một số nƣớc trên thế giới
3.2.1. Senegal
3.2.1.1. Vài nét về Sénégal
Senegal, tên chính thức là Cộng hòa Senegal, là một quốc gia tại Tây Phi. Có diện tích 196.712 km², dân số ước lượng năm 2016 là khoảng 15,6 triệu người. Tại đất nước này, phụ nữ được cho là yếu thế hơn, họ phải gánh chịu nhiều bất công, từ đó cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Chính vì thế, truyền thông Senegal trong đó có phát thanh đặc biệt hướng tới đối tượng là phụ nữ với những chương trình tư vấn, giải đáp về mọi vấn đề của đời sống xã hội. Tại quốc gia Tây Phi này, phát thanh được coi như người bạn đồng hành thân thiết của những người phụ nữ, là nơi họ có tiếng nói của riêng mình. Trong đó, các chương trình phát thanh tư vấn, giải đáp mà nhiều đề tài truyền thông tại đất nước này gọi là “talk radio” là một dạng chương trình phổ biến, thu hút sự quan tâm đặc biệt của phụ nữ Senegal bởi tính tương tác cao.
3.2.1.2. Kinh nghiệm về thể hiện tính thân mật, gần gũi của chương trình phát thanh tư vấn, giải đáp ở Senegal
Mặc dù là một đất nước nghèo hơn so với Việt Nam, nhưng các chương trình phát thanh có yếu tố trò chuyện, tương tác với thính giả bắt đầu ra đời ở Senegal từ rất sớm và đáng để cho chúng ta phải học tập. Ngay từ những năm cuối thế kỷ 20 các dạng chương trình phát thanh có yếu tố trò chuyện, tương tác đầu tiên đã ra đời và sau đó bùng nổ trở thành dạng chương trình được người dân ưa thích. Ngày nay, chỉ tính riêng tại Thủ đô Dakar, đã có 29 chương trình phát thanh tư vấn, giải đáp, trò chuyện có yếu tố tương tác với thính giả và được chia làm 6 dạng chương trình khác nhau tùy theo format. Trong khuôn khổ đề tài này, tác giả xin đề cập đến 3 dạng chương trình phát thanh tư vấn giải đáp nổi bật tại Senegal, được thính giả
nước này đánh giá cao, đặc biệt là tính thân mật, gần gũi mà mỗi chương trình mang đến cho người nghe.
- Dạng Chuyên gia – Khách mời (Guest-Expert):
Là một chương trình phát thanh có sự tham gia của một chuyên gia trong vai trò khách mời để thảo luận về một chủ đề có liên quan đến chuyên môn của họ với người dẫn chương trình và các thính giả. Các khách mời thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như chính trị gia, giáo viên, bác sĩ, nhà tâm lý học, nhạc sĩ, luật sư và nhà giáo dục. Các chủ đề thảo luận thường là những chủ đề nóng, có nhiều sự tranh luận trong xã hội, có liên quan đến phụ nữ. Ví dụ các chủ đề như đồng tính luyến ái, nhập cư, tình dục và tham nhũng. Hầu hết các chương trình thuộc dạng này có thời lượng một giờ và được cấu trúc thành ba phân đoạn.
Phần đầu tiên, người dẫn chương trình giới thiệu khách mời và chủ đề thảo luận với thính giả. Sau đó, người dẫn bắt đầu trò chuyện trực tiếp với chuyên gia – khách mời. Cuộc trò chuyện được xây dụng như thể chuyên gia và người dẫn đang thực hiện một cuộc đối thoại, thậm chí là tranh luận trực tiếp, rất thân mật, nó không giống như một cuộc phỏng vấn thông thường. Họ trò chuyện khá tự nhiên. Trong phần này, chuyên gia cũng được trao cơ hội để truyền tải thông điệp, quan điểm của mình hoặc chứng minh cho thính giả thấy, mình có đủ kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực đang bàn luận. Điều này được cho là nhằm mục đích "giành được lòng tin của thính giả" - như lời của bà Binta, một thành viên của Quốc hội Senegal từng tham gia chương trình dạng này. Trong phần đầu này, người dẫn chương trình cũng có một vai trò đặc biệt và quyền lực, vì cô ấy (những người dẫn đều là phụ nữ) là người kiểm soát cuộc trò chuyện. Người dẫn có thể đưa ra những câu hỏi cho các vị khách mời, những câu hỏi thậm chí có phần tiêu cực, và cũng có thể tranh cãi với khách mời nếu như thấy không hài lòng với câu trả lời.
Phần thứ hai bắt đầu khi đường dây nóng điện thoại được mở để cho thính giả đang nghe đài có thể đặt câu hỏi, đóng góp thêm ý kiến, thậm chí là phản biện lại ý kiến chuyên gia. Đây cũng là phần thu hút nhất của chương trình bởi tính tương tác cao. Tính tương tác chính là một yếu tố rất quan trọng khiến dạng chương trình “Chuyên gia – Khách mời” có sự thành công – theo đánh giá của thính giả. Không chỉ những người dân bình thường mới có cơ hội tham gia. Không ít lần, trên
sóng đã chứng kiến sự tranh luận của chính các chuyên gia khác cùng lĩnh vực gọi về để trò chuyện với khách mời đang có mặt ở phòng thu. Vai trò của người dẫn chương trình trở nên rõ ràng hơn trong phần hai này. Bởi người dẫn sẽ đảm bảo việc khách mời tại phòng thu không thể né tránh bất cứ một câu hỏi tiêu cực nào từ thính giả. Họ sẽ nhắc lại câu hỏi, cho đến khi thính giả tìm được câu trả lời thích đáng.
Thứ ba là phân khúc kết thúc. Trong phân khúc này, khách mời - chuyên gia được trao cơ hội khẳng định lại quan điểm của bản thân và đưa ra những suy nghĩ cuối cùng về chủ đề chính của chương trình và những tương tác diễn ra trong suốt chương trình.
Khảo sát của luận án “Radio Talk Shows, Education and Women’s Empowerment in Senegal” do tác giả Fanta Diamanka, Đại học Ohio (Sau đây gọi tắt là “Khảo sát của Fanta”) thực hiện với 120 thính giả thường xuyên nghe các chương trình phát thanh tại Senegal cho thấy: Nhiều thính giả đã bày tỏ sự đánh giá cao của họ về dạng chương trình Trò chuyện cùng chuyên gia, với tỷ lệ 16,67% trong số 120 thính giả được khảo sát nói rằng đây là dạng chương trình yêu thích của họ. Những thính giả này cho rằng họ cảm thấy thích thú với những dạng chương trình như thế này không chỉ vì chủ đề mà nó đề cập rất gần gũi với thính giả (VD như chủ đề “Phụ nữ kết hôn khi đang làm lãnh đạo”), mà còn thu hút với cách thức mà người dẫn chủ trì trong phần thứ hai của chương trình. Cũng đề cập đến trong khảo sát của Fanta, Anbwe - một thính giả 39 tuổi tại Thủ đô Dakar bày tỏ:
"Ðối với một số chương trình liên quan đến chủ đề chính trị - xã hôi, có sự tham gia của chính trị gia, tôi cảm thấy như thể mình không cần gọi điện nữa vì tôi biết rằng người dẫn sẽ hỏi các khách mời những câu hỏi hay, những câu hỏi hóc búa và thậm chí là mang tính tiêu cực với khách mời mà chúng tôi cũng đang có nhu cầu được hỏi. Thậm chí kể cả khi chúng tôi có gọi điện đến, người dẫn cũng sẽ không để khách mời né tránh câu hỏi của chúng tôi. Điều này giúp chúng tôi thấy, chương trình đang đoàn kết với chúng tôi, đứng về phía chúng tôi như những người
trong gia đình và không có sự phân biệt nào. Người dẫn trở thành tiếng nói của
những người bị gạt ra ngoài lề xã hội và những người ít có cơ hội kết nối qua điện thoại như chúng tôi. Chúng tôi thấy tin tưởng vào người dẫn, họ rất gần gũi với chúng tôi” [37].
Như vậy, có thể thấy, yếu tố làm nên sự thân mật, gần gũi của chương trình đến từ người dẫn chương trình, khi họ hiểu thính giả của họ mong muốn điều gì trong chương trình và nỗ lực hướng tới mục đích làm sáng tỏ những vấn đề mà thính giả còn băn khoăn. Người dẫn đứng về cùng một phía với thính giả, đóng vai trò như tiếng nói của chính những thính giả đó. So sánh với chương trình “Chuyên gia của bạn” ở Việt Nam mà luận văn đang khảo sát, chương trình phát thanh Guest – Expert mà Senegal đang sản xuất có những tương đồng nhất định. Đó là sự đa dạng về lĩnh vực đề cập, nội dung phong phú. Tuy nhiên, chương trình phát thanh Guest – Expert mà Senegal có sự gần gũi hơn với thính giả từ trong chính các chủ đề mà chương trình đưa ra cũng như cách thức thể hiện của người dẫn chương trình. Đa phần các chương trình “Chuyên gia của bạn” đều chưa có sự cao trào, hầu hết là theo dạng “hỏi – trả lời” của người dẫn và chuyên gia khiến chương trình có tiết tấu chậm, dễ gây nhàm chán.
- Dạng chương trình Ban chuyên gia (Experts – Panel):
Dạng này cũng được chia làm ba phân đoạn tương tự dạng trên. Phần một, giới thiệu khách mời và chủ đề, phần hai, trò chuyện cùng thính giả và phần ba là kết thúc. Tuy nhiên, các vấn đề nêu ra trong chương trình này thường ít có sự tranh luận hơn mà gần gũi với cuộc sống hàng ngày như giáo dục con cái, sức khỏe… Số lượng chuyên gia tham gia trong một chương trình cũng nhiều hơn, vì vậy gọi là
“Ban chuyên gia”.
Điều đặc biệt, các chuyên gia có thể đến từ nhiều lĩnh vực nhưng cùng thảo luận về một chủ đề. Ví dụ, có một chương trình với chủ đề “Phá thai” nhưng các khách mời không chỉ có lĩnh vực y tế, chương trình đã mời đến phòng thu một bác sĩ, một luật sư, một chính trị gia, một linh mục, và hiệu trưởng một trường trung học. Mỗi người đề cập đến các vấn đề phá thai từ góc độ chuyên môn của mình, tất cả họ đưa ra một quan điểm khác nhau dựa trên giới tính, kinh nghiệm và vị trí như là một người mẹ, một người chị em, một người chồng hoặc một người anh. Các thính giả cũng cho biết, sự xuất hiện của nhiều chuyên gia với vai trò như trên khiến họ cảm thấy tin tưởng vào chương trình và thấy chương trình có tính cởi mở hơn. Người dẫn chương trình trong dạng chương trình này cũng có có chút khác biệt so với dạng chương trình trên. Họ hài hòa hơn, dung hòa cả khách mời và các thính giả
bởi chính các chủ đề thảo luận thường không mang đến sự tranh luận, nó khá nhẹ nhàng và các thính giả gọi điện chủ yếu là mong muốn được tư vấn. Sự tranh luận có chăng là giữa chính những chuyên gia, nhưng người dẫn sẽ biết cách đề dung hòa điều này và điều khiển chương trình một cách tốt nhất. Đa phần thính giả rất thích chương trình kiểu này vì tính giáo dục rất cao của nó. Bản thân chủ đề của chương trình rất gần gũi với thính giả, và cũng là yếu tố giữ chân họ ở lại nghe chương trình. Dạng chương trình này có vẻ như không thấy nhiều ở Việt Nam. Trong số các chương trình mà luận văn khảo sát, chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi là gần hơn cả với dạng chương trình này. Tuy nhiên, vai trò của các thính giả đóng vai trò là chuyên gia trong Bạn hãy nói với chúng tôi không thực sự rõ ràng. Một yếu tố nữa, là chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi không thực hiện trực tiếp, cho nên các ý kiến của thính giả tham gia tư vấn được thu lại qua điện thoại một cách riêng lẻ, không có sự kết nối giữa các thính giả tham gia tư vấn, và đương nhiên không thể có sự tranh luận, tạo sự kịch tính, hấp dẫn cho chương trình.
- Dạng chương trình “Community Outreach”:
Các chủ đề có trong dạng chương trình này cũng rất đa dạng và bao trùm mọi mặt của đời sống, từ kinh tế, xã hội, tôn giáo, chính trị và pháp luật. Ví dụ: người dân có thể chia sẻ về các vấn đề như nghèo đói, hôn nhân sớm, trẻ em lang thang, vẻ đẹp của phụ nữ, nghỉ thai sản, hay vệ sinh công cộng... Đặc biệt, dạng chương trình này nhắm tới những người bị cho là không có nhiều tiếng nói trong xã hội như phụ nữ, trẻ em và người tàn tật. Việc sản xuất chương trình phát thanh theo dạng này được cấu trúc theo hai giai đoạn.
Giai đoạn đầu tiên, các biên tập viên của chương trình sẽ đến từng khu dân cư, khu phố để phòng vấn trực tiếp những người dân về các vấn đề mà họ đang gặp phải. Sau khi có được những đoạn phỏng vấn này, các biên tập viên trở về phòng thu, dựng thành một đoạn băng hoàn chỉnh và phát cho thính giả toàn quốc trong một chương trình phát thanh. Các chuyên gia hoặc thính giả sau đó sẽ gọi điện thoại về cho chương trình để chia sẻ về vấn đề đang được nhắc đến, họ có thể đưa ra những lời khuyên cũng như những giải pháp khắc phục.
Giai đoạn sản xuất thứ hai của định dạng này, các biên tập viên sẽ thực hiện việc biên tập các bản ghi âm thính giả thành một chương trình phát thanh hoàn
chỉnh. Những ngày trước khi chương trình phát thanh này được lên sóng, những người thực hiện chương trình sẽ phát một đoạn ghi âm như là một cách để quảng bá cho chương trình và cũng là để cho thính giả cả nước biết về chủ đề của chương trình này từ đó suy nghĩ về những ý tưởng, đề xuất, giải pháp cho vấn đề đang được chương trình nhắc tới.
Chương trình trực tiếp sẽ được phát sóng vài ngày sau đó và có thời lượng khoảng một giờ đồng hồ. Chương trình bắt đầu bằng việc, người dẫn chương trình giới thiệu tổng quan một cách ngắn gọn về khu vực dân cư nơi những cuộc ghi âm thảo luận đã diễn ra và những vấn đề chính nêu ra bởi những thính giả tham gia ghi âm. Sau đó, người dẫn mở đường dây nóng trên điện thoại cho thính giả trên cả nước tham gia và cuộc đối thoại bắt đầu giữa người dẫn và thính giả. Điều thú vị là hầu hết những thính giả gọi điện trực tiếp về cho chương trình để làm rõ các vấn đề, nêu các giải pháp và đôi khi tranh luận với những thính giả khác để cố gắng đưa ra cách giải quyết tốt nhất với vấn đề mà chương trình đã đưa ra ban đầu.
Hơn 23% (23,66%) trong số những thính giả tham gia Khảo sát của Fanta cho biết dạng chương trình phát thanh này là dạng yêu thích của họ. Trong đó, có tới 55% số thính giả thừa nhận rằng họ thực sự thích dạng chương trình này vì sự gần gũi của mà mỗi chương trình mang đến cho người nghe và những vấn đề được nêu trong chương trình thực sự đều là những vấn đề mọi người thường phải đối mặt hàng ngày [39]. Dạng chương trình này có cách thức tiếp cận cộng đồng rất gần gũi, thân mật. Nó đóng một vai trò quan trọng trong việc kết nối những người dân có cùng mối quan tâm bằng cách cho phép họ lên tiếng trong chính vấn đề của mình.
Có thể thấy, những người làm phát thanh tại Senegal đã có những cách làm chương trình khá sáng tạo và tạo được sự gần gũi với thính giả. Họ tiếp cận, trò chuyện với thính giả và trao cho họ cơ hội nói lên chính vấn đề mà mình đang gặp phải trong cuộc sống. Dạng chương trình này có vẻ như khá tương đồng với Bạn hãy nói với chúng tôi mà luận văn đã khảo sát, ở chỗ có sự tham gia của nhiều thính giả đóng vai trò như chuyên gia ở giai đoạn 2. Tuy nhiên, “Bạn hãy nói với chúng tôi” chỉ đề cập đến một lĩnh vực, cũng không có sự tương tác trực tiếp, nên kém đi sự sinh động, khâu sản xuất cũng không trải qua nhiều giai đoạn như dạng chương trình của Senegal.
3.2.2. Anh Quốc
3.2.2.1. Vài nét về Anh Quốc
Anh Quốc là cách gọi vắn tắt của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Là một quốc gia đông dân với 65 triệu người (ước tính năm 2016), và là một quốc gia có nền kinh tế phát triển thuộc nhóm đầu thế giới.
Anh Quốc là một quốc gia phát triển rất mạnh trong lĩnh vực truyền thông đặc biệt là phát thanh. Với nhịp độ công việc gấp gáp, người dân ở đây không dành nhiều thời gian để xem truyền hình hay xem báo mạng. Họ vừa tranh thủ nghe phát thanh trong khi di chuyển đến nơi làm việc, trở về nhà để tiết kiệm thời gian, vừa