Một số giải pháp nhằm phát huy tính thân mật, gần gũi trong chương trình

Một phần của tài liệu Tính thân mật, gần gũi trong các chương trình phát thanh tư vấn, giải đáp của đài tiếng nói việt nam hiện nay (Trang 97 - 194)

chƣơng trình phát thanh tƣ vấn, giải đáp

3.3.1. Luôn nói với thính giả như với người bạn thân thiết

Trong các chương trình tư vấn, giải đáp, lời nói phải đảm bảo tính thân mật gần gũi, bởi đây được xem là yếu tố sống còn của chương trình. Tuy vậy, trong quá trình khảo sát các chương trình phát thanh tư vấn, giải đáp, tác giả vẫn còn nhận thấy những hạn chế nhất định trong lời nói của chuyên gia, và đáng nói hơn là của người dẫn chương trình. Nhất là chương trình Chuyên gia của bạn, tác giả nhận thấy có một số người dẫn chưa thực sự tốt, dẫn rất thiếu cảm xúc, thiếu kỹ năng. Có người dẫn thì chỉ chăm chăm vào văn bản đọc một lèo, mà không cần biết thính giả có nghe hay không? Về điều này, quan điểm của chúng tôi cho rằng, không phải biên tập viên nào cũng có thể trở thành người dẫn, và nhất là người dẫn chương trình phát thanh tư vấn, giải đáp thì càng cần phải có sự lựa chọn, đánh giá kỹ càng trước khi lên sóng.

3.3.1.1. Cần lựa chọn người dẫn phù hợp với chương trình phát thanh tư vấn, giải đáp

Trong chương 1, tác giả đã liệt kê ra 6 yêu cầu riêng đối với người dẫn, chuyên gia của chương trình phát thanh tư vấn, giải đáp. Cũng cần nói thêm rằng, việc lựa chọn người dẫn, trước hết là lựa chọn về chất giọng. Đây là một trong

những điều tối thiểu cần có ở một người dẫn chương trình phát thanh. Một chất giọng tốt phải “đạt được 3 tiêu chí: trong, tròn, rõ” [6, tr.30], cần nhấn mạnh rằng, với người dẫn chương trình phát thanh, tuy “có hàng triệu thính giả đang cùng lúc nghe giọng nói của họ, nhưng giọng nói ấy lại lọt vào tai của từng thính giả riêng biệt”. Cho nên, khi lên sóng, người dẫn cần phải nói với thính giả như “nói với một người thân thiết của mình”, phải “hiểu biết và cảm thông với thính giả”. [40, tr.174]. Điều này rất ít người dẫn chương trình phát thanh tư vấn, giải đáp hiện nay có thể làm được. Bởi đa phần các chương trình phát thanh tư vấn, giải đáp hiện có kết cấu mở, đòi hỏi người dẫn phải nói, phải giao tiếp với thính giả nhiều hơn so với các chương trình khác – vốn chỉ có văn bản sẵn. Cho nên, những người dẫn đã quen với kiểu cầm văn bản đọc của các chương trình khác, nếu vẫn giữ thói quen theo lối mòn, sẽ không thể dẫn được chương trình phát thanh tư vấn, giải đáp một cách thân mật, gần gũi, hấp dẫn thính giả.

Ngoài ra, như ý kiến của TS. Nguyễn Văn Trường thì người dẫn chương trình phát thanh tư vấn, giải đáp là “người cầm lái, tạo ra hướng đi và điều tiết tính thân mật, gần gũi của chương trình tư vấn, giải đáp”. Chính vì vậy, người dẫn cần rất nhiều kỹ năng tổng hợp, vừa “có năng lực và sự tích luỹ tri thức, dựa vào kinh nghiệm của mình để xử lý những tình huống ngôn ngữ mang tính sáng tạo” [41, tr.31], vừa biết nói với thính giả sao cho thật gần gũi, thân thiết như người bạn của mình. Nhiều khi, thính giả đặt câu hỏi cho chuyên gia có thể chưa rõ, người dẫn phải thật nhanh chóng hiểu ý thính giả và diễn đạt lại để chuyên gia hiểu. Ngược lại, khi chuyên gia sa đà vào các thuật ngữ chuyên ngành, thì người dẫn cũng phải tìm cách diễn đạt lại hoặc yêu cầu chuyên gia giải thích lại về thuật ngữ đó cho thính giả dễ hiểu. Khi nói với thính giả, cũng cần phải chú ý đến thái độ, giọng điệu.

“Một giọng nói hờ hững, thể hiện sự không quan tâm đến câu chuyện thì không thể lay động các giác quan của người nghe” [6, tr.30]. Mà người dẫn phải thực sự đặt mình vào thính giả,“cần phải nói một cách nhiệt tình và chân thành”, “nói với sự quan tâm, nhiệt huyết và hiểu biết của mình” [24, tr.37]. Bởi chính những điều đó đã khiến cho lời nói trong phát thanh có “sức lôi cuốn” với người nghe.

Như câu chuyện của Larry King – một trong những người dẫn chương trình nổi tiếng nhất nước Mỹ với mức thu nhập khủng nhất hành tinh, đã chia sẻ về ngày

đầu lên sóng phát thanh của mình như sau: “Tôi bật chiếc micro lên và bắt đầu cất giọng: Chào quý vị và các bạn. Đây là ngày làm việc đầu tiên của tôi tại đài phát thanh này. Cả cuộc đời mình, tôi chỉ ước ao một điều – đó là được làm việc trong lĩnh vực phát thanh và tôi đã từng nguyện cầu cho phút giây này. Tên tôi là Larry King. Và đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy lo sợ nhất trong đời khi phải nói trước hàng triệu người. Vị quản lý của tôi vừa nhắc nhở tôi về nhiệm vụ của mình. Và bởi vậy mà bây giờ đây, tôi đang cố gắng để nói chuyện với quý vị và các bạn” [42, tr.14]. Không cần phải nói những lời hoa mỹ, mà chính cách dẫn dắt rất tự nhiên, nhiệt huyết, gần gũi mà đáng yêu đã khiến cho Larry King trở thành cái tên ấn tượng với thính giả kể từ buổi phát thanh hôm đó.

3.3.1.2. Lựa chọn chuyên gia của chương trình phát thanh tư vấn, giải đáp vừa giỏi chuyên môn, vừa giỏi truyền đạt thông tin một cách gần gũi, dễ hiểu đến thính giả.

Trong chương trình phát thanh tư vấn, giải đáp, không thể chỉ nhắc đến vai trò của người dẫn, mà nhiều khi phần công sức lớn nhất làm nên thành công của chương trình chính là đội ngũ chuyên gia. Thật vậy, từ thực tiễn, sự thành công của chương trình Cửa sổ tình yêu cho thấy, chuyên gia không chỉ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc chuyển tải thông tin đến người nghe, mà còn góp phần tạo nên uy tín của chương trình. Vì vậy, cũng như người dẫn, chuyên gia của chương trình phát thanh tư vấn, giải đáp cũng cần phải được lựa chọn, cân nhắc rất kỹ lưỡng.

Tất nhiên với bất kỳ chuyên gia nào, giỏi chuyên môn là yêu cầu bắt buộc khi lựa chọn chuyên gia. Trong số rất nhiều chuyên gia, mỗi người sẽ có một thế mạnh khác nhau. Có người rất giỏi chuyên môn nhưng chưa chắc đã giỏi trong việc truyền đạt thông tin đến người khác, làm cho người khác hiểu, ghi nhớ và làm theo. Nhưng cũng có những người vừa giỏi chuyên môn, lại vừa khéo ăn nói, khéo léo trong việc truyền đạt thông tin đến người khác. Đương nhiên, các yêu cầu khác cần thiết như không nói lắp, nói ngọng, có chất giọng truyền cảm, dễ nghe cũng cần phải có ở một chuyên gia. Vậy thì, biên tập viên phải lựa chọn trong số rất nhiều chuyên gia đó một người phù hợp nhất cho chương trình của mình. Chứ không phải muốn mời ai vào làm chuyên gia cũng được, không phải ai lên sóng cũng nói được cho thính giả hiểu, thính giả tin, không phải chuyên gia nào cũng có cách nói

chuyện gần gũi, dễ hiểu, tạo thiện cảm với thính giả. Trong quá trình khảo sát, tác giả nhận thấy ở chương trình Chuyên gia của bạn những chuyên gia rất kém năng lực. Có những chuyên gia chỉ chăm chăm vào giấy để đọc, mà không thể thoát ly nổi văn bản. Có những chuyên gia thì lại sở hữu chất giọng “đanh”, ngang, khó lọt tai, có thói quen nhấn mạnh vô tội vạ (tăng âm lượng đột ngột). Lại có không ít chuyên gia của chương trình này nói ngọng l/n. Đặc biệt là khi tư vấn, giải đáp về vấn đề khô khan như luật pháp chẳng hạn, chuyên gia cần có kỹ năng để nói cho thính giả hiểu, phải đặt mình vào tâm lý muốn được tìm hiểu, được tư vấn, giải đáp của thính giả mà nói với họ với một thái độ chân thành, ân cần, thân thiết. Chứ không phải cứ ra rả đọc ra những điều luật với những con số khô khốc, mà không cần biết thính giả có hiểu hay không. Tất nhiên, chẳng ai có thể nhớ được hết các điều luật, ngay cả với luật sư. Thế nhưng, ít nhất trong ngữ điệu khi đọc cần phải tự nhiên như đang nói, và phải linh hoạt, chứ không phải cứ chăm chăm vào văn bản, không thể thoát ly nổi. Trong phần khảo sát ở chương 2, tác giả đã chỉ ra một số chương trình Chuyên gia của bạn, mà chuyên gia như chỉ chăm chăm đọc văn bản đã chuẩn bị trước với giọng điệu cứng ngắc, nắn nót, ngắt nghỉ đúng theo từng dấu chấm, dấu phẩy. Điều này không chỉ khiến thính giả cảm thấy buồn ngủ, không muốn nghe chương trình nữa, mà còn có cảm giác mất tin tưởng vào chuyên gia. Vì nếu chỉ là cầm văn bản đọc, thì họ cũng có thể tìm đọc được trong các sách ở thư viện hay bất cứ hiệu sách nào, hoặc đơn giản nhất là tìm đọc trên internet. Một bài học ở Senegal (tác giả đã trình bày chi tiết ở mục 3.2), chuyên gia trong chương trình phát thanh của họ vô cùng gần gũi, tham gia tư vấn như là một người mẹ, một người chị em, một người chồng hoặc một người anh trong gia đình về các vấn đề mà thính giả gặp phải. Chứ không phải đóng vai trò như là một người hiểu biết, ở trên tầm thính giả, tư vấn cho thính giả theo kiểu sách vở, như không ít chương trình phát thanh tư vấn, giải đáp ở Việt Nam. Cho nên sự xuất hiện của họ, khiến thính giả cảm thấy tin tưởng vào chương trình, cảm thấy một sự gần gũi, thân thiết.

Bên cạnh đó, cả người dẫn và chuyên gia đều phải hiểu tâm lý thính giả. Đây cũng là một “nghệ thuật” mà theo Ths. Vũ Thuý Bình: “đòi hỏi người dẫn, chuyên gia phải thật khéo léo”. Cần chú ý không hỏi một cách dồn dập, sỗ sàng, sẽ khiến cho thính giả cảm thấy khó chịu như đang bị điều tra, chứ không phải là đang được

quan tâm. Theo Ths. Vũ Thuý Bình, “ban đầu cần phải hỏi từng bước một, khéo léo dẫn dắt để khơi gợi, kích thích họ (thính giả) tiếp tục bày tỏ, chia sẻ câu chuyện của họ”. Từ đó, người dẫn và chuyên gia có thể chia sẻ về điều mà người nghe tâm đắc, quan tâm. Đấy mới là cách để bước đầu có thể tạo được sự gần gũi với thính giả. Cũng theo Ths. Vũ Thuý Bình, “muốn gần gũi trước hết phải làm cho vấn đề dễ hiểu ra”, “ phải làm cho người nghe cảm nhận được thông qua cách chào mời, xưng hô, dùng văn nói, dùng cách nói của người ta. Người nông dân có cách nói khác với người trí thức. Phải luôn luôn đặt mình vào tâm lý của người nghe để chờ đợi được tư vấn, giải thích một cách trực tiếp và cụ thể. Cứ trực tiếp và cụ thể, tự nhiên người ta sẽ thấy nó thân mật và gần gũi hơn”.

3.3.1.3. Cần tránh sa đà vào ngôn ngữ suồng sã, tầm thường hóa ngôn ngữ

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, “nói với thính giả như một người bạn thân thiết”, không có nghĩa là chúng ta được nói với thính giả một cách suồng sã. Mà luôn phải nhớ rằng, trong một chừng mực của chương trình phát thanh tư vấn, giải đáp, sự tôn trọng thính giả luôn phải đặt lên hàng đầu. Về điều này, nhà báo Thanh Huyền, Trưởng phòng Bạn nghe đài, Hệ Văn hóa – Đời sống – Khoa giáo, Đài Tiếng nói Việt Nam, đồng thời là người dẫn, phụ trách chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi bày tỏ ý kiến cho rằng: “Ngôn ngữ nói có vai trò tạo sự truyền cảm với thính giả. Tuy nhiên cũng không thể nào sử dụng nó một cách quá tải, thái quá được. Khi bạn sử dụng ngôn ngữ nói ngoài xã hội mà bạn đưa lên sóng với một tầng lớp thính giả trẻ thì có thể có tác dụng, nhưng với thính giả lớn tuổi chưa chắc đã quen vì nó có thể xô bồ. Mình phải dung hòa để thính giả thoải mái, đấy là điều khó. Mỗi BTV phải tự mình tìm ra cách nào đó để có thể xác lập vị trí của mình trong lòng thính giả khi người ta gọi điện đến muốn gặp chị A, chị B, chị Huyền, anh Thắng… Đó là cách tạo dấu ấn trong lòng thính giả. Tất nhiên, mình phải lựa chọn chứ không bê nguyên con người mình ở ngoài xã hội để lên sóng nói chuyện với thính giả được.”. Cùng quan điểm Ths. Nguyễn Thị Thu, giảng viên tổ bộ môn Phát thanh, Khoa Phát thanh Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng “thân mật, gần gũi”

cũng phải “đúng giới hạn”. “Cần phân biệt giữa thân mật, gần gũi với suồng sã, thô tục”.

Chính sự thành công của những chương trình phát thanh tư vấn, giải đáp như

Cửa sổ tình yêu, Bạn hãy nói với chúng tôi,.. đã chứng minh cho luận điểm rằng: Tính thân mật, gần gũi đã trở thành một yếu tố không thể thiếu của một chương trình phát thanh tư vấn, giải đáp. Nó giống như một thứ “gia vị” giúp “nêm nếm” cho “món ăn” tinh thần của thính giả trở nên hấp dẫn hơn. Nói một cách “ví von” như vậy để thấy rằng, “gia vị” đúng là một thứ không thể thiếu cho mọi món ăn, nhưng phải vừa đủ, nếu quá lại thành không tốt. Thân mật nhưng vẫn phải giữ một thái độ lịch sự, tránh thân mật đến mức suồng sã, thiếu tế nhị, thiếu văn minh như trường hợp trong chương trình Cửa sổ tình yêu cách đây vài năm. Khi vị thính giả hỏi: “Em yêu cô chị và đã có quan hệ tình dục nhưng giờ cô em như thế nên em bảo: hay là cứ "thịt" luôn cả cô em?”. CGTL Đinh Đoàn hỏi lại: “Em có yêu cô chị một cách nghiêm túc đàng hoàng không hay là chỉ muốn "thịt" cả họ nhà nó?”. Nếu đây là cuộc nói chuyện giữa hai người bạn ở ngoài đời thường thì xét ở một khía cạnh nào đấy là có thể chấp nhận được. Nhưng rõ ràng, đây là một cuộc trò chuyện giữa chuyên gia với thính giả trong chương trình phát thanh tư vấn, giải đáp, thì thật khó chấp nhận.

3.3.2. Thường xuyên cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực cho người dẫn, chuyên gia

Ngày nay, khi mà các lĩnh vực khoa học - công nghệ liên tục phát triển. Những tri thức mà ta đã có, sau một thời gian sẽ nhanh chóng trở nên cũ kỹ, lạc hậu, nếu như không được cập nhật kịp thời. Ví dụ như quan niệm về đồng tính mà chuyên gia Đinh Đoàn nhắc đến trong chương trình Cửa sổ tình yêu ngày 5/2/2017, mà chúng tôi đã đề cập đến trong mục 2.2.2.2. Nếu như cách đây khoảng chừng 10 - 20 năm trở về trước, thì quan niệm này còn có thể được một số học giả đồng tình. Nhưng đặt trong hoàn cảnh năm 2017, thì quan niệm rằng đồng tính“có thể bị nhiễm thói quen” như“thói quen uống rượu vậy” đã lỗi thời. Bởi các nhà khoa học đã khẳng định “xu hướng tính dục” là “có tính bền vững”, không phải là một thói quen. Hay như những chương trình tư vấn về pháp luật như Chuyên gia của bạn, nếu như các chuyên gia không cập nhật thường xuyên về các văn bản, chính sách pháp luật thì làm sao tư vấn cho thính giả? Rồi các kiến thức về y học, hàng năm có hàng bao nhiêu kỹ thuật mới được đưa vào ứng dụng trong điều trị bệnh, chuyên gia

tham gia tư vấn không thường xuyên cập nhật, làm sao giải thích cho thính giả hiểu? Như vậy để thấy rằng, kiến thức luôn là vô hạn, ngay cả với chuyên gia, việc thường xuyên cập nhật trau dồi kiến thức sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình tư vấn, giải đáp, tạo dựng lòng tin, uy tín với thính giả. Đó còn chưa nói tới năng lực nói với thính giả của đội ngũ chuyên gia. Giỏi chuyên môn thôi chưa đủ, nói thế nào cho người ta hiểu, người ta tin mới là chuyện đáng bàn. Và quan trọng hơn, như lời Ths. Vũ Thuý Bình, thì phải nói với thính giả “bằng một sự chia sẻ cảm thông, bằng một ngữ điệu như tâm giao, như một người bạn, chứ không phải là người đi dạy đời, là một người hiểu, cảm thông sâu sắc, đau cái nỗi đau của người ta, lo lắng cái nỗi lo của người ta. Tìm mọi cách để giúp người ta về mặt tâm lý, và mặt khoa học

Một phần của tài liệu Tính thân mật, gần gũi trong các chương trình phát thanh tư vấn, giải đáp của đài tiếng nói việt nam hiện nay (Trang 97 - 194)