Các đặc trưng của văn hóa kinhdoanh

Một phần của tài liệu Bài giảng Văn hóa kinh doanh: Phần 1 (Trang 25 - 30)

Văn hóa kinh doanh, là văn hóa của một lĩnh vực đặc thù trong xã hội, văn hóa kinh doanh là một bộ phận trong nền văn hóa dân tộc, văn hóa xã hội. Vì thế nó cũng mang những đặc điểm chung của văn hóa như:

21

- Tính tập quán

Hệ thống các giá trị của văn hóa kinh doanh sẽ quy định những hành vi được chấp nhận hay không được chấp nhận trong một hoạt động hay môi trường kinh doanh cụ thể. Có những tập quán kinh doanh đẹp tồn tại như một sự khẳng định những nét độc đáo đó là tập quán chăm lo đến đời sống riêng tư của người lao động trong các doanh nghiệp Nhật Bản, tập quán cung cấp các dịch vụ sau bán hàng cho khách của các doanh nghiệp hiện đại… Tuy nhiên, cũng có những tập quán không dễ gì cảm thông ngay như tập quán đàm phán và ký kết hợp đồng trên bàn tiệc của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam.

- Tính cộng đồng

Kinh doanh bao gồm một hệ thống các hoạt động có tính chất đặc trưng với mục tiêu là lợi nhuận của chủ và các nhu cầu được đáp ứng của khách, kinh doanh không thể tồn tại do chính bản thân nó mà phải dựa vào sự tạo dựng, tác động qua lại và củng cố của mọi thành viên tham gia trong quá trình hoạt động. Do đó, văn hóa kinh doanh – thuộc tính vốn có của kinh doanh – sẽ là sự quy ước chung cho các thành viên trong cộng đồng kinh doanh. Văn hóa kinh doanh bao gồm những giá trị, những lề thói, những tập tục… mà các thành viên trong cộng đồng cùng tuân theo một cách rất tự nhiên, không cần phải ép buộc. Nếu một người nào đó làm khác đi sẽ bị cộng đồng lên án hoặc xa lánh tuy rằng xét về mặt pháp lý những việc làm đó không trái pháp luật.

- Tính dân tộc

Tính dân tộc là một đặc trưng tất yếu của văn hóa kinh doanh, vì bản thân văn hóa kinh doanh là một tiểu văn hóa nằm trong văn hóa dân tộc và mỗi chủ thể kinh doanh đều thuộc về một dân tộc cụ thể với một phần nhân cách tuân theo các giá trị của văn hóa dân tộc. Khi các giá trị của văn hóa dân tộc được thẩm thấu vào tất cả các hoạt động kinh doanh sẽ tạo nên nếp suy nghĩ và cảm nhận chung của những người làm kinh doanh trong cùng một dân tộc. Ví dụ như do ảnh hưởng của sự đề cao thứ bậc trong xã hội, nên trong giao tiếp kinh doanh ở Việt Nam thường bị chi phối bởi quan hệ tuổi tác, địa vị. Cùng là đồng nghiệp nhưng có thể xưng hô là chú – cháu, anh – em… Cách xưng hô kiểu “gia đình hóa” này sẽ làm cho không khí của tổ chức trở nên thân mật hơn nhưng lại làm giảm sự tách bạch giữa công việc và quan hệ riêng tư, gây trở ngại cho quá trình quản lý kinh doanh.

- Tính chủ quan

Văn hóa kinh doanh là sự thể hiện quan điểm, phương hướng, chiến lược và cách thức tiến hành kinh doanh của một chủ thể kinh doanh cụ thể. Tính chủ quan của văn hóa kinh doanh được thể hiện thông qua việc các chủ thể khác nhau sẽ có những suy nghĩ, đánh giá khác nhau về cùng một sự việc và hiện tượng kinh doanh. Ví dụ, cùng một hành

22

động khai man để trốn thuế, những người có quan điểm “vị lợi” sẽ đánh giá hành vi này là có thể chấp nhận được vì nó đem lại lợi nhuận cho chủ thể kinh doanh, nhưng những người có quan điểm “đạo đức công lý” sẽ không bao giờ chấp nhận hành vi này vì nó là kết quả của sự lừa lọc và gian trá.

- Tính khách quan

Mặc dù văn hóa kinh doanh là sự thể hiện quan điểm chủ quan của từng chủ thể kinh doanh, nhưng do được hình thành trong cả một quá trình với sự tác động của nhất nhiều nhân tố bên ngoài như xã hội, lịch sử, hội nhập… nên văn hóa kinh doanh tồn tại khách quan ngay cả với chính chủ thể kinh doanh. Có những giá trị của văn hóa kinh doanh buộc chủ thể kinh doanh phải chấp nhận nó chứ không thể biến đổi chúng theo ý muốn chủ quan của mình. Chẳng hạn, quan niệm về tâm lý coi trọng khoa bảng từ thời kỳ phong kiến còn ảnh hưởng nặng nề tới cơ chế sử dụng lao động ở Việt Nam hiện nay. Rất nhiều doanh nghiệp chỉ dựa vào bằng cấp, bảng điểm để tuyển dụng lao động. Thực trạng này khiến cho tâm lý học cao hơn để lấy bằng, để có thu nhập cao hơn là rất phổ biến trong xã hội.

- Tính kế thừa

Cũng giống như văn hóa, văn hóa kinh doanh là sự tích tụ cả tất cả các hoàn cảnh. Trong quá trình kinh doanh, mỗi thế hệ sẽ cộng thêm các đặc trưng riêng biệt của mình vào hệ thống văn hóa kinh doanh trước khi truyền lại cho thế hệ sau. Thời gian qua đi, những cái cũ có thể bị loại trừ nhưng sự sàng lọc và tích tụ qua thời gian sẽ làm cho các giá trị của văn hóa kinh doanh trở nên giàu có, phong phú và tình khiết hơn. Sự hình thành nên phẩm chất của các nhà lãnh đạo công ty Trung Cương – Đài Loan thành lập 02/11/1971 là một ví dụ điển hình cho đặc trưng này của văn hóa kinh doanh. Những ngày đầu thành lập, Triệu Diệu Đông – giám đốc đầu tiên của công ty đã rất bản lĩnh, mạnh mẽ và đầy tinh thần dám làm dám chịu khi lấy trách nhiệm cá nhân của mình trước tổng thống Đài Loan để bảo đảm cho sự hoạt động lớn mạnh của công ty với điều kiện phải giảm bớt sự can thiệp của nhà nước. Sau một thời gian, kết quả đúng như cam kết, Trung Cương đã trở thành một doanh nghiệp nhà nước lớn nhất và thành đạt nhất của Đài Loan trong lĩnh vực sản xuất thép. Kế thừa sau đó là giám đốc Lưu Tằng Thích cũng luôn hoàn thành được sứ mệnh của Trung Cương. Dần dần, bản lĩnh mạnh mẽ, tinh thần dám làm dám chịu trở thành những đặc trưng được kế thừa và không thể thiếu của những người lãnh đạo công ty.

- Tính học hỏi

Có những giá trị của văn hóa kinh doanh không thuộc về văn hóa dân tộc hay văn hóa xã hội và cũng không phải do các nhà lãnh đạo sáng lập ra. Những giá trị đó có thể

23

được hình thành từ kinh nghiệm khi xử lý các vấn đề, từ kết quả của quá trình nghiên cứu thị trường, nghiên cứu đối thủ cạnh tranh, hoặc được tiếp nhận trong quá trình giao lưu với nền văn hóa khác… Tất cả các giá trị nêu đó được tạo nên là bởi tính học hỏi của văn hóa kinh doanh. Như vậy, ngoài những giá tị được kế thừa từ văn hóa dân tộc và xã hội, tính học hỏi sẽ giúp văn hóa kinh doanh có được những giá trị tốt đẹp từ những chủ thể và những nền văn hóa khác. Ví dụ như trào lưu máy tính hóa và sử dụng thư điện tử trong xã hội hiện nay đã tạo nên phong cách làm việc mới của nhiều doanh nghiệp. Các nhân viên có thể trao đổi mọi công việc với đồng nghiệp và đối tác qua thư điện tử và các bản fax, biện pháp này vừa nhanh gọn lại vừa tiết kiệm chi phí. Và kết quả của quá trình đó là nền

“văn hóa điện tử” đang dần hình thành, sử dụng máy tính, hiểu biết về internet trở thành một trong những kỹ năng bắt buộc của nhà kinh doanh.

- Tính tiến hóa

Kinh doanh rất sôi động và luôn luôn thay đổi, do đó, văn hóa kinh doanh với tư cách là bản sắc của chủ thể kinh doanh cũng luôn tự điều chỉnh cho phù hợp với trình độ kinh doanh và tình hình mới. Đặc biệt, trong thời đại hội nhập, việc giao thoa với các sắc thái kinh doanh của các chủ thể khác nhằm trao đổi và tiếp thu các giá trị tiến bộ là điều tất yếu. Ví dụ như tinh thần tập thể của người Việt Nam trong nền kinh tế bao cấp trước đây chịu ảnh hưởng lớn tính địa phương cục bộ, do vậy sự đề bạt hoặc hợp tác kinh tế nhiều khi không chỉ dựa trên năng lực, phẩm chất mà bị tính địa phương chi phối ít nhiều. Tuy nhiên, khi được chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, khi lợi ích bền vững của các chủ thể kinh doanh phụ thuộc vào những quyết định và hành động của họ thì tính địa phương cục bộ sẽ dần bị thủ tiêu, và thay vào đó, kết quả đạt được, năng lực và phẩm chất sẽ là những tiêu chí để đánh giá và lựa chọn.

Tính tập quán, tính cộng đồng, tính dân tộc, tính chủ quan, tính khách quan, tính kế thừa, tính học hỏi và tính tiến hóa là tám đặc trưng của văn hóa kinh doanh với tư cách là một bộ phận của văn hóa dân tộc và văn hóa xã hội. Tuy nhiên, kinh doanh cũng là một hoạt động có những nét khác biệt so với các hoạt động khác như chính trị, pháp luật, gia đình… nên ngoài tám đặc trưng trên, văn hóa kinh doanh có những nét đặc trưng riêng phân biệt với văn hóa các lĩnh vực khác. Điều này được thể hiện rõ nét ở hai đặc trưng sau của văn hóa kinh doanh:

Thứ nhất, văn hóa kinh doanh xuất hiện cùng với sự xuất hiện của thị trường. Nếu như văn hóa nói chung (văn hóa xã hội) ra đời ngay từ thủa bình minh của xã hội loài người thì văn hóa kinh doanh xuất hiện muộn hơn nhiều. Văn hóa kinh doanh chỉ ra đời khi nền sản xuất hàng hóa phát triển đến mức: Kinh doanh trở thành một hoạt động phổ biến và chính thức trở thành một nghề, lúc đó, xã hội sẽ ra đời một tầng lớp mới, đó là các doanh nhân. Chính vì vậy, ở bất kỳ một xã hội nào, khi có hoạt động kinh doanh thì đều

24

có văn hóa kinh doanh, dù các thành viên của xã hội ấy có ý thức được hay không. Và văn hóa kinh doanh được hình thành như một hệ thống những giá trị, những cách cư xử đặc trưng cho các thành viên trong lĩnh vựa kinh doanh.

Thứ hai, văn hóa kinh doanh phải phù hợp với trình độ kinh doanh của chủ thể kinh doanh. Văn hóa kinh doanh là sự thể hiện tài năng, phong cách và thói quen của các nhà kinh doanh, vì vậy nó phải phù hợp với trình độ kinh doanh của nhà kinh doanh đó. Ví dụ như: Quan điểm, thái độ, phong cách làm việc của doanh nhân Việt Nam thời kinh tế nông nghiệp, tự cung, tự cấp chắc chắn sẽ không thể nào quá nhanh nhạy và sắc bén, còn khi đã chuyển sang nền kinh tế thị trường thì tác phong chậm chạp và lề mề của họ lại không thể tồn tại được lâu.

Chúng ta không thể phê phán nền văn hóa của một quốc gia khác là tốt hay xấu, cũng như không thể nhận xét văn hóa kinh doanh của một chủ thể kinh doanh là hay hoặc dở, vì vấn đề ở chỗ văn hóa kinh doanh luôn luôn phù hợp với trình độ phát triển kinh doanh. Do đó, cần học cách chấp nhận và học hỏi văn hóa kinh doanh của các chủ thể khác nhau trên thị trường để có thể hợp tác, hội nhập và phát triển, đặc biệt là trong môi trường toàn cầu hóa hiện nay.

Như vậy, về cơ bản, trình độ phát triển của văn hóa kinh doanh là do sự phát triển của kinh tế hàng hóa quy định. Trong một nền kinh tế hàng hóa đã phát triển – nơi mà ở đó các quan hệ kinh doanh đã đi vào chiều sâu, các chủ thể kinh doanh đã biết thực hiện mục đích tìm kiếm lợi nhuận một cách có văn hóa thì các giá trị tốt đẹp sẽ được thể hiện ngay từ ý thức quan điểm kinh doanh cho đến những tri thức về sự lựa chọn mặt hàng, lựa chọn phương thức hoạt động; từ hình thức, nội dung của quảng cáo cho đến phong cách giao tiếp ứng xử trong mọi mối quan hệ…

Ví dụ: Cách thức kinh doanh kiểu ???

Công ty liên doanh sản xuất gỗ Việt Trung được đặt tại xã Nghĩa Quan, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An để tiện cho việc chuyên chở nguyên liệu từ những khu rừng gần đấy và xuất khẩu thành phẩm bằng đường thủy. Tuy nhiên, không hiểu do vô tình hay cố ý mà từ trụ sở cho đến xưởng sản xuất được đặt chính giữa khu dân cư của xã, hàng ngày tiếng ồn và bụi gỗ từ xưởng làm cho bà con cảm thấy khó thở và khó chịu. Không những thế chất thải của công ty có nồng độ Amoniac gấp 6,5 lần, tạp chất gấp 3 lần cho phép. Những hiệu ứng này đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và cuộc sống hàng ngày của người dân. Vấn đề đặt ra cho cả phía doanh nghiệp không tuân thủ các quy định của pháp luật và phía các cơ quan quản lý nhà nước tại sao lại cho phép hoạt động và cấp đất cho công ty.

25

Một phần của tài liệu Bài giảng Văn hóa kinh doanh: Phần 1 (Trang 25 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)