COVID-19 TÁC ĐỘNG ĐẾN THẾ GIỚI Ba kịch bản tồi tệ thời hậu COVID-

Một phần của tài liệu ATK078 (Trang 29 - 32)

III.CÁC VẤN ĐỀ QUỐC TẾ

COVID-19 TÁC ĐỘNG ĐẾN THẾ GIỚI Ba kịch bản tồi tệ thời hậu COVID-

Ba kịch bản tồi tệ thời hậu COVID-19

TTXVN (scmp.com) - Theo nhà bình luận Irvin Studin của tờ South China Morning Post, cho dù hy vọng thế nào chăng nữa, chắc chắn 3 cường quốc thế giới là Mỹ, Nga và Trung Quốc sẽ không thể hợp cùng nhau sau cuộc khủng hoảng dịch COVID-19. Đây là biểu hiện của sự hoài nghi sâu sắc lẫn nhau và khác biệt về ý thức hệ giữa các nhà lãnh đạo của Washington, Bắc Kinh và Moskva.

Có thể các nhà lãnh đạo của Anh, Canada, Pháp, Đức, Ấn Độ hay Nhật Bản sẽ “nhảy” vào để cứu giúp thế giới, nhưng đó chỉ là một phần cứu trợ rất nhỏ trong tổng thể, nếu xét tới khoảng cách lớn về quy mô và năng lực giữa các cường quốc hạng hai và “3 ông lớn”. Như vậy, các kịch bản tồi tệ nhất sẽ là gì nếu đến cuối năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin - hay những người kế nhiệm họ - không thể trở nên “tâm đầu ý hợp”? Câu trả lời ở đây là có 3 kịch bản, tất cả đều rất tồi tệ và khủng khiếp như nhau.

Kịch bản thứ nhất: Hậu quả có thể xảy ra nhất và trong tương lai gần nhất của mối bất hòa 3 bên này sẽ là cuộc tranh giành ngày càng gia tăng về quyền điều tiết giữa một bên là không gian thương mại do Mỹ lãnh đạo và một bên là không gian thương mại do Trung Quốc lãnh đạo, trong bối cảnh Nga - đến nay là “người chơi” yếu nhất - đang ngả về các không gian của Trung Quốc và đang tìm cách áp đặt quyền kiểm soát lập quy tại ít nhất 12 trong số 15 quốc gia thuộc Liên Xô trước đây. Quyền điều tiết tại một vùng lãnh thổ nhất định sẽ tương tự như một chiến thắng về quân sự - giành được, kiểm soát được hay thôn tính vùng lãnh thổ trong cuộc chiến tranh thông thường. Ai sẽ là người đặt ra các luật lệ kinh tế cho Trung Đông và phần lớn khu vực châu Phi? Liệu không gian tại châu Âu có tan rã dưới sức ép hay không? Ai sẽ giành phần thưởng lớn nhất: quyền điều tiết thị trường Đông Nam Á với 600 triệu dân? Kết quả dễ xảy ra nhất sẽ là sự pha trộn các cơ chế lập quy, khiến các quốc gia, công ty và người dân khó có thể định hướng và đàm phán xuyên biên giới. Đây không phải là một công thức tốt cho tăng trưởng toàn cầu.

Kịch bản thứ hai: có thể trong trung hạn là một (hoặc nhiều hơn) trong số các nước lớn đó sẽ gặp bất ổn nghiêm trọng trên mặt trận đối nội. Nga là “ứng cử viên hàng đầu” cho vị trí đó, không phải chỉ bởi sự thiếu vắng các sắp xếp kế nhiệm rõ ràng tại Moskva, mà còn do sự sụt giảm giá dầu và nguồn thu, và sức ép ngày một gia tăng đối với nguồn lực tài chính của nước này để tiếp sinh lực cho nền kinh tế vốn rất “xanh xao” với vùng lãnh thổ mênh mông và dân số lớn. Sự bất ổn sâu sắc của Nga sẽ gây ảnh hưởng tới châu Âu, Trung Đông và toàn bộ châu Á.

Mỹ là “ứng cử viên” thứ hai cho vị trí bất ổn đó. Liệu Mỹ có sụp đổ trong vòng 1-2 năm tới? Mặc dù điều này khó có thể xảy ra, nhưng sự cực đoan hóa ngày một gia tăng giữa hai đảng phái chính trị, và giữa các bang theo phe Dân chủ và phe Cộng hòa, có thể dễ dàng dẫn tới gia tăng bạo lực chính trị, hoạt động của lực lượng dân quân và dần tước quyền hợp pháp của chính quyền trung ương. Các thể chế công, cùng chủ nghĩa cực đoan về ý thức hệ sẽ dễ dàng lan ra các nước láng giềng như Canada, Mexico và vùng Caribe.

Đến nay, Trung Quốc khó có thể rơi vào con đường bất ổn nội bộ hơn, nhưng sức ép với Bắc Kinh từ tình trạng bất ổn nội bộ tại các nước láng giềng như Triều Tiên sẽ là rất khủng khiếp.

Kịch bản thảm họa thứ 3: Điều này dẫn chúng ta tới chiến tranh - cho dù mang tính trực tiếp hay gián tiếp, chủ tâm hay vô tình, theo cách truyền thống hay phi truyền thống. Đây là kịch bản khó có thể xảy ra nhất trong tương lai, nhưng rõ ràng nó gây tác động thảm khốc nhất. Khó có thể Mỹ, Trung Quốc hay Nga sẽ chủ tâm đối đầu nhau, nhưng khả

năng này cũng nên bị bác bỏ trong trường hợp xuất hiện một mối đe dọa chính trị đố với bất kỳ ai trong số các nhà lãnh đạo đó.

Tình huống chiến tranh vô tình xảy ra có khả năng dễ xảy ra hơn, có thể do sự phán đoán sai lầm về một cuộc tấn công, hay do sự tính toán sai lầm về bản chất các cuộc xung đột và căng thẳng tại Đông Âu, Trung Đông hay Biển Đông. Cuộc chiến ủy nhiệm có khả năng xảy ra hơn cuộc chiến trực tiếp. Cuộc chiến trực tiếp sẽ là cuộc đối đầu mang tính toàn thể, gây thiệt hại gần như tới tất cả các bên. Đó là những lý do khiến các nước lớn cần ngồi lại cùng nhau ngay lập tức, một cách đều đặn và cân nhắc kỹ lưỡng mục tiêu của mình.

Hồi chuông cảnh tỉnh các hệ thống bảo vệ xã hội

TTXVN (Moderndiplomacy.eu) - Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tuyên bố rằng các chính phủ, cùng với các đối tác xã hội và các bên liên quan khác cần coi cuộc khủng hoảng COVID-19 là một hồi chuông cảnh tỉnh để tăng cường các hệ thống bảo vệ xã hội.

Một phân tích cho thấy các nước sở hữu hệ thống y tế và bảo vệ xã hội hữu hiệu đang được trang bị tốt hơn để bảo vệ người dân trước những mối đe dọa liên quan tới phương kế sinh nhai của họ do COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, các nước thiếu hệ thống y tế và bảo vệ xã hội vững mạnh sẽ cần phát triển các chính sách và các biện pháp can thiệp không theo thể thức, theo đó có khả năng dẫn đến phản ứng bị hạn chế và chậm trễ.

Shahra Razavi, người phụ trách Ban Bảo vệ xã hội thuộc ILO, nói: “Dịch bệnh này đã phơi bày những khoảng trống nghiêm trọng trong các hệ thống bảo vệ xã hội trên khắp thế giới, đặc biệt đối với một số nhóm công nhân, như những công nhân làm việc bán thời gian, công nhân tạm thời và công nhân làm tư, nhiều người trong số họ thuộc nền kinh tế phi chính thức. Bảo vệ xã hội phải được coi là sự đầu tư chứ không phải chi phí bổ sung. Bảo vệ xã hội đóng vai trò quan trọng như một bước đệm xã hội và yếu tố bình ổn kinh tế”.

Báo cáo cho biết ngoài việc gây ra tổn thất tính mạng bi thảm, dịch bệnh này nhiều khả năng còn làm gia tăng tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng, cùng với những tác động đặc biệt nghiêm trọng đối với người già, người tàn tật và mắc bệnh mãn tính, các công nhân di cư và những người bị buộc phải di tản.

Hiện nhiều nước đã thực thi các biện pháp chính sách bảo vệ xã hội quốc gia trước cuộc khủng hoảng COVID-19 này, trong đó tập trung giải quyết một loạt lĩnh vực. Các nước đã tăng mức tiền trợ cấp từ hệ thống thuế chung cho các công nhân không được hưởng các quyền lợi khác; tận dụng các kế hoạch bảo vệ thất nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp giữ lại các công nhân thông qua các kế hoạch làm việc ngắn hạn, cấp trợ cấp thất nghiệp cho các công nhân mất việc làm, trong đó gồm những người không đủ tư cách để nhận bảo hiểm thất nghiệp và cấp hỗ trợ thu nhập cho các hộ gia đình. Các nước khác trợ cấp dưới hình thức sản phẩm hoặc dịch vụ như các mặt hàng lương thực hay các bữa ăn hoặc chuyển khoản tiền mặt để đảm bảo có được lương thực.

Từ ngày 1-17/4 vừa qua, 108 nước và vùng lãnh thổ đã thông báo ít nhất 548 biện pháp bảo vệ xã hội nhằm giảm bớt tác động gây tổn hại từ thất nghiệp và sinh kế. Khoảng 1/5 (19,3 %) liên quan đến tiền trợ cấp xã hội đặc biệt, tiếp theo là các biện pháp liên quan đến bảo vệ thất nghiệp (15,7%), y tế (9,5 %) và phân phát lương thực (9,1 %). Hơn 2/3 nước tại châu Âu và Trung Á thực thi các biện pháp bảo vệ xã hội ứng phó với dịch bệnh, trong khi hơn một nửa nước tại châu Mỹ và gần một nửa các nước tại châu Á cũng triển khai các biện pháp này. Còn tại châu Phi, hơn 1/3 nước đã áp dụng các biện pháp bảo vệ xã hội và khoảng 1/3 các nước Arab cũng thực thi điều tương tự.

Báo cáo trên chỉ ra rằng hệ thống y tế và xã hội thiếu hụt không chỉ khiến các nước đó mà cả cộng đồng quốc tế quan ngại. Trong những trường hợp đó, các nước cần đề nghị sự hỗ trợ quốc tế khẩn cấp để họ có thể đưa ra các biện pháp khẩn cấp nhằm tăng cường năng lực của các hệ thống y tế và xã hội, bao gồm đảm bảo tiếp cận y tế và hỗ trợ thu nhập.

Một phần của tài liệu ATK078 (Trang 29 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(34 trang)
w