Nghiên cứu về các nhân tố gây úng lụt

Một phần của tài liệu Phân tích, đánh giá vai trò của một số nhân tố chính đối với úng lụt vùng hạ lưu lưu vực sông Cả (Trang 26 - 28)

1.3.1.1. Ảnh hưởng của các nhân tố KTTV:

Rudolf Brázdil và cộng sự [102] đã nhận định ngập do thuỷ triều ở Tây Âu, phần lớn lãnh thổ Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và một phần Vương quốc Anh ảnh hưởng lớn hơn do lũ lụt; Lũ lụt ở Trung Âu thường do các nhân tố sau gây ra: mưa lớn kéo dài, kết hợp mưa do bão, và tuyết tan.

Anujit Vansarochana và cộng sự (2016) [82] đã phân tích những thay đổi về lượng mưa ở lưu vực sông Huai Luang, Thái Lan và nhận thấy lượng mưa hàng năm có xu hướng gia tăng trong thời gian trong 32 năm từ 1982 đến 2013. Lượng mưa hàng năm trong giai đoạn thứ hai (1998 - 2015) cao hơn giai đoạn đầu (1982-1997) là 20%. Lượng mưa ngày lớn nhất tại ba trạm quan trắc trong giai đoạn thứ hai cũng cao hơn giai đoạn đầu 19,22 - 45,76%. Lũ lụt nghiêm trọng ở thượng nguồn ở lưu vực nghiên cứu xảy ra thường xuyên hơn trong giai đoạn 1998-2013.

Bùi Đức Long và Đặng Thanh Mai [37] đã có những tổng kết và đưa ra nhận định về các nhân tố gây ra đợt lũ lụt lịch sử năm 1999 ở Miền Trung; Nguyễn Văn Cư [12], Nguyễn Viết Thi [60] đã tiến hành nghiên cứu và tổng kết các hình thế thời tiết chính gây mưa lũ lớn trên các sông suối Miền Trung; Nguyễn Khánh Vân và cộng sự (2013) [77], đã nghiên cứu nguyên nhân và quy luật của thời tiết mưa lớn khu vực đèo Hải Vân - đèo Cả, vùng Nam Trung Bộ (giai đoạn 1986 - 2010). Tác giả đã thống kê, phân tích nguyên nhân, diễn biến, tần suất xuất hiện của các HTTT mưa lớn ở khu vực từ đèo Hải Vân đến đèo Cả và đã rút các kết luận: Các HTTT Bão (ATNĐ), KKL, Bão (ATNĐ) kết hợp với KKL, HTNĐ kết hợp với KKL có tần số xuất hiện lớn hơn 3 hình thế còn lại (HTNĐ; HTNĐ và Bão (ATNĐ); XTNĐ hoặc ITCZ và gió SE, Đới

gió E trên cao, Gió NE, Gió SW…; Tổ hợp của 2 HTTT xảy ra đồng thời hoặc gối tiếp nhau có nhiều khả năng gây mưa lớn và rất lớn trên diện rộng, thời gian mưa kéo dài, gây ngập lụt nghiêm trọng. Thời gian kéo dài của các HTTT gây mưa trong khoảng thời gian từ 2 - 6 ngày, chủ yếu từ 2 - 4 ngày; Các HTTT xuất hiện vào giữa mùa (các tháng IX - XI, đặc biệt vào hai tháng X và XI) thường gây ra mưa lớn và rất lớn. Những đợt mưa với lượng lớn như vậy thường gắn liền với KKL kết hợp với hoạt động của đới gió Đông mạnh, KKL kết hợp với bão (ATNĐ) hoặc dải HTNĐ; HTTT Bão (ATNĐ) đổ bộ trực tiếp vào khu vực có thể gây mưa to nhưng thời gian kéo dài không quá 3 ngày.

Tăng Văn An và cộng sự (2019) [1] đã nghiên cứu xác định những hình thế thời tiết gây mưa lớn trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Các hình thế gây mưa lớn cho lưu vực sông Cả bao gồm: Rãnh áp thấp (ITCZ); Xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ): Bão hoặc ATNĐ; Nhiễu động gió Đông (SE); Không khí lạnh (KKL). Tổ hợp một số hình thế thời tiết trên như: Tổ hợp của hai hình thế thời tiết hoặc có thể xuất hiện tổ hợp cả 3 dạng hình thế thời tiết. Tác giả nhận thấy các hình thái kết hợp có tần suất xuất hiện nhiều nhất là dạng XTNĐ + ITCZ và ITCZ + KKL, riêng dạng XTNĐ + KKL xuất hiện không nhiều nhưng lại gây mưa lớn nhất.

1.3.1.2. Ảnh hưởng của các nhân tố mặt đệm:

Nguyễn Thanh Sơn [52], [53] đã ứng dụng mô hình toán thực nghiệm số tính thấm trong phương pháp SCS cho lưu vực sông Vệ, trạm An Chỉ (2006), áp dụng mô hình 1DKWM – FEM & SCS đánh giá tác động của quá trình đô thị hóa đến dòng chảy lũ trên một số sông ngòi Miền Trung (2006);

Nguyễn Văn Cư và cộng sự [11] đã đánh giá hiện trạng và bước đầu tìm kiếm các nguyên nhân gây lũ lụt ở vùng Nam Trung Bộ; TP Hồ Chí Minh, nơi thường xuyên bị ảnh hưởng của ngập úng. Đã có nhiều nghiên cứu xác định nguyên nhân và các giải pháp chống ngập được đưa ra cho TP Hồ Chí Minh.

Lê Sâm (2010) đã tính toán cân bằng tiêu nước nhằm xác định cốt nền hệ thống tiêu (đê bờ bao, hồ điều hòa, hệ thống kênh, cống tiêu…) và giải pháp tiêu nước cho các dự án điển hình; Định hướng phát triển hệ thống hồ điều hòa cho toàn thành phố; Đề xuất hệ thống quan trắc, giải pháp công nghệ cảnh báo, giám sát ngập cho TP HCM; Tích hợp GIS, viễn thám và mô hình thủy lực trong đánh giá mức độ thiệt hại do ngập lụt; Xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm hỗ trợ cảnh báo và giám sát ngập nước cho TP HCM [51]. Đào Xuân Học đã phân tích các đặc điểm và nguyên nhân gây ngập úng ở TP HCM, nổi bật là: thành phố nằm ở vùng cửa sông lớn, sát biển nên chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của dòng chảy trên sông, dòng triều từ Biển, trong đó ảnh hưởng của Biển đang có xu thế ngày càng tăng; địa hình thành phố thấp trũng; nền địa chất yếu, dễ bị sụt lún; Thành phố có lịch sử phát triển 300 năm nên hệ thống tiêu thoát nước quá cũ kỹ, chắp vá và có nhiều bất cập. Tác giả đã đề xuất một số giải pháp giải quyết ngập do mưa; giải quyết ngập do lũ; và ngập do lũ và triều [15].

Các nghiên cứu của tác giả Đào Đình Bắc, Vũ Văn Phái, Đặng Văn Bào, Nguyễn Hiệu [4], [5], [6], [14] cho thấy rằng sự chia cắt lưu vực có tác dụng quyết định đến các lòng sông cổ và chia cắt địa hình gây ảnh hưởng lớn đến thoát lũ từ đó góp phần vào cảnh báo và giảm nhẹ thiên tai do lũ lụt gây ra.

Một phần của tài liệu Phân tích, đánh giá vai trò của một số nhân tố chính đối với úng lụt vùng hạ lưu lưu vực sông Cả (Trang 26 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)