Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh
2.1.1. Đài PT&TH Thanh Hóa (TTV)
Ngày 26 tháng 9 năm 1956, nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô, tỉnh Thanh Hóa được đầu tư xây dựng một đài truyền thanh làm nhiệm vụ tiếp âm chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam. Cơ sở ban đầu chỉ có một nhà đặt máy, phòng bá âm và hệ thống đường dây 31km và 186 chiếc loa công cộng.
Ngày 12/3/1979, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá ra Quyết định số 230TC/UBTH thành lập Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hoá. Kể từ đây, Đài thực sự làm nhiệm vụ của 2 tờ báo nói, báo hình phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển mọi mặt của tỉnh. Đến ngày 2/9/1978, Đài phát thử nghiệm chương trình truyền hình đầu tiên.
Từ đó đến nay, Đài PT&TH Thanh Hóa ngày một trưởng thành, rơ nét nhất là trong việc nâng cao chất lượng và tăng thời lượng các chương trình PT-TH. Thời lượng chương trình phát thanh của Đài hiện tại là 14h/ngày, phát sóng từ 05 giờ đến 19 giờ hàng ngày. Đối với chương trình truyền hình, hiện nay Đài PT&TH Thanh Hóa phát sóng 19giờ/ngày, từ 05h đến 24giờ hàng ngày, với 85 chuyên mục, chuyên đề trên sóng truyền hình.
Đài đã tự sản xuất được gần 50% thời lượng phát sóng, là một trong số các Đài địa phương được đánh giá là có năng lực sản xuất chương trình khá trong cả nước. Chất lượng nội dung chương trình không ngừng được nâng cao theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu, chuyên đối tượng, đồng thời đảm bảo
tính định hướng dư luận và tính chiến đấu cao. Từ năm 2005, Đài đã mở rộng phạm vi tác nghiệp ra các tỉnh thành trong cả nước, tăng cường trao đổi tin, bài với các Đài trong khu vực và các tỉnh bạn. Tích cực cộng tác tin bài với hai Đài Quốc gia. Trong đó, đáng chú ý là cộng tác tốt với Ban Thời sự, Ban Truyền hình Tiếng dân tộc và Trung tâm Kỹ thuật phát sóng Đài Truyền hình Việt Nam. Đến ngày 21/1/2009, tín hiệu chương trình truyền hình của đài Thanh Hóa đã được đưa lên vệ tinh Vinasat-1, và đến ngày 14/7/2009, sóng phát thanh của Đài cũng đã được đưa lên vệ tinh Vinasat-1. Kể từ đây, sóng phát thanh - truyền hình Thanh Hóa đã có điều kiện để vươn xa, vươn rộng trên khắp địa bàn tỉnh, toàn quốc và khu vực.
Đài Thanh Hoá hiện có 250 CBVC-LĐ, trong đó: 07 người có trình độ thạc sỹ; hơn 80% có trình độ cao đẳng trở lên và gần 18% có trình độ Trung cấp, công nhân kỹ thuật và lao động phổ thông. Trong năm 2013, Đài PT&TH Thanh Hóa đã xây dựng và đưa vào vận hành trang Web của Đài với tên miền: truyenhinhthanhhoa.vn. Đây là bước phát triển phù hợp với xu thế phát triển truyền thông đa phương tiện của các cơ quan báo chí hiện nay.
Với sự phấn đấu bền bỉ trong suốt 60 năm qua, sự nghiệp phát thanh, truyền hình Thanh Hóa đã có bước phát triển không ngừng. Từ truyền thanh đến phát thanh, rồi phát thanh truyền hình, từ sóng mặt đất nay sóng phát thanh truyền hình qua vệ tinh, Đài PT&TH Thanh Hóa đã và đang từng bước vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thực sự là công cụ điều hành của cấp ủy, chính quyền và là diễn đàn của nhân dân trong tỉnh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng của tỉnh.
Một số chương trình văn nghệ tiêu biểu của đài TTV gồm: “Câu chuyện âm nhạc”, “Đất và người xứ Thanh”, Liên hoan tiếng hát Hoa Phượng Đỏ”, “Liên hoan tiếng hát truyền hình Thanh Hóa”, “Văn học nghệ thuật xứ Thanh”, “Sân khấu truyền hình chiều thứ 7”...
2.1.2. Đài PT&TH Nghệ An (NTV)
Ngày 7/9/1956, Đài truyền thanh Nghệ An được thành lập với thiết bị còn rất thô sơ. Đến tháng 01/1976, cùng với sự hợp nhất 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh, Đài phát thanh Nghệ Tĩnh (Trực thuộc Ty thông tin Nghệ Tĩnh) được ra đời. Ngày 07/9/1976, Trung ương có chủ trương thành lập Đài Truyền hình Vinh (trực thuộc Trung ương), từ đó Trung tâm phát sóng Truyền hình được xây dựng tại ngã năm Thành phố Vinh. Ban Vô tuyến Truyền hình Trung ương cử cán bộ kỹ thuật, biên tập giúp đỡ trực tiếp. Thiết bị của Đài Truyền hình Vinh được lắp đặt từ nguồn có sẵn sau khi Trung tâm truyền hình Giảng Võ được trang bị đầy đủ. Truyền hình Vinh là Đài khu vực được xem là Đài đầu tiên ra đời ở phía Bắc.
Tháng 3/1978, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Đài truyền hình Vinh được chuyển về tỉnh Nghệ Tĩnh, hai Đài Phát thanh và Truyền hình hợp nhất thành Đài PT&TH Nghệ Tĩnh. Ngày 19/5/1990, trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài đã được trang bị máy phát hình màu Zôna 5 KW và cột ăng ten 76m, đánh dấu một bước trưởng thành nhanh chóng của vô tuyến Truyền hình Nghệ An. Năm 1991, Đài lắp đặt hệ thống TVRO thu tín hiệu trực tiếp của Đài truyền hình Việt Nam qua vệ tinh, chấm dứt thời kỳ nhận các chương trình của đài Trung ương qua đường Bưu chính. Đây cũng là mốc quan trọng để tăng thời lượng, chất lượng tiếp phát sóng Đài Trung ương tại địa phương. Tháng 9/1991, Nghệ - Tĩnh chia tách thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, theo đó, hình thành hai đài riêng biệt. Ngày 02/9 năm 1991, hai Đài PT&TH Nghệ An và Hà Tĩnh phát sóng độc lập chương trình đầu tiên sau 15 năm hợp tỉnh.
Thực hiện đề án phủ sóng PT&TH Nghệ An, sau một thời gian chuẩn bị được Bộ Thông tin - Truyền thông, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC quan tâm giúp đỡ,
ngày 21/1/2009,chương trình truyền hình Nghệ An được phát sóng qua vệ tinh VINASAT1 phủ sóng cả nước và khu vực qua hệ thống Truyền hình kỹ thuật số, đã kết thúc việc chuyển chương trình Truyền hình bằng băng đĩa lên miền núi. Sau khi chương tình truyền hình phát sóng vệ tinh, Đài tiếp tục chuẩn bị đủ các điều kiện và 01/2/2010, chương trình phát thanh Nghệ An phát sóng qua Vệ tinh VINASAT1. Trang Thông tin điện tử PT&TH Nghệ An đã đưa vào hoạt động được hơn 3 năm, đánh dấu một bước phát triển vượt bậc, bước ngoặt lịch sử trong truyền dẫn phát sóng và nội dung chương trình PT&TH, góp phần quảng bá hình ảnh của Nghệ An đến với các địa phương trong cả nước và quốc tế.
Để chương trình ngày càng hấp dẫn, phục vụ kịp thời nhu cầu của khán giả, từ năm 2010 đến nay, các chương thời sự PT&TH hàng ngày đều thực hiện phương thức phát thẳng trực tiếp. Trên sóng PT&TH hàng ngày có 7 bản tin thời sự, hàng tuần có trên 40 chuyên đề, chuyên mục, chương trình văn nghệ, giải trí, chương trình tiếng dân tộc thiểu số (tiếng Mông, tiếng Thái). Hiện nay, Đài PT&TH Nghệ An có hơn 230 người, với trên 88% có trình độ chuyên môn trên Đại học, Đại học, cao đẳng. Phương tiện thiết bị kỹ thuật đã và đang được hiện đại theo hướng số hoá đáp ứng với yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng chương trình, tăng nguồn thu thông tin quảng cáo và dịch vụ.
Phát huy những thành tích đạt được, hiện nay, Đài Nghệ An đang thực hiện mục tiêu: Nâng cao chất lượng, thời lượng chương trình, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật, mở rộng diện phủ sóng, có nguồn lực tài chính ổn định; phấn đấu vươn lên trở thành Đài chuyên nghiệp trong hệ thống báo chí PT- TH cả nước"; xây dựng Đài thực sự là “Tiếng nói của Cấp uỷ, Chính quyền, diễn đàn tin cậy của nhân dân” trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển.
Một số chương trình văn nghệ tiêu biểu của đài NTV gồm: “Giai điệu quê hương”, “Tác giả - Tác phẩm”, “Dân ca xứ Nghệ”, “Ca nhạc thiếu nhi”, “Tiếng thơ”...
2.1.3. Đài PT-TH Hà Tĩnh (HTTV)
Tháng 6 năm 1956, để làm tốt công tác tuyên truyền, phục vụ các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước ở địa phương, tỉnh Hà Tĩnh được cấp một bộ thiết bị làm truyền thanh bao gồm: một tăng âm, một máy phát điện, năm chiếc loa, ba chiếc Micro. Đây chính là mốc son đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của ngành PT&TH Hà Tĩnh.
Giai đoạn từ năm 1975- 1991, 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh được sát nhập, đội ngũ cán bộ, Phóng viên, Biên tập viên, Kỹ thuật viên của đài PT&TH Hà Tĩnh và đài PT&TH Nghệ An nhập lại, lấy tên là đài PT&TH Nghệ Tĩnh. Năm 1991 tỉnh Hà Tĩnh được tái lập, ngày 1/9/1991 chương trình truyền hình đầu tiên của Đài PT&TH Hà Tĩnh đã được phát sóng. Trong thời gian này, mỗi tuần có một bản tin thời sự phát sóng vào thứ 7 hàng tuần, sau đó được nâng dân lên từ 2-3 bản tin trong tuần. Từ năm 2000 đến nay, cùng với việc đầu tư lắp đặt cột Ăng ten ở đỉnh núi Thiên Tượng (có độ cao 337m so với mức nước biển), và máy phát có công suất 10KW để mở rộng diện phủ sóng, đài PT&TH Hà Tĩnh đã mở thêm nhiều chương trình mới, tăng thời lượng phát sóng các chương trình. Trong đó, chương trình thời sự được quan tâm đầu tư khá lớn cả về phương tiện, thiết bị máy móc làm việc, và bố trí đội ngũ cán bộ, phóng viên. Hiện nay, chương trình của đài được phát sóng 18 giờ trên/ ngày. Ngày 1 tháng 6 năm 2012, chương trình của đài được phát sóng trên một kênh độc lập, và cũng trong năm này chương trình truyền hình Hà Tĩnh được phát sóng trên địa bàn toàn quốc thông qua hệ thống truyền hình MyTV (Kênh 381), trong năm 2013 chương trình của đài đã được phát sóng vệ tinh.
Hiện nay, ngoài các bản tin thời sự hằng ngày, đài Hà Tĩnh còn có hơn 20 chuyên mục, chuyên đề truyền hình, chương trình ca nhạc, tạp chí văn nghệ. Từ năm 2010 đến nay, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đài Hà Tĩnh đã được đầu tư hiện đại hóa thiết bị sản xuất chương trình, vì vậy, chất lượng các
chương trình phát thanh, truyền hình đã được cải thiện rõ rệt, cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Một số chương trình văn nghệ tiêu biểu của đài HTTV gồm: “Không gian âm nhạc”, “Đất và người xứ Hà Tĩnh”, “Gặp gỡ và đối thoại”, “Diễn đàn Văn học nghệ thuật”...
2.2. Thực trạng tổ chức sản xuất chƣơng trình văn nghệ truyền hình của các Đài khảo sát
2.2.1. Về quy trình tổ chức sản xuất chương trình văn nghệ
Các đài PT-TH ở khu vực Bắc trung bộ có nhiều điểm tương đồng và có sự giao lưu, hợp tác, trao đổi nghiệp vụ thường xuyên nên có điểm chung về quy trình tổ chức sản xuất như sau:
2.2.1.1. Hình thành ý tưởng: * Kế hoạch đề tài:
Các chương trình văn nghệ truyền hình ghi hình phát lại tại trường quay là các chương trình định kỳ, phát sóng trong khung giờ cố định nên đề tài thường được đăng ký trước với phòng Biên tập chương trình theo chủ điểm hàng tuần, tháng, quý. Ví dụ: chương trình “Văn học nghệ thuật xứ Thanh” phát sóng ngày 11/5/2016 trên sóng đài TTV có chủ đề: Tìm hiểu và giới thiệu các sáng tác văn học nghệ thuật về ngày bầu cử. Chương trình “Tiếng thơ” phát sóng tháng 4/2016 của đài NTV giới thiệu những bài thơ hay về ngày đất nước thống nhất. Chương trình “Không gian âm nhạc” tháng 2 của đài HTTV thì giới thiệu những bài hát hay về mùa xuân...
Bên cạnh đó, vào những dịp lễ lớn của quê hương, đất nước, các đài PT-TH ở Bắc Trung bộ cũng thường chủ động xây dựng kế hoạch, đề tài, hình thành các ý tưởng sáng tạo để triển khai TCSX thêm một số chương trình văn nghệ giải trí đột xuất với format mới, bám sát hơi thở thời sự và nhịp sống sôi
động hằng ngày. Ví dụ như đài TTV, để có những chương trình hấp dẫn, phục vụ khán giả trong dịp tết nguyên đán, hằng năm, Phòng Văn nghệ của đài đã chủ động xây dựng kế hoạch, đề cương, kịch bản chi tiết trước 2 tháng, đảm bảo các khâu chuẩn bị từ bối cảnh, đạo cụ cho đến khách mời, diễn viên, nghệ sĩ... Điều này giúp cho việc TCSX chương trình thuận lợi hơn, các khách mời nổi tiếng cũng dễ dàng tham gia hơn; đặc biệt là khâu dựng, xử lý hậu kỳ cũng tốt hơn; từ đó tạo ra một tác phẩm văn nghệ truyền hình chất lượng phục vụ khán giả. Và thực tế, với sự chủ động về kế hoạch, đề tài nên đài TTV đã có nhiều chương trình văn nghệ mừng Đảng, mừng xuân rất đặc sắc, như:
“Câu chuyện đầu năm”, “Xuân tuổi trẻ”, “Mùa xuân của em”, “Gặp gỡ ngày xuân”, “Mùa xuân đầu tiên”, “Nghệ sỹ với mùa xuân”... Các chương trình này đều được ứng dụng trang thiết bị hiện đại trong quá trình TCSX, gồm: công nghệ HD, Màn hình Led, Flycam... góp phần tạo nên món ăn tinh thần hấp dẫn, độc đáo, mang đậm hương vị tết xứ Thanh trong “mâm cỗ” ngày tết có quá nhiều sự lựa chọn của khán, thính giả trong và ngoài tỉnh.
* Trình duyệt kế hoạch
Tính chất đặc thù của chương trình văn nghệ là theo chuyên đề nên đa số phòng Văn nghệ của các Đài PT-TH ở Bắc Trung bộ đều xây dựng kế hoạch TCSX các chương trình văn nghệ, giải trí ngay từ đầu năm, bám sát theo định hướng tuyên truyền của Ban biên tập để trình duyệt sớm. Đây là khâu quan trọng, mang tính quyết định đến việc có TCSX chương trình được không? Qui mô như thế nào? Bởi việc đầu tư sản xuất một chương trình văn nghệ truyền hình đạt chất lượng đòi hỏi chi phí cao hơn rất nhiều so với các thể loại chương trình truyền hình khác.
Khi chủ trương được ký duyệt đồng ý, người chịu trách nhiệm TCSX chương trình sẽ gửi kế hoạch đến các phòng, ban liên quan để huy động nhân lực, thống nhất thời gian TCSX chương trình, thảo luận các vấn đề liên quan
đến kịch bản, bối cảnh, địa bàn thực hiện, dự phòng các tình huống phát sinh; đồng thời phối hợp với phòng Quảng cáo để kêu gọi tài trợ, hoặc chủ động tìm nguồn hỗ trợ kinh phí TCSX chương trình từ các cơ quan, đơn vị phối hợp. Điển hình cho cách làm này là chương trình “Văn học nghệ thuật xứ Thanh” của Đài TTV. Chương trình được thực hiện định kỳ 1 tháng/1 số với thời lượng 25 phút. Ngoài mức kinh phí chi trả của đài, còn có nguồn kinh phía hỗ trợ công tác TCSX của Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa với mức 5.000.000đ/chương trình. Điều đó không chỉ nâng cao trách nhiệm phối hợp trong TCSX chương trình văn nghệ giữa đài TTV và Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa, mà còn góp phần đem lại những tác phẩm truyền hình đặc sắc phục vụ công chúng. Cách làm này cũng được Đài NTV và HTTV áp dụng rất hiệu quả trong các chuyên mục văn nghệ truyền hình định kỳ, như: “Diễn đàn Văn học nghệ thuật”, “Giai điệu quê hương”, “Dân ca Nghệ Tĩnh”...
Tuy nhiên, qua khảo sát tại các đài PT-TH trong khu vực Bắc Trung bộ và thực tế công tác tại đài TTV cho thấy: Rất nhiều chương trình văn nghệ, giải trí mới do phòng văn nghệ của các đài tự sáng tạo, hình thành ý tưởng, nội dung, format và chủ động trình duyệt kế hoạch sớm nhưng lại không thực hiện được do nhiều yếu tố như: Kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn đài xuống cấp hoặc không đồng bộ, còn thiếu những phóng viên, NDCT giỏi về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, giải trí... Cụ thể như đài TTV, 2 năm trở lại đây đều đặt mục tiêu cho ra đời một sân chơi truyền hình dành cho nông dân nhưng vẫn chưa thực hiện được, dù cho format chương trình đã được duyệt, dù cho chương trình nhận được sự hưởng ứng, phối hợp rất tích cực của Hội nông dân tỉnh, song lại thiếu nguồn kinh phí, trang thiết bị kỹ thuật lạc hậu...