Tình hình môi trường không khí tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Khoá luận đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường không khí trên địa bàn huyện sóc sơn (Trang 30 - 34)

Việt Nam là một trong những quốc gia đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức liên quan đến vấn đề ô nhiễm và suy thoái môi trường, trong đó vấn đề ô nhiễm không khí đang ở mức đáng báo động. Thời gian qua Bộ TN- MT cùng với UBND các tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được kiểm soát. Nguyên nhân là do khung pháp lý nước ta hiện nay vẫn chưa có văn bản pháp luật đặc thù, chuyên biệt về quản lý và kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. Mặt khác, vẫn còn tồn tại hiện tượng chồng chéo về chức năng nhiệm vụ giữa các bộ, ngành trong quản lý. Nước ta đang phát triển, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa tăng nhanh khiến không khí nước ta ngày càng bị ô nhiễm nhiều hơn, nhất là khu đô thị, khu công nghiệp và các làng nghề. Có thể điểm qua một sốđiểm nổi cộm về ô nhiễm không khí ởnước ta như sau:

Theo Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2013 về không khí vừa được BộTài nguyên và Môi trường công bố, các hoạt động gây ảnh hưởng lớn đến môi trường không khí của Việt Nam phải kểđến là sản xuất công nghiệp, làng nghề, sự gia tăng của phương tiện giao thông cá nhân. Nguyên nhân đầu tiên ảnh hưởng đến chất lượng không khí là các phương tiện cơ giới đường bộ không ngừng gia tăng. Trong đó, tốc độ tăng trưởng các loại ô tô là 12%, xe máy khoảng 15% - cán mốc xấp xỉ 34 triệu chiếc năm 2011. Tốc độ gia tăng cao chủ yếu tập trung ở các phương tiện cơ giới cá nhân trong bối cảnh giao thông công cộng chưa được đầu tư thỏa đáng nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Hà Nội và TP.HCM là 2 địa phương có tốc độ gia tăng phương tiện giao thông đường bộ lớn nhất cả nước. Riêng tại TP HCM, số phương tiện giao thông đã chiếm đến 1/3 cả nước. Đáng lưu ý, ở nước ta, đa số phương tiện giao thông cá nhân sử dụng nhiên liệu chính là xăng và dầu diezen, hiếm dùng nhiên liệu sạch nên áp lực lên môi trường không khí hết sức nặng nề.

Đại diện Bộ TNMT còn chỉ ra thực tế: Trong 15 năm qua, hàng loạt nhà máy thủy điện nhỏ được xây dựng khắp nơi dẫn đến việc phá hủy hàng hoạt diện tích rừng, làm giảm hấp thụ CO2 đáng kể. Chưa kể, 52 nhà máy nhiệt điện chạy than, 2 nhà máy nhiệt điện nguyên tử sẽ được xây dựng theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 xét đến năm 2030 (Quy hoạch Điện VII) cũng gây áp lực không nhỏ đến môi trường không khí.

Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Công Thương, năm 2013, các nhà máy nhiệt điện chạy than cũ như Uông Bí, Ninh Bình, Phả Lại chủ yếu là nhiệt điện ngưng hơi, sử dụng lò hơi tuần hoàn tự nhiên, công suất thấp, không đáp ứng được yêu cầu về môi trường như không áp dụng công nghệ xử lý khói thải, không đạt các chỉ số thông hơi ban đầu như thiết kế. Một đề tài nghiên cứu về tổng lượng chất thải gây ô nhiễm không khí thị xã Uông Bí ước tính: bụi khoảng 2104 tấn/năm, SO2 1251 tấn/năm, NOx 1152 tấn/năm, CO 475 tấn/năm, VOC 120 tấn/năm, Pb 3 tấn/năm.[17]

Với ngành xi măng và thép, Bộ Công Thương cũng đánh giá việc kiểm soát ô nhiễm môi trường của các nhà máy chưa được thực hiện thường xuyên. Nhiều nhà máy xi măng sử dụng các thiết bị xử lý môi trường với hiệu quả thấp. Thậm chí, có nhà máy không vận hành các thiết bị lọc bụi vào ban đêm. Nhiều nhà máy thép chủ yếu nhập phế liệu về sản xuất thép chất lượng thấp. Đây là những nguồn gây ô nhiễm môi trường không nhỏ.[19]

Hàm lượng khí SO2, NO2 trong không khí quá cao là nguyên nhân chính gây ra mưa axit. Từng có một nghiên cứu của Viện Khoa học Khí tượng

- Thủy văn và Môi trường về môi trường Hà Nội công bố, mỗi năm nồng độ các khí SO2, NO2 trung bình tăng từ 10-60%, nồng độ CO tại các trục giao thông lớn luôn có xe máy và xe buýt lưu thông, lúc nào cũng cao hơn khoảng 5 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Nghiên cứu này viết: “Trong khi chất lượng nhiên liệu chưa tốt, chứa nhiều tạp chất tác động đến môi trường, cụ thể là hàm lượng benzen trong xăng quá cao (5% so với 1%), hàm lượng lưu huỳnh trong điezen cao 0,5-1%, cùng với lượng than tiêu thụ trung bình 250 nghìn tấn/năm, xăng dầu 250 nghìn tấn/năm, đã thải ra một lượng lớn bụi, SO2, CO, NO2, gây tác động xấu đến chất lượng không khí”. [21]

Bên cạnh giao thông, sinh hoạt gia đình với hình thức đun nấu bằng than, củi, công trình xây dựng và các hoạt động của các khu công nghiệp cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các nhà khoa học đã nghiên cứu nếu ở Hà Nội, dùng bếp than tổong đểđun nấu với lượng tiêu thụ trung bình 2 kg than/ngày, tức 50-60 kg than/tháng thì lượng khí thải của tất cả những gia đình sử dụng hình thức đun nấu này cũng góp phần không nhỏ vào tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay.

Hoạt động chôn lấp chất thải rắn, việc xử lý chất thải rắn bằng biện pháp tiêu hủy cũng góp phần đáng kể gây ô nhiễm môi trường không khí. Việc đốt rác sẽ làm phát sinh khói, tro bụi và các mùi khó chịu. Chất thải rắn có thể bao gồm các hợp chất chứa Clo, Flo, lưu huỳnh và nitơ, khi đốt lên làm phát thải một lượng không nhỏ các chất khí độc hại hoặc có tác dụng ăn mòn. Mặt khác, nếu nhiệt độ tại lò đốt rác không đủ cao và hệ thống thu hồi quản lý khí thải phát sinh không đảm bảo, khiến cho chất thải rắn không được tiêu hủy hoàn toàn làm phát sinh các khí CO, oxit nitơ, dioxin và furan bay hơi là các chất rất độc hại đối với sức khỏe con người. Một số kim loại nặng và hợp chất chứa kim loại (như thủy ngân, chì) cũng có thể bay hơi, theo tro bụi phát tán vào môi trường. Mặc dù, ô nhiễm tro bụi thường là lý do khiếu nại của

cộng đồng vì dễ nhận biết bằng mắt thường, nhưng tác nhân gây ô nhiễm nguy hiểm hơn nhiều chính là các hợp chất (như kim loại nặng, dioxin và furan) bám trên bề mặt hạt bụi phát tán vào không khí. [4]

Ô nhiễm mùi thường xảy ra ở hai bên kênh rạch, rãnh thoát nước trong đô thị do sự thối rữa của các chất hữu cơ, vi sinh vật và rác thải tạo ra các khí ô nhiễm H2S, NH3, CH4… Ô nhiễm mùi hôi tanh ở một số vùng đô thị ven biển có cảng cá và cơ sở chế biến hải sản, giết mổ gia súc. Ô nhiễm mùi hôi hóa chất ở gần các xí nghiệp chế biến mủ cao su, nhà máy chế biến phân hóa học. Và mùi khói thuốc lá thì có mặt ở khắp mọi nơi và cả ở những nơi cấm hút thuốc như bệnh viện, trường học.

Theo báo cáo môi trường quốc gia năm 2013 về chất thải rắn thì khối lượng khí phát sinh từ các bãi rác chịu ảnh hưởng đáng kể của nhiệt độ không khí và thay đổi theo mùa. Lượng khí phát thải tăng khi nhiệt độ tăng, lượng khí phát thải trong mùa hè cao hơn mùa đông. Đối với các bãi chôn lấp, ước tính 30% các chất khí phát sinh trong quá trình phân hủy rác có thể thoát lên trên mặt đất mà không cần một sựtác động nào. [4]

Khi vận chuyển và lưu giữ chất thải rắn sẽ phát sinh mùi do quá trình phân hủy các chất hữu cơ gây ô nhiễm môi trường không khí. Các khí phát sinh từ quá trình phân hủy chất hữu cơ trong chất thải rắn: Amoni có mùi khai, phân có mùi hôi, Hydrosunfur mùi trứng thối, Sunfur hữu cơ mùi bắp cải thối rữa, Mecaptan hôi nồng, Amin mùi cá ươn, Diamin mùi thịt thối, Cl2 hôi nồng, Phenol mùi đặc trưng.

Tại khu công nghiệp thuỷ sản Thọ Quang (Đà Nẵng), hiện mới chỉ có 10 doanh nghiệp đầu tư, hoạt động, nhưng đã có đến 7 doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ngoài cả ngàn mét khối nước thải ô nhiễm đổ trực tiếp từ các nhà máy chế biến ra sông Hàn, gây mùi hôi thối nồng nặc cả vùng trời, việc phơi phóng thuỷ - hải sản, xác tôm cá... khi xay chế biến

thức ăn gia súc cũng góp phần gây ô nhiễm nghiêm trọng bầu không khí. Hàng trăm hộ dân gần KCN thuỷ sản Thọ Quang cũng đã phản ứng dữ dội khi nhà máy chế biến thức ăn azet thải khói trắng cùng mùi hôi thối quá mức ra môi trường, ảnh hưởng đến 400 hộ dân khu vực xung quanh. [19]

Quá trình đô thị hóa tăng lên, số lượng các phương tiện giao thông vận tải tăng theo, hoạt động xây dựng sản xuất là những nguyên nhân cơ bản gây ra ô nhiễm tiếng ồn, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Ngoài ra các thành phần khác của không khí như: độ rung, ánh sáng, bức xạ cũng đang bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Một phần của tài liệu Khoá luận đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường không khí trên địa bàn huyện sóc sơn (Trang 30 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(81 trang)