II. Kỹ năng tham gia Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số
7. Kỹ năng viết báo cáo
Kỹ năng này được hiểu là cách thức triển khai, trình bày các kết quả giám sát dưới hình thức văn bản. Trên thực tế khi tiến hành viết báo cáo về công tác xóa đói giảm nghèo, ĐBQH nhận được sự trợ giúp rất nhiều từ cán bộ VPQH và Đoàn ĐBQH. Tuy nhiên, việc viết báo cáo cần phải được các đại biểu sử dụng thuần thục để tăng hiệu quả hoạt động giám sát.
Các yêu cầu đối với kỹ năng này như sau:
- Trình bày báo cáo dưới hình thức văn bản “Báo cáo” một cách ngắn gọn, chặt chẽ.
- Nêu ra các kết quả đạt được trong quá trình giám sát công tác xóa đói giảm nghèo, trên cơ sở các nội dung được đề ra trong chương trình giám sát. Ví dụ: khi giám sát công tác xóa đói giảm nghèo cho các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, Đoàn giám sát đã nhận thấy việc hoàn thành chỉ tiêu hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán thấp nhất tại đây là do vấn đề về sự suy giảm lượng nước ngầm,…
- Đánh giá cụ thể từng nội dung, hoạt động giám sát của Đoàn giám sát việc thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo.
- Đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ giám sát của từng thành viên Đoàn giám sát.
- Nêu các yêu cầu, kiến nghị với cơ quan chức năng, các đối tượng chịu sự giám sát về các biện pháp xử lý, thời gian cụ thể cho việc trả lời các yêu cầu, kiến nghị do Đoàn đề ra. Ví dụ, sau khi xem xét báo cáo và xác minh vấn đề xóa đói giảm nghèo còn bất cập tại các vùng đặc biệt khó khăn miền núi phía Bắc, Đoàn giám sát đưa ra kiến nghị “Cần nghiên cứu, ban hành chính sách “hậu tái định cư”, quy định rõ yêu cầu, trách nhiệm của chủ đầu tư và các cơ quan về việc bảo đảm ổn định cuộc sống và sản xuất trước mắt, lâu dài, bền vững cho các đối tượng phải di chuyển, mất đất ở, đất sản xuất do xây dựng các công trình thuỷ điện, thủy lợi”.