1. Trước khi ban hành Luật Công chứng
Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08-12-2000 về công chứng, chứng thực; Thông tư liên tịch số 93/2001/TTLT/ BTC- BTP ngày 21-11-2001 của Bộ Tài chính-Bộ Tư pháp hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí công chứng, chứng thực, thì người yêu cầu công chứng phải nộp lệ phí công chứng khi yêu cầu công chứng đã được thực hiện.
Ngoài ra, trong trường hợp theo yêu cầu của người yêu cầu công chứng, Phòng công chứng thực hiện cả việc soạn thảo hợp đồng, giao dịch, dịch, hiệu đính, đánh máy, sao chụp và các việc khác có liên quan, thì người yêu cầu công chứng còn phải nộp chi phí để thực hiện các việc đó (gọi là phí dịch vụ).
Như vậy, nguồn thu của Phòng công chứng bao gồm lệ phí công chứng là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được Phòng công chứng thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch và các việc công chứng khác theo quy định.
Còn phí dịch vụ bao gồm các chi phí để thực hiện các việc như soạn thảo hợp đồng, giao dịch, dịch, hiệu đính, đánh máy, sao chụp và các việc khác có liên quan, thì Phòng công chứng chỉ thu khi có yêu cầu của người yêu cầu công chứng.
Đối với phí dịch vụ: Mức thu phí dịch vụ do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định.
2. Theo quy định của Luật công chứng
a. Phí công chứng bao gồm: Phí hợp đồng, giao dịch; phí lưu giữ di chúc;phí cấp bản sao văn bản công chứng. phí cấp bản sao văn bản công chứng.
Một trong những điểm mới xuyên suốt trong Luật Công chứng là hoạt động công chứng mang tính chất dịch vụ để phân biệt với hoạt động quản lý nhà nước, do vậy, những khoản tiền mà Phòng công chứng thu của cá nhân, tổ chức khi yêu cầu công chứng được thực hiện cũng khác với lệ phí trước đây. Pháp lệnh phí, lệ phí năm 2001 quy định:
"Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ được quy định trong danh mục phí ban hành kèm theo Pháp lệnh phí, lệ phí" còn "Lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước hoặc tổ chức được ủy quyền phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong danh mục lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh phí, lệ phí".
Phí công chứng bao gồm phí công chứng hợp đồng, giao dịch, phí lưu giữ di chúc, phí cấp bản sao văn bản công chứng.
Người yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, lưu giữ di chúc, cấp bản sao văn bản công chứng phải nộp phí công chứng.
Mức thu cụ thể, chế độ thu, nộp, sử dụng và quản lý phí công chứng được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Trên nguyên tắc xác định mức thu đã được quy định tại Pháp lệnh Phí và Lệ phí và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, mức thu cụ thể đối với từng loại việc công chứng sẽ được ấn định bằng một số tiền nhất định, không tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên giá trị tài sản và giá trị hợp đồng.
b. Thù lao công chứng, chi phí khác
- Người yêu cầu công chứng phải trả thù lao khi yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc soạn thảo hợp đồng, giao dịch, đánh máy, sao chụp và các việc khác liên quan đến việc công chứng. Mức thù lao đối với từng loại việc này do tổ chức hành nghề công chứng quy định.
- Trường hợp người yêu cầu công chứng đề nghị xác minh, giám định hoặc thực hiện công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng thì người yêu cầu công chứng phải trả chi phí để thực hiện việc đó, mức chi phí do người yêu cầu công chứng và tổ chức hành nghề công chứng thỏa thuận.
NHỮNG ĐIỂM MỚI
trong Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính,
chứng thực chữ ký