III.CÁC VẤN ĐỀ QUỐC TẾ
BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn làm việc bình thường
TTXVN (Yonhap) - Ngày 28/4, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul cho biết truyền thông nước này vẫn thường xuyên đưa tin về các hoạt động của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy ông vẫn đang giải quyết các vấn đề quốc gia một cách bình thường giữa những đồn đoán liên tục về tình hình sức khỏe của nhà lãnh đạo này.
Phát biểu trước các quan chức trong chính quyền, ông Kim Yeon-chul nêu rõ: "Truyền thông Triều Tiên đã tập trung đưa tin về các hoạt động của Chủ tịch Kim từ khi ông ấy tham dự hội nghị của Bộ Chính trị, ám chỉ việc nhà lãnh đạo vẫn đang giải quyết các vấn đề của đất nước một cách bình thường".
Những đồn đoán xoay quanh tình hình sức khỏe của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã xuất hiện sau khi ông hủy bỏ chuyến thăm thường niên đến Cung điện Mặt Trời hôm 15/4 nhân dịp kỉ niệm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và cũng là ông nội của ông Kim Jong-un. Do đó, những nguồn tin không xác thực đã suy đoán rằng ông Kim đang rơi vào "tình trạng nguy kịch" sau khi phẫu thuật nhưng các quan chức Hàn Quốc đã nhiều lần bác bỏ những lập luận trên và khẳng định họ không phát hiện động thái bất thường nào từ phía Triều Tiên.
Về ứng cử viên kế vị Kim Jong-un
TTXVN (Foxnews.com, AFP) - Tin tức về khả năng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang ốm nặng đã lan rộng trên khắp thế giới từ đầu tuần trước, đồng thời làm dấy lên không ít đồn đoán về các kịch bản liên quan đến người kế vị, đặc biệt là khi 3 người con của nhà lãnh đạo này vẫn còn quá nhỏ và chưa sẵn sàng để lãnh đạo đất nước.
Theo Fox News, rất có thể chế độ cầm quyền của nhà họ Kim sẽ thuộc về Kim Yo- jong, em gái ruột của Kim Jong-un. Trang mạng này bình luận: “Yo-jong có thể không có sự kỳ quái hay phong cách đặc trưng như 3 thế hệ cầm quyền trong gia đình, song cô ấy cũng là một người đầy bí ẩn giống như anh trai mình và có xu hướng không kiêng dè các đối thủ chính trị…Phần lớn những thông tin về người phụ nữ này vẫn mang tính kỳ bí”.
Không rõ Yo-jong thực sự bao nhiêu tuổi, song về cơ bản cô được cho là khoảng trên dưới 30 tuổi, kém Kim Jong-un vài tuổi. Yo-jong hiếm khi trở thành tâm điểm dư luận, và mãi đến tháng trước cô mới lần đầu tiên đưa ra một tuyên bố công khai, trong đó chỉ trích Hàn Quốc về việc phản đối cuộc tuần hành quân sự tại nước láng giềng phía Bắc. Tuy nhiên, Yo-jong vẫn duy trì sự năng động ở hậu trường đủ để người ta hình dung rằng cô sẽ cầm quyền với “một nắm đấm thép” khi cần thiết. Kim Yo-jong hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban Tuyên truyền và Cổ động của Đảng Lao động Triều Tiên (WPK). Cô được bổ nhiệm làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị của WPK ngày 11/4, từ đó, giúp củng cố vị trí nhân vật số 2 trong đảng. Một nhà phân tích khẳng định cơ hội Kim Yo-jong kế vị quyền lực “lên đến 90%”.
Cũng giống như nhiều quan chức Triều Tiên khác, Kim Yo-jong có tên trong danh sách đen của Bộ Tài chính Mỹ từ năm 2017 vì “những hành vi lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng”. Yo-jong được biết đến là người thúc đẩy bộ máy tuyên truyền mạnh mẽ của Triều Tiên và theo Bộ Tài chính Mỹ, người phụ nữ này là một trong số các quan chức tham gia tiến trình “xây dựng các chính sách kiểm duyệt gắt gao, tạo vỏ bọc hoàn hảo cho những hành vi đàn áp và vô nhân tính”.
Kim Yo-jong thường xuyên xuất hiện cạnh anh trai trong các sự kiện công khai, đóng vai trò then chốt trong mối quan hệ giữa Triều Tiên với Washington cũng như Hàn Quốc, và thậm chí còn được giới truyền thông ví như “Ivanka Trump của Triều Tiên”. Khoảnh khắc nổi bật nhất của Yo-jong là tại Thế vận hội mùa Đông 2018 tại Hàn Quốc, nơi cô đại diện cho miền Bắc và xuất hiện cạnh Tổng thống Moon Jae-in.
Theo trang mạng North Korea Leadership Watch (Theo dõi Lãnh đạo Triều Tiên), vào cuối những năm 90 của thế kỷ XX, Kim Yo-jong từng theo học tại một trường tiểu học ở Berne (Thụy Sĩ) cùng Kim Jong-un. Cả hai sống tại một căn nhà riêng cùng các phụ tá và vệ sĩ. Không có nhiều thông tin về Kim Yo-jong trong khoảng thời gian cô sống tại Thụy Sĩ cho đến năm 2007, khi cô bắt đầu đóng một vai trò quan trọng trong Đảng Lao động Triều Tiên, ngoại trừ những nguồn tin nói rằng cô rất được cha mình là Kim Jong-il ưu ái. Michael Madden, cố vấn của chính phủ Mỹ, phụ trách trang mạng North Korea Leadership Watch, bình luận: “Cô ấy ngày càng trở nên nghiêm túc hơn. Trong những đoạn băng ghi hình Yo-jong chào đón khách mời, cô ấy thường mỉm cười, trông giống một người phụ nữ trẻ đầy thân thiện, nhưng khi ra khỏi đó, nụ cười ấy sẽ vụt tắt và Yo-jong thậm chí trông còn khá giống Kim Jong-il”.
Tờ Nikkei Asia Review cũng cho rằng do tầm quan trọng của mối quan hệ huyết thống trong gia đình nên quyền lực có thể sẽ được chuyển giao cho Kim Yo-jong trong tình huống khẩn cấp.
Hãng tin Yonhap News dẫn nguồn tin từ một quan chức cấp cao của Hàn Quốc cho biết, có thông tin cho rằng ông Kim đang ở một tỉnh khác ngoài Bình Nhưỡng cùng với các phụ tá thân cận. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Yoon Sang-hyun nói rằng cảnh sát mật của Triều Tiên đã phong tỏa hoàn toàn thủ đô Bình Nhưỡng một vài ngày trước đó và nhận định có rất nhiều dấu hiệu về tình hình bất thường liên quan tới Kim Jong-un.
Andrei Lankov, Giám đốc Tổ chức Rủi ro Triều Tiên cho rằng các đồn đoán về Kim Jong-un có thể đều đã được “thêm mắm, thêm muối”, song chắc chắn sự biến mất của Kim là bất thường. Ông nói: “Vì một số lý do nào đó, ông ấy có thể không thực sự đủ khả năng xuất hiện trước công chúng”.
Em gái Kim Jong-un có khả năng kế nhiệm anh trai?
TTXVN (La Croix) - Những tin đồn ngày càng nhiều về tình trạng sức khỏe của nhà lãnh đạo Triều Tiên và vấn đề kế nhiệm đang được đặt ra.
Ngay từ ngày 23/4/2020, khi các thông tin về sức khỏe của nhà lãnh đạo Kim Jong- un mới xuất hiện trên báo chí Mỹ và Hàn Quốc, nhật báo Công giáo La Croix (Pháp) đã đặt ngay câu hỏi “Ai có thể kế nhiệm Kim Jong-un?” và cho rằng hiển nhiên đó là cô em gái 33 tuổi Kim Yo-jong của đương kim lãnh đạo Triều Tiên. Khả năng này ngày càng được nhiều quan sát viên đưa ra. Điều mà tất cả các quan sát viên nghiêm túc ghi nhận cho đến lúc này là việc xác minh các thông tin trong một chế độ nổi tiếng là khép kín như Triều Tiên là một điều bất khả thi .
Nếu Kim Jong-un không thể tiếp tục lãnh đạo Triều Tiên, ai là người có thể lên thay. Trả lời câu hỏi này, chuyên gia Morillot khẳng định rằng người đầu tiên mà bà nghĩ đến là Kim Yo-jong, em gái của đương kim lãnh đạo.
La Croix cũng nhắc lại một thông tin của tờ Yomiuri Shinbun (Nhật Bản), ngày 22/4, theo đó Kim Yo-jong dường như đã được Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên chính thức đề cử là người thừa kế từ tháng 12/2019. Thế nhưng, tờ báo không cho biết thêm chi tiết.
Tại Triều Tiên, tiêu chí huyết thống là tối quan trọng
Hai yếu tố tuổi tác và giới tính có thể bất lợi cho Kim Yo-jong nhưng theo La Croix, ở Triều Tiên, tính chính đáng về dòng họ quan trọng hơn cả.
Aidan Foster-Carter, thuộc hãng tin NK News chuyên về Triều Tiên, phân tích: “Trong tình hình khẩn cấp và khi mà Kim Jong-un muốn chế độ tiếp tục tồn tại, Kim Yo-jong là bảo đảm tốt nhất”.
Nhân vật trước đây ở trong bóng tối đã xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng nhân đám tang của người cha Kim Jong-il vào tháng 12/2011 và đã nổi bật trước truyền thông thế giới nhân cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất năm 2018 ở Singapore.
Chuyên gia Juliette Morillot tiết lộ thêm, Kim Jong-un đã dựa vào em gái từ khi lên nắm quyền và cũng đã chuẩn bị cho cô nắm những chức vụ cao nhất trong guồng máy lãnh đạo. Khả năng Kim Yo-jong lên nắm quyền tại Bình Nhưỡng cũng được báo giới Đài Loan
nêu bật. Tuy nhiên, trang tin Taiwan News ngày 23/4 cho biết là nhiều chuyên gia đã loại trừ khả năng một phụ nữ lên lãnh đạo một đất nước Cộng sản do nam giới thống trị và có truyền thống Nho giáo mạnh mẽ.
Kim Yo-jong đã được “dọn đường” để lên làm lãnh đạo
Thế nhưng, cũng có nhiều chuyên gia khác ghi nhận nhiều dấu hiệu cho thấy là người phụ nữ mới 32 tuổi trong triều đại nhà Kim đã được dọn đường để trở thành một nhà lãnh đạo tương lai.
Nhật báo Hàn Quốc Dong A Ilbo ngày 17/4 cũng ghi nhận khả năng Kim Yo-jong lên kế nhiệm Kim Jong-un, trong lúc hãng tin Reuters ngày 26/4 đã trích lời một nhà nghiên cứu tại Seoul cho rằng ngay cả khi “đế chế họ Kim” tôn trọng chế độ cha truyền con nối, thì trong trường hợp Kim Jong-un chết sớm, và một trong hai người con lên kế vị, Kim Yo-jong vẫn sẽ có một khoảng thời gian dài làm “nhiếp chính”.
TRUNG – MỸ
Con đường dẫn D.Trump tới chiến thắng có thể lại đi qua "ngả" Trung Quốc?
Theo realclearpolitics.com, những ngày này, những người theo dõi tin tức có thể dễ dàng được cảm thông do “mệt mỏi vì tin tức về đại dịch”. Con số ca tử vong, công việc vất vả của những người ở tuyến trước, sự gián đoạn lớn trong trong cuộc sống hàng ngày - những điều này không chỉ là câu chuyện chính, mà là câu chuyện duy nhất trên truyền hình cũng như trên các phương tiện truyền thông trực tuyến.
Sự thật - có thể đang bị che khuất bởi nỗi ám ảnh hiện tại của chúng ta đối với tất cả mọi thứ liên quan đến Corona - là đến một ngày gần đây công chúng sẽ không còn chú ý đến đại dịch và hướng tới các chủ đề quan trọng khác. Tất nhiên, một trong số đó sẽ là trận chiến gay cấn giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, giữa Tổng thống Trump và Joe Biden. Tuy nhiên khi cuộc đối đầu đó diễn ra, vẫn chưa rõ hai bên sẽ đấu với nhau về chủ đề gì.
Mặc dù có thể thú vị khi mường tượng rằng việc tái đắc cử của Tổng thống Trump phụ thuộc vào đánh giá của công chúng về khả năng xử lý đại dịch COVID-19 và mức độ phục hồi của quốc gia sau cuộc suy thoái liên quan đến virus corona, một chủ đề quan trọng khác có thể nên lưu ý: Trung Quốc.
Mọi người đều biết rằng Tổng thống Trump đổ lỗi phần lớn cho Trung Quốc gây ra đại dịch toàn cầu này, và cụ thể hơn là phản ứng chậm chạp lúc đầu của họ trước sự bùng phát dịch bệnh và việc không chia sẻ thông tin về bệnh dịch này với các nước khác trên thế giới. Trung Quốc đã cố gắng cho thế giới thấy hình ảnh họ vẫn “hoạt động như bình thường”, và cái giá phải trả là hàng trăm nghìn người tử vong do COVID-19, ngay cả trong những tình huống lạc quan nhất.
Con số hàng trăm nghìn người đó có thể dễ dàng trở thành hàng triệu người, nếu các nhà lãnh đạo phương Tây, bao gồm cả Tổng thống Trump, đã không hành động dứt khoát để ngừng các chuyến nhập-xuất cảnh từ Trung Quốc hồi tháng 1 và tháng 2. Trong khi đó, Trung Quốc đã chuyển hướng đổ lỗi, thậm chí nuôi dưỡng các thuyết âm mưu mô tả virus này là một vũ khí sinh học của Mỹ.
Tại Mỹ, khả năng tiếp thu của người tác động đến dư luận đối với câu chuyện Trung Quốclà để đổ lỗi phần lớn theo khuynh hướng đảng phái. Những người hâm mộ đảng Cộng hòa và Trump không ngần ngại chĩa mũi dùi vào Trung Quốc và các đồng minh của nước này trong WHO, trong khi phe Dân chủ và những người ghét Trump thường bào chữa cho Trung Quốc và nhạo báng Trump là “tổng tư lệnh gây ô nhiễm”.
Tuy nhiên, về mức độ trái ngược nhau giữa dư luận công chúng và ý kiến của giới tinh hoa, một cuộc thăm dò gần đây của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy thái độ đối với Trung Quốc đã trở nên ngày càng tiêu cực hơn nhiều trong mọi lĩnh vực. Ngay cả các thành viên đảng Dân chủ bình thường cũng coi Trung Quốc là một diễn viên tồi trong thảm kịch COVID-19 toàn cầu. Nói tóm lại, 72% đảng Cộng hòa có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc, trong khi tỷ lệ này ở đảng Dân chủ là 62%. Vì sự hoài nghi đối với Chính phủ Trung Quốc là một trong số ít vấn đề mà đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ có thể tìm thấy điểm chung, chúng ta có thể đặt câu hỏi một cách hợp lý: liệu "chủ nghĩa bài Trung Quốc" có thể trở thành một chủ đề quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống hay không?
Có thể cho rằng, do cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump với Trung Quốc, siêu cường cộng sản này đã bị coi là vấn đề bất đồng chính giữa Trump và đối thủ chính thức của ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng 2020. Vì đảng Dân chủ và các đồng minh truyền thông của họ thường chỉ trích những tuyên bố và các chính sách thương mại chống Trung Quốc của Trump, và vì các mối quan hệ gây tranh cãi của Biden với Trung Quốc thông qua con trai ông là Hunter Biden xuất hiện như những "lỗ hổng" tiềm năng, nên chưa bao giờ có bất cứ nghi ngờ nào về việc Trung Quốc sẽ là vấn đề hàng đầu và trung tâm của tháng 11 tới. Vai trò của Trung Quốc như là nguồn gốc của đại dịch chết người hiện nay chỉ càng làm tăng sự đặt cược rằng Trung Quốc sẽ là một trong những mối quan tâm chính của cử tri.
Việc Tổng thống Trump lên án mạnh mẽ cách Trung Quốc xử lý sai lầm dịch bệnh virus corona, cùng với "tiếng tăm" của đảng Dân chủ là những người ủng hộ lợi ích của Trung Quốc và bảo vệ Bắc Kinh, đã đưa đến cho Trump và Đảng Cộng hòa một cơ hội quan trọng.
Thay vì tham gia cuộc đua tháng 11 tới để minh oan cho sự lãnh đạo của Trump, mà đối với nhiều người Mỹ là một người không đủ khả năng, phe Cộng hòa lại có thể chạy đua để chống Trung Quốc và lập luận rằng phe Dân chủ đang hàm ơn Chính phủ Trung Quốc và không thể chỉ trích Bắc Kinh.