V. TỔ CHỨC CÔNG CHỨNG Ở PHÁP
1. Cơ quan tự quản do Điều lệ quy định
Theo phân bố địa lý, ở Pháp có 95 tỉnh. Mỗi tỉnh có một Nghiệp đoàn công chứng được gọi là Hội đồng công chứng tỉnh. Toàn bộ công chứng viên thuộc phạm vi thẩm quyền của Hội đồng công chứng tỉnh họp một năm 2 lần vào tháng 5 và tháng 11. Tại các kỳ họp sẽ bầu ra các chức danh của Hội đồng công chứng tỉnh, Hội đồng công chứng khu vực, Hội đồng công chứng tối cao (cấp quốc gia) và thông qua ngân sách hoạt động ngành công chứng. Trong hai kỳ họp còn giải quyết các vấn đề liên quan đến kỷ luật của công chứng viên: xem xét các sai phạm, định mức chế tài (hình thức kỷ luật). Hình thức kỷ luật được dựa trên các kết quả thanh tra thường niên hoặc bất thường về các mặt: đạo đức, lề lối làm việc, sai phạm chuyên môn.
Hội đồng công chứng cấp tỉnh đại diện cho quyền lợi của công chứng viên trong tỉnh, là cơ quan quan hệ với các cơ quan khác trong tỉnh vì lợi ích của toàn bộ công chứng viên trong tỉnh đó.
Pháp luật cấm công chứng viên tự quảng cáo nhưng Hội đồng công chứng có thể có hình thức quảng cáo chung cho các công chứng viên trong tỉnh.
Vào tháng 12 hàng năm, ở 95 Hội đồng công chứng cấp tỉnh trên toàn quốc tổ chức các cuộc hội thảo với sự tham gia của nhiều người dân. Tại đây, việc tư vấn và thuyết trình được miễn phí hoàn toàn.
Hội đồng công chứng cấp tỉnh là cơ quan tự quản đứng bên cạnh Tòa rộng quyền. Hội đồng công chứng khu vực (cấp vùng) là cơ quan tự quản đứng bên cạnh Tòa thượng thẩm. Hội đồng công chứng khu vực có chức năng:
+ Đại diện quyền lợi công chứng viên trong khu vực;
+ Tổ chức kiểm tra, kiểm toán chéo giữa các Phòng công chứng.
Hiện nay, trên toàn nước Pháp có 95 Hội đồng công chứng tỉnh và 31 Hội đồng công chứng khu vực.
Ở cấp quốc gia có Hội đồng công chứng tối cao, trụ sở tại Paris. Hội đồng công chứng tối cao có chức năng:
+ Là người đại diện cho toàn ngành công chứng Pháp bên cạnh các cơ quan: Bộ Tư pháp, Chính phủ, Quốc hội...
+ Cho ý kiến vào dự thảo các văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động công chứng;
+ Thông tin, phổ biến, tuyên truyền hoạt động công chứng (quảng cáo chung cho toàn ngành công chứng);
+ Xây dựng quy hoạch đào tạo công chứng viên, hướng mở rộng các Phòng Công chứng;
+ Xây dựng và ban hành Điều lệ, quy chế hành nghề công chứng.
Ở Pháp trong văn bản quản lý Nhà nước không có quy định mối quan hệ giữa công chứng viên với nhau, công chứng viên với khách hàng nhưng Điều lệ lại quy định vấn đề này. Đồng thời, Điều lệ còn quy định cả việc quản lý các Phòng Công chứng.