6. Cấu trúc đề tài
2.2.2. Nguyên nhân chủ quan
Thứ nhất, pháp luật dân sự (BLDS 2015) nói chung và pháp luật chuyên ngành nói riêng chưa có các quy định cụ thể các biện pháp, phương thức để bảo vệ quyền nhân thân trong lĩnh vực HNGĐ. Các quyền này chỉ mới được liệt kê tại Điều 39 BLDS 2015 mà chưa đề cập tới vấn đề bảo vệ các quyền riêng biệt một cách cụ thể, cơ bản nhất. Hơn thế nữa, Luật HNGĐ 2014 hay các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn chưa có các quy định để điều chỉnh về vấn đề nêu trên. Bởi vậy, khi xảy ra các trường hợp bị xâm phạm về quyền thì các chủ thể chỉ có thể dựa vào quy định chung về bảo vệ các quyền dân sự. Để đảm bảo hiệu quả trong việc bảo vệ quyền nhân thân trong lĩnh vực HNGĐ, đảm bảo công bằng xã hội thì yêu cầu cấp thiết là phải xây dựng được các quy định điều chỉnh về nội dung, phương thức, trình tự thủ tục bảo quyền nhân thân của cá nhân trong lĩnh vực HNGĐ.
Thứ hai, do nhận thức pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế. Những năm qua, nền dân trí ngày càng được nâng cao, các đòi hỏi về bảo vệ quyền lợi
chính đáng của các chủ thể rất được quan tâm. Tuy nhiên, tại các vùng nông thôn hay các vùng núi, các địa bàn có điều kiện khó khăn thì việc tự cải chính hay yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền can thiệp để bảo vệ các quyền nhân thân trong lĩnh vực HNGĐ là điều vô cùng khó khăn. Bởi các cá nhân đã có những suy nghĩ ăn sâu tiềm thức là tự giải quyết để tránh vướng vào sự rườm rà của pháp luật. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về HNGĐ ở nhiều địa phương vẫn chưa sâu rộng, không thường xuyên, hiệu quả còn thấp. Cho nên, dù các quyền và lợi ích chính đáng của mình bị xâm phạm thì chính họ cũng không nhận thức được, nên việc bảo vệ quyền vẫn còn là một vấn đề xa vời. Vì vậy, cốt lõi của vấn đề là phải đưa pháp luật đi sâu hơn vào đời sống, là một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân.
Thứ ba, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền nhân thân trong lĩnh vực HNGĐ còn nhiều bất cập, thuộc thẩm quyền của nhiều Bộ, ngành khác nhau nhưng chưa tạo ra tính thống nhất và hỗ trợ nhau trong hoạt động. Hơn nữa, đội ngũ cán bộ, công chức có chuyên môn về quyền nhân thân trong lĩnh vực HNGĐ tại các cơ quan tư pháp và hành chính vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực công tác. Công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ mặc dù đã được quan tâm nhưng vẫn chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới. Tòa Hôn nhân và gia đình - Tòa chuyên trách về giải quyết các vụ việc trong lĩnh vưc HNGĐ tại một số tòa án vừa mới được thành lập theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án 2014 còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm trong giải quyết các vụ việc nên hiệu quả vẫn chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của xã hội. Đồng thời các cơ quan này còn gặp nhiều khó khăn về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, trụ sở làm việc... trong khi các tranh chấp về quyền nhân thân trong lĩnh vực HNGĐ ngày càng tăng lên về số lượng và phức tạp về tính chất tranh chấp.