THẢO BỘ LUẬT LAO ĐỘNG (SỬA ĐỔI)
1. Về phạm vi điều chỉnh của dự án Bộ luật.
Bộ luật Lao động được xác định là Bộ luật “gốc” về lĩnh vực lao động, trong đó có các chế độ lao động liên quan đến quyền lao động, quyền nghỉ hưu, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động… Do đó, về phạm vi điều chỉnh của Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy đinh: “Bộ luật Lao động quy định quyền, nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động, các tiêu chuẩn lao động, nguyên tắc sử dụng và quản lý lao động, điều chỉnh quan hệ lao động giữa người lao động làm công ăn lương với người sử dụng lao động và các quan hệ liên quan trực tiếp với quan hệ lao động” (Điều 1).
Trong Dự thảo Bộ luật Lao động, các quy phạm về lao động được chia thành hai nhóm: Nhóm quy định về tiêu chuẩn lao động và Nhóm quy định về quan hệ lao động.
Đối với các quy định về tiêu chuẩn lao động: Đây là các mức quy định chung cho mọi hoạt động, bất kỳ người nào có hoạt động lao động đều phải có nghĩa vụ áp dụng, đặc biệt là các tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh lao động.
Đối với các quy định về quan hệ lao động: Đây là các mức quy định để điều chỉnh quan hệ lao động giữa một bên là người lao động (hoặc tập thể lao động thông qua đại diện) và một bên là người sử dụng lao động (hoặc tổ chức đại diện của người sử dụng lao động).
Mặt khác, với tư cách là Bộ luật “gốc” về lao động, Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) tiếp tục là cơ sở pháp lý quan trọng cho các Luật chuyên ngành đã ban hành như: Luật Dạy nghề, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các Luật chuyên ngành khác trong tương lai. Theo chương trình xây dựng pháp luật dự kiến, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh Lao động và Luật Tiền lương tối thiểu.
2. Về đối tượng áp dụng
Dự thảo Bộ luật Lao động áp dụng đối với 3 nhóm đối tượng theo hợp đồng lao động, đó là:
- Người lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động, người học nghề, tập nghề, người giúp việc gia đình và một số hoạt động khác được quy định tại Bộ luật;
- Người sử dụng lao động;
- Người lao động nước ngoài làm việc cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tại Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác (các khoản 1, 2, 3 Điều 2).
Bên cạnh đó, Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định: “Chế độ lao động đối với cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, người giữ các chức vụ được bầu, cử hoặc bổ nhiệm, người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân, người thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác và xã viên hợp tác xã do các văn bản pháp luật khác quy định, nhưng tùy từng đối tượng mà được áp dụng một số quy định trong Bộ luật Lao động” (Khoản 4, Điều 2).