Lựa chọn phương pháp nghiên cứu

Một phần của tài liệu Phân tích, đánh giá vai trò của một số nhân tố chính đối với úng lụt vùng hạ lưu lưu vực sông Cả (Trang 81 - 83)

Để giải quyết mục tiêu đặt ra của Luận án, một số phương pháp sau được sử dụng: Phương pháp kế thừa, phương pháp thống kê, phương pháp điều tra vết lũ và phương pháp mô hình toán.

Phương pháp kế thừa: Luận án đã kế thừa số liệu khí tượng thuỷ văn, địa hình, vết lũ, kết quả tính toán từ một số công trình nghiên cứu về úng lụt trên sông Cả.

Phương pháp thống kê: Luận án đã sử dụng phương pháp này để tính toán các đặc trưng lớn nhất, nhỏ nhất, trung bình, tần suất xuất hiện của một số đại lượng như: mưa, mực nước, lưu lượng nước.

Phương pháp mô hình toán kết hợp cùng phương pháp điều tra vết lũ được sử dụng để xác định úng lụt một cách hiệu quả nhất. Do vùng nghiên cứu của Luận án không lớn và đã có mạng lưới đo đạc thuỷ văn dày nên Luận án đã không sử dụng phương pháp ảnh viễn thám. Đối với một số vùng không có số liệu thuỷ văn, Luận án đã sử dụng phương pháp điều tra vết lũ để nâng cao chất lượng của mô hình mô phỏng.

Hiện nay, có rất nhiều mô hình toán có thể biểu diễn được mối quan hệ mưa - dòng chảy; diễn toán lũ trong kênh, rạch, sông, hồ; diễn toán ngập lụt bãi sông, vùng trũng ven sông như đã trình bày trong Chương 1. Mô hình mưa rào – dòng chảy được sử dụng để đánh giá vai trò của nhân tố: nội sinh như địa hình, địa chất, thổ nhưỡng, thảm phủ thực vật; ngoại sinh như mưa. Mô hình thủy lực 1D được sử dụng để đánh giá vai trò của các nhân tố: nội sinh như địa hình, mạng lưới sông suối; ngoại sinh như lũ từ thượng nguồn đổ về, nước biển dâng do bão; nhân sinh như hệ thống hồ chứa. Mô hình thủy lực 2D được sử dụng để đánh giá vai trò của các nhân tố: nội sinh như địa hình; nhân sinh như sự đô thị hóa, hệ thống đê chống lũ, các công trình giao thông, thủy lợi (cầu, kè, đường).

Một số nhân tố có biến đổi rất ít theo thời gian, không được đưa vào đánh giá vai trò đối với úng lụt như: địa hình, địa chất, thổ nhưỡng, mạng lưới sông suối, sự đô thị hoá, hệ thống đê chống lũ, các công trình giao thông...Luận án này sẽ đi sâu vào đánh giá tác động của một số nhân tố có nguồn gốc KTTV như: Mưa, lũ từ thượng nguồn đổ về, hồ chứa và nước biển dâng do bão.

Những phân tích trên đây là cơ sở khoa học định hướng và giới hạn cho nghiên cứu của Luận án (Hình 2.15).

Hình 2.15: Sơ đồ nghiên cứu Luận án

Trong khuôn khổ của Luận án, tác giả đã chọn các mô đun thủy văn, thủy lực trong bộ mô hình MIKE làm công cụ tính toán úng lụt cho lưu vực sông Cả. Sau đây sẽ lần lượt giới thiệu các mô hình con thuộc bộ mô hình MIKE.

Một phần của tài liệu Phân tích, đánh giá vai trò của một số nhân tố chính đối với úng lụt vùng hạ lưu lưu vực sông Cả (Trang 81 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)