Kỹ thuật hướng dẫn sinh viên tự học, tự nghiên cứu

Một phần của tài liệu Thi giảng viên chính Phương pháp dạy đại hoc theo phát triển năng lực (Trang 37 - 41)

III- KĨ THUẬT TRIỂN KHAI MỘT SỐ LOẠI GIỜ DẠY HỌC Ở ĐẠI HỌC THEO TIẾP CẬN PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC

b. Phân nội dung

3.2. Kỹ thuật hướng dẫn sinh viên tự học, tự nghiên cứu

Khi nghiên cứu về phong cách người ta đã xác định được một số phong cách học. Đây là một nội dung mà khi hướng dẫn tự học cần lưu ý và tận dụng phong cách học của từng sinh viên để có những hướng dẫn tự học phù hợp và có hiệu quả đối với từng đối tượng sinh viên. Trong sách "Phương pháp học siêu tốc" [2] đã có một kết luận khá lý thú ở trang 119: Phương pháp học của một người là sự kết hợp giữa cách người đó tiếp thu và cách tổ chức, xử lý thông tin của người đó. Có người có xu hướng tiếp thu tốt thông qua cảm nhận ngôn ngữ nói (học chủ yếu theo phương thức "nghe"): với đối tượng này rất thích các giờ tư vấn của giảng viên. Có người lại tiếp thu tốt hơn thông qua thị giác (học chủ yếu theo phương thức "nhìn"): với đối tượng này rất thích các phiếu học tập mà giáo viên giao về nhà để tự điền thêm kiến thức. Có người lại tiếp thu tốt khi được sử dụng các giác quan khác mà hai giác quan thính giác và thị giác chỉ có vai trò hỗ trợ (phong cách học này được gọi là phương cách "động lực" (theo cách gọi của sách [2]): với đối tượng này thích các phương pháp dạy học thông qua đóng vai, trò chơi, điền dã…

Trong thực tế phần lớn là đan xen các phong cách học trong mỗi con người, sự phân chia trên chỉ có tính tương đối và có trọng số ưu tiên ở người này hay người khác, nhưng nếu giảng viên khi lên lớp nắm bắt được phong cách học tập của số đông trong lớp sẽ hỗ trợ rất tốt cho việc lựa chọn phương thức ưu tiên để chuyển tải nội dung dạy học.

2. Cung cấp "công cụ" tự học như phiếu học tập, bản đồ tư duy

Để sinh viên có thể tự học có hiệu quả, giáo viên cần cung cấp các công cụ hướng dẫn tự học như "phiếu học tập", giúp sinh viên lập bản đồ tư duy cho bản thân.

Bản đồ tư duy là hình ảnh trực quan và cảm giác để gợi nhắc dưới hình thức kết nối ý tưởng. Những chi tiết lấy từ bản đồ tư duy sẽ rất dễ nhớ, bởi vì nó theo mô hình tư duy của bộ não. Để lập bản đồ tư duy, ta dùng những bút chì màu và bắt đầu từ giữa trang giấy, nếu thuận tiện, đặt ngang tờ giấy sẽ có được nhiều khoảng trống hơn, sau đó thực hiện những bước sau (trang 164 [2]):

- Viết theo kiểu chữ in - đậm chủ đề hoặc ý tưởng chính ở giữa trang giấy, sau đó đóng khung bằng một hình tròn, hình vuông hoặc các hình khác (ví dụ bằng hình một bóng điện - trang 163 [2]).

- Kéo các nhánh từ giữa ra, mỗi nhánh dùng để diễn tả một điểm quan trọng hoặc ý tưởng chính. Số nhánh sẽ phụ thuộc vào số các ý tưởng hoặc các yếu tố cấu thành ý tưởng chính. Tô màu cho mỗi nhánh.

- Viết một từ hoặc một cụm từ chính lên mỗi nhánh, xây dựng thêm các nhánh chi tiết. Cụm từ chính là cụm từ chuyển tải được phần hồn của một ý tưởng và kích thích bộ nhớ của người lập bản đồ tư duy.

- Điền các biểu tượng và minh họa mà người lập thích thú và quen thuộc để nhớ lại tốt hơn.

Lưu ý: Những ý tưởng "gốc" (hay các nội dung N1 thường đề cập ở trên) luôn ở trung tâm và có thể tô đậm và viết kiểu chữ dễ gây ấn tượng nhất. Những biểu tượng bạn dùng giúp bạn liên tưởng tốt như cái đồng hồ liên tưởng đến thời gian, kế hoạch… Hãy "cá nhân hóa" bản đồ tư duy của bạn vì bạn có cách tư duy "riêng có" của mình. Nếu cần thiết bạn tô các màu mình thích vào những chỗ bạn cho là quan trọng hay đính kèm ngôi sao hoặc gạch chân. Để tìm hiểu kỹ vấn đề này có thể tham khảo thêm cuốn sách của T. Buzan với tiêu đề "Lập bản đồ tư duy: hướng dẫn khai thác những sáng tạo và giải quyết vấn đề" (Nxb. Tổng hợp HCM, 2010) hoặc một số sách dịch khác về "bản đồ tư duy" trong thời gian gần đây (trên các giá sách của hiệu sách không hiếm).

3. Hướng dẫn sinh viên cách ghi chép để giúp sinh viên có tư liệu liên kết việc học trên lớp và tự học ở nhà

Trong cuốn sách [2; tr.168-171] có giới thiệu phương pháp ghi chép TM (ghi chép và ghi nhận). Xin copy lại hình mẫu ghi chép theo kiểu TM trong sách này:

Chủ đề và nội dung giáo viên trình bày: Ghi chép

Ý tưởng và cảm giác, phản ứng của cá nhân: Ghi nhận

Nội dung A: ... (ghi ý chính) Theo mình không quan trọng: hỏi lại mục đích ý nghĩa của nội dung này đối với môn học, với ngành học...? ... Khái niệm X (ghi từ khóa) Tôi thích khái niệm này

Nội dung C: ... (ghi ý chính) Hình như hơi giáo điều; trong thực tế hình như không như vậy: sẽ phải tìm hiểu thêm

...

Nội dung E: ... (ghi ý chính) Tại sao lại như vậy; có cách trình bày khác rõ hơn không: sẽ phải đọc thêm

tài liệu về vấn đề này

... !!!

Với cách ghi chép như trên sẽ tạo động lực cho sinh viên tự học ngoài lớp (trước hoặc sau khi đến lớp), một yêu cầu của việc học tập theo học chế tín chỉ. Về nhà sinh viên sẽ kết hợp với bản ghi và tìm hiểu thêm để hoàn thiện "vở học tập".

4. Hướng dẫn sinh viên cách liên tưởng trong quá trình tự học

Liên tưởng giúp sinh viên nhớ những nội dung có thể là rời rạc mà đôi khi giảng viên "quá say sưa" mà quên mất logic vấn đề phải trình bày; liên tưởng để ghi nhớ những lý thuyết khó và các nội dung dạy học trừu tượng (tại sao không luận về "văn hóa ẩm thực" của Hàn Quốc thông qua món kim chi, của Việt Nam thông qua món phở, của Nga thông qua món "súp bắp cải"... Hay học khái niệm "đội ngũ" tại sao không liên tưởng đến bài học "Năm anh em trên một chiếc xe tăng" của Doãn Nho...). Liên tưởng đôi khi mang một chút ngớ ngẩn, cường điệu hóa, màu sắc hóa... nhưng đừng vội chê trách. Liên tưởng rõ ràng và cụ thể giúp bạn ghi nhớ tốt nhất điều bạn cần ghi nhớ.

5. Hướng dẫn sinh viên cách đọc tài liệu trong quá trình tự học

Hãy bắt đầu việc đọc bằng việc "lướt nhanh qua một lượt" để tăng khả năng lĩnh hội và liên tưởng khi đọc; cũng đừng bắt ép bản thân đọc nếu bạn thấy mình chưa sẵn sàng đọc. Hãy tạo tâm thế đọc khi bắt đầu nghiên cứu tài liệu:

Luôn đọc một cách chủ động; đọc ý tưởng, không quá chú ý đến ngôn từ; hãy huy động càng nhiều giác quan khi đọc càng tốt; thỉnh thoảng thơ mộng, liên tưởng để tạo hứng thú (thỉnh thoảng hít một hơi thật sâu để lấy sinh khí!) và điều quan trọng là kết hợp đọc với lập bản đồ tư duy cho bản thân hay tự hỏi mình những câu hỏi khi nghiên cứu tài liệu.

6. Hướng dẫn sinh viên đưa tư duy nghiên cứu khoa học vào việc nghiên cứu tài liệu trong quá trình tự học

Có câu chuyện "một trưa hè Niutơn nằm chơi dưới gốc táo, thấy quả táo rơi xuống đất và định luật vạn vật hấp dẫn ra đời". Thưa bạn, đó là người ta thi vị hóa phát minh khoa học đấy! Để có một ý tưởng khoa học phải qua các giai đoạn: thu thập và xử lý thông tin; tập hợp tri thức lý luận và thực tiễn; trăn trở và ấp ủ (đi sâu vào các sự việc và nghiền ngẫm trong đầu); đến một lúc nào đó sẽ "khai trí" (các ý tưởng sẽ nổi lên dưới các dạng khác nhau) và cuối cùng là thẩm

định và áp dụng. Khi nghiên cứu tài liệu với tư duy của nhà khoa học hãy tự đặt cho mình các câu hỏi: Mình có thể làm được gì với những điều đang nghiên cứu; Những gì mình đã có so với những điều mình đang nghiên cứu và những điều này đưa đến cho mình những ý tưởng gì; thực hiện mục đích học tập nào...

Một phần của tài liệu Thi giảng viên chính Phương pháp dạy đại hoc theo phát triển năng lực (Trang 37 - 41)