10.1. Mặt được
- Những quy định của Chương này đã góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của người lao động nữ, khẳng định quyền bình đẳng về mọi mặt của lao động nữ đối với nam giới.
- Đã quy định trách nhiệm Nhà nước trong việc đưa ra những chính sách và biện pháp để từng bước tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, tăng cường phúc lợi mọi mặt cho người lao động nữ phát huy năng lực của mình, đảm bảo chức năng gia đình và xã hội của họ.
- Với sự ra đời của Luật Bình đẳng giới, người lao động nữ được chồng con chia sẻ thêm trách nhiệm gia đình, có thêm điều kiện để tham gia hoạt động kinh doanh và công tác xã hội.
- Đã đề cập đến trách nhiệm và nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với lao động nữ; những hành vi của người sử dụng lao động bị nghiêm cấm khi sử dụng lao động nữ; và có quy định ưu đãi riêng đối với lao động nữ trong quá trình lao động… góp phần bảo vệ lao động nữ trong quá trình sử dụng lao động nữ.
10.2. Mặt hạn chế
- Việc có những quy định phần nào mang cảm tính, mang tính bảo vệ người lao động nữ có phần thiếu căn cứ khoa học, vô hình chung làm cho một số doanh nghiệp sử dụng lao động nữ phải tính toán lại để giảm bớt chi phí hoặc hạn chế nhận người lao động nữ vào làm việc như các quy định về: cấm sử dụng lao động nữ bất kỳ độ tuổi nào làm việc thường xuyên dưới hầm mỏ hoặc ngâm mình dưới nước theo khoản 2 Điều 113; việc chuyển người lao động nữ khi có thai đến tháng thứ 7 sang làm công việc nhẹ hơn hoặc giảm bớt một số giờ làm việc hàng ngày mà vẫn hưởng đủ lương… Những nội dung này theo khuyến nghị của một số chuyên gia của tổ chức lao động quốc tế (ILO) là hạn chế quyền và cơ hội lao động của lao động nữ.
- Một số quy định ưu đãi đối với người lao động nữ không triển khai thực hiện được vì thiếu những quy định hướng dẫn thực hiện như: việc giảm thuế, ưu đãi
thuế đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ theo quy định tại khoản 2 Điều 110.
10.3. Đề xuất sửa đổi, bổ sung
- Sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành theo quan điểm bình đẳng giới, nâng cao cơ hội việc làm và bảo vệ quyền làm mẹ của người lao động nữ. Người lao động nữ phải được bảo vệ đặc biệt trong lao động trong thời kỳ mang thai và một thời gian sau khi sinh.
- Nhiều ý kiến đề nghị nâng thời gian nghỉ sinh con lên 06 tháng để phù hợp với khuyến cáo của WHO nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất trong 06 tháng và nhiều doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ không có điều kiện lập nhà trẻ, các nhà trẻ hiện không có điều kiện nhận trẻ dưới 06 tháng tuổi. Hiện hành cao nhất là 05 tháng (06 tháng chỉ đối với lao động nữ khuyết tật), nâng lên 06 tháng cho mọi đối tượng, không phải phân chia nhiều điều kiện làm việc bình thường và nặng nhọc độc hại, xa xôi hẻo lánh. Tuy nhiên, cũng có ý kiến nên có 02 mức 06 và 07 tháng như đang phân biệt theo điều kiện lao động và tính chất công việc.