4.1 Kết luận
VQG Cát Tiên đã xác định hệ thực vật 1.615 loài, 94 bộ, 162 họ, 710 chi. Thành phần gồm các loài ưu thế thuộc họ Sao Dầu (Dipterocarpaceae), họ Đậu (Fabaceae) và họ Tử vi (Lythraceae). Ngoài 300 loài nấm thường gặp ở Việt Nam, còn có thêm 90 loài mới, hơn 20 chi mới (hoặc mới tách), 9 họ mới và 1 bộ mới bổ sung cho hệ nấm Việt Nam. Ngoài ra đã phát hiện và nuôi trồng thành công chi nấm hương Lentinula platinedodes. Khu hệ động vật lớp Thú của VQG Cát Tiên gồm 113 loài thuộc 32 họ, 12 bộ, trong đó có 39 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. các sinh cảnh của quần thể Voi châu Á (Elephas Maximus) từ 9-11 cá thể; của quần thể Bò tót (Bos gaurus) với 110 cá thể; của Bò rừng (Bos banten) với khoảng 8 -10 cá thể và của các loài linh trưởng quý hiếm, phong phú về thành phần loài và số lượng cá thể. Ở VQG Cát Tiên hiện có 348 loài chim thuộc 64 họ của 18 bộ. Trong đó có 31 loài quí hiếm đã được phát hiện và có tên trong Sách Đỏ Việt Nam; 89 loài bò sát (20 loài Sách đỏ VN, 13 loài Danh lục IUCN); 45 loài lưỡng cư (3 loài Sách đỏ VN, 3 loài Danh lục IUCN); 159 loài cá nước ngọt (4 loài Sách đỏ VN, 13 loài Danh lục IUCN).
Tuy nhiên, đa dạng sinh học ở nơi đây đang bị ảnh hướng và suy thoái nặng nề do một số tác động từ tự nhiên và nhân tạo. Nhiều năm qua, bằng những nỗ lực triển khai các dự án “Bảo tồn đa dạng sinh học” do Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Bộ NN & PTNT phối hợp thực hiện, việc quản lý thủy văn được cải thiện, mực nước được điều chỉnh, các loài thủy sinh, thủy sản phát triển, thảm thực vật được phục hồi…song song đó, VQG cũng có nhiều chính sách nhằm bảo tồn đa dạng sinh học nơi đây. Qua đó, duy trì môi trường đất ngập nước, bảo tồn các loài chim quý hiếm, đồng thời cải thiện sinh kế địa phương thông qua các hoạt động du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc quản lý và sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên. Song song đó cần có những biện pháp nhằm khắc phục tình trạng xâm nhập từ các loài ngoại lai.