ngang, vuông vức, vai rộng, vòng bắp chân đến bốn tấc, đầu gối có u có khúc, mặt tròn trịa rám nắng, rỗ đậu mùa, cằm thẳng, môi dầy, răng trắng; đôi mắt vừa tỉnh táo vừa thao láo như muốn nuốt sống người ta, giống như mắt con rắn thiêng trong thần thoại; trán đầy nếp nhăn ngang và những cục u tiêu biểu cho tâm tính con người; tóc vàng vàng lại lốm đốm trắng khiến cho một số thanh niên không biết đùa cợt ông Grangde là chuyện tày trời, bảo đầu ông có vàng có bạc. Chóp mũi ông
khá to và hằn gân máu, bọn phàm tục bảo đấy là dấu hiệu của sự ranh mãnh, và chừng như cũng đúng.” hay trong câu “Cái tướng mặt Grandet là tướng người tinh tế một cách nguy hiểm và ngay thật một cách tính toán, đó là tập quán ích kỷ của một người keo bẩn say mê của cải.”. Thông qua việc miêu tả ngoại hình của Grandet, tác giả cũng đã khắc họa một nhân vật điển hình cho một tay tư sản ranh mãnh, đẩy mưu mô, tính toán và keo kiệt bủn xỉn.
Điều này còn được đặc biệt thể hiện qua nhiều chi tiết khác, như trang phục của lão: “Xưa nay ông vẫn ăn mặc một kiểu, ai biết ông năm 1791 bây giờ gặp lại vẫn thấy không khác xưa: đôi giầy chắc nịch vẫn buộc dây da, bốn mùa vẫn tất len, quần chẽn bằng da nâu xâu với những khâu bạc ở gấu, gile nhung có sọc vàng và sọc nâu xen nhau, cài cúc thẳng hàng, áo nâu rộng vạt to, cà vạt đen, mũ vành rộng. Găng tay ông bền như găng sen đầm, dùng một thôi hai mươi tháng chưa hỏng; để giữ găng sạch sẽ, khi cởi ra ông cử động có cung cách, đặt nó lên vành mũ bao giờ cũng đúng ở một chỗ.”
Thậm chí nó còn ăn sâu vào lời nói, hành động của lão mà bộc lộ ra ngoài. Những việc làm của lão bất chấp mọi thủ đoạn chỉ nhằm một mục đích duy nhất là nhằm thu lại lợi ích cho riêng bản thân lão, làm giàu cho kho bạc của lão. Đôi khi lão sẽ nói lắp, đây một cách thức mà lão đã học được từ một tay Do Thái, trong một trường hợp nào đó để thu được lợi cho bản thân. Hay trong những lời nói của lão cũng không ít câu dùng để biểu thị đồng tiền đã chi phối lão như thế nào, điển hình như: “Có tiền mới có hạnh phúc, không thì là bánh vẽ” hay “Vỡ nợ là làm cái việc mất danh giá nhất trong tất cả các việc làm mất danh giá con người ta.”
D. TẠM KẾT
Eugénie Grandet – Đồng tiền ăn mòn con người
Khép lại những trang cuối cùng của tác phẩm Eugénie Grandet nhưng những dư âm của nó vẫn còn đọng lại sâu sắc trong lòng độc giả. Đó không
chỉ là câu chuyện bi thương về mối tình son sắt của nàng Eugénie hay đơn thuần là câu chuyện về gia đình của lão Grandet, mà còn là một bức tranh vô cùng sống động, phản ánh về xã hội Pháp đương thời. Đó là xã hội mà con người chỉ biết tôn thờ đồng tiền, lợi ích cá nhân mà quên đi hết những giá trị tốt đẹp khác. Ở đó, họ giống hệt như con rối bị đồng tiền điều khiển, phải chấp nhận, phải phục tùng và phải chịu mọi sự chi phối của nó.
Dùng bút pháp châm biếm sâu cay để viết nên Eugénie Grandet, Balzac đã thành công tạo ra một kiệt tác phản ánh cái nhìn của ông về một thời đại, một giai đoạn lịch sử rối ren, biến động của xã hội Pháp. Những nhân vật mà Balzac xây dựng chính là những đại diện tiêu biểu cho những kiểu mẫu bị hoàn cảnh bấy giờ tác động. Đó là lão Grandet ham vàng, keo kiệt, một hiện thân của tầng lớp tư sản chỉ biết chạy theo đồng tiền và bị nó điều khiển đến bất chấp thủ đoạn. Hay đó là Charles, kẻ bị đồng tiền tha hóa đến mức mất đi nhân tính, trong mắt chỉ còn biết đến tiền tài, danh vọng. Và còn cả nhân vật chính của chúng ta, nàng Eugénie, tia sáng thiện lương nhỏ nhoi đã bị xã hội nhiễu nhương khi ấy trù dập tưởng chừng như phải lụi tắt. Có thể nói, những nhân vật trên không chỉ sống trong những trang sách của Balzac, mà họ còn là đại diện đầy tiêu biểu cho con người ở xã hội Pháp vào thế kỷ XIX, xã hội bị đồng tiền chi phối và tác động mạnh mẽ.
Xuyên suốt tác phẩm Eugénie Grandet, độc giả không chỉ đơn thuần là đọc, mà còn là cảm thấu, nhìn nhận về những điều mà Balzac đã xây dựng bên trong đó. Bậc thầy vĩ đại của tiểu thuyết hiện thực đã khiến tác phẩm của mình mang đậm hơi thở của thời đại, phản ánh sinh động xã hội Pháp thông qua hoàn cảnh và những nhân vật của mình. Cái xấu, cái bẩn thỉu, ghê sợ ở cái xã hội ấy là con người để đồng tiền quyết định và điều khiển tất cả các giá trị đạo đức, được ông mô tả hết sức chân thực dưới một ngòi bút sắc sảo như dao. Chính vì những giá trị đặc sắc của mình mà Eugénie Grandet vẫn
như một viên ngọc sáng lững lờ trôi giữa chảy lịch sử văn học mà chẳng một con sóng dữ nào có thể mảy may nhấn chìm.
MỤC LỤC