3 HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH VÀ PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG TRONG
3.2 Hoàn thiện chính sách tiền lương, tiền công cho người lao
Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập sâu hơn, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo lập đồng bộ các loại thị trường, đòi hỏi phải tiếp tục cải cách chính sách tiền lương khu vực thị trường với quan điểm xuyên suốt là tiền lương phải được coi là sự đầu tư vào vốn con người, vốn nhân lực, đầu tư cho phát triển, là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của nguồn lao động, của sản phẩm, của doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt trong điều kiện tiến bộ khoa học và áp dụng công nghệ mới, kinh tế tri thức. Phải thay đổi cách tiếp cận chính sách tiền lương trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm của quốc tế và phù hợp với điều kiện nước ta trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, cụ thể là:
Một là, trong kinh tế thị trường định hướng XHCN, chính sách tiền lương khu vực thị trường, một mặt, phải theo định hướng thị trường, tuân thủ những nguyên tắc thị trường; mặt khác, phải kết hợp với nguyên tắc công bằng xã hội trong tiền lương, không phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp về tiền lương. Trong đó, vấn đề cốt lõi nhất là phải đảm bảo tiền lương trả đúng giá trị lao động, quan hệ cung - cầu lao động, song phải có sự quản lý, điều tiết vĩ mô của Nhà nước.
Hai là, trong kinh tế thị trường, tiền lương tối thiểu có vai trò rất quan trọng, là lưới an toàn xã hội và chống bóc lột. Tiền lương tối thiểu phải đảm bảo đủ sống, đáp ứng nhu cầu mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình, phản ánh được tiền công trên thị trường đối với lao động giản đơn làm việc trong điều kiện lao động bình thường và khả năng chi trả của doanh nghiệp; đồng thời không làm giảm cơ hội việc làm của người lao động trên thị trường. Chính sách tiền lương phải được đặt trong tổng thể chính sách lao động, việc làm của quốc gia. Tiền lương tối thiểu được luật hóa và là công cụ cơ bản nhất để Nhà nước quản lý tiền lương trong kinh tế thị trường.
Ba là, chính sách tiền lương trong khu vực thị trường là một trong những nội dung cơ bản của chính sách tiền lương trong kinh tế thị trường.
Đối với doanh nghiệp xu hướng tối đa hóa lợi nhuận và áp lực cạnh tranh là rất lớn. Bởi vậy, tiền lương là giá cả sức lao động, phải có tính cạnh tranh vì tiền lương là đầu vào của chi phí sản xuất, được hạch toán trong giá thành sản xuất. Tiền lương trả cho người lao động làm công ăn lương phải phụ thuộc vào kết quả đầu ra. Tức là phải gắn với năng suất cá nhân của người lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bốn là, tiền lương phải tuân thủ các nguyên tắc của thị trường, song việc xác định tiền lương phải dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên trong quan hệ lao động ở doanh nghiệp và ngành thông qua ký kết thỏa ước lao động tập thể.
Năm là, đối với nước ta, trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường, đang tồn tại nhiều loại hình doanh nghiệp theo thành phần kinh tế và đặc điểm sở hữu (doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp thuộc khối tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Bởi vậy, chính sách tiền lương khu vực sản xuất kinh doanh, phải đảm bảo sự thống nhất mức tiền lương tối thiểu và cơ chế tiền lương, theo nguyên tắc không phân biệt đối xử trong tiền lương giữa các loại hình doanh nghiệp, xóa bỏ độc quyền và bảo hộ của Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước.
Sáu là, trong cải cách chính sách tiền lương khu vực sản xuất kinh doanh phải làm rõ vai trò của Nhà nước và vai trò của thị trường. Nhà nước quản lý tiền lương bằng pháp luật, hướng dẫn tiêu chuẩn lao động, kiểm tra, thanh tra và xử lý những khiếm khuyết của thị trường, không can thiệp trực tiếp và quá sâu vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có quyền tự chủ trong việc trả lương gắn với năng suất và hiệu quả sản xuất kinh doanh, thông qua cơ chế thương lượng, thỏa thuận giữa các bên trong quan hệ lao động (đại diện người lao động, người sử dụng lao động).
Để thực hiện các định hướng trên cần phải áp dụng các giải pháp chung là:
Thứ nhất, nghiên cứu tách chính sách tiền lương cho 3 khu vực với cơ chế tiền lương khác nhau, đó là:
(i) Khu vực hành chính Nhà nước có nguồn tiền lương từ ngân sách Nhà nước. Chính sách tiền lương khu vực này phải đảm bảo mức sống cho cán bộ, công chức ở mức trung bình tiên tiến của xã hội.
(ii) Khu vực sự nghiệp có nguồn tiền lương một phần từ ngân sách Nhà nước và một phần từ nguồn thu sự nghiệp hoặc tự trang trải. Tiền lương của cán bộ, viên chức khu vực này phụ thuộc vào năng suất, chất lượng cung cấp dịch vụ công.
(iii) Khu vực sản xuất kinh doanh có nguồn tiền lương từ kết quả sản xuất kinh doanh và theo cơ chế tiền lương thị trường.
Thứ hai, tiếp tục điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu chung tiếp cận dần nhu cầu mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, khắc phục chính sách tiền lương tối thiểu chung còn thấp hiện nay để đảm bảo tiến trình hội nhập. Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu chung phải trên cơ sở tăng trưởng kinh tế, khả năng chi trả của doanh nghiệp, biến động chỉ số giá linh hoạt, tương quan mức sống giữa các khu vực nông thôn thành thị và các tầng lớp dân cư… Tách tiền lương tối thiểu chung và quy định mức tiền lương thấp nhất cho khu vực hành chính Nhà nước, khu vực sự nghiệp và khu vực sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, xây dựng lộ trình thống nhất mức lương tối thiểu và cơ chế tiền lương thống nhất cho các loại hình doanh nghiệp vào năm 2012, theo luật doanh nghiệp thống nhất, có hiệu lực từ 1.7.2006. Trong đó, cần nghiên cứu làm rõ luận cứ về tiền lương tối thiểu theo vùng và tính đến khả năng chi trả của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ tư, nghiên cứu mở rộng quan hệ tiền lương giữa thấp nhất - trung bình - tối đa. Theo đề án cải cách tiền lương năm 2003 là 1 - 2,5 - 11, nhưng trên thực tế quan hệ này cũng chưa phản ánh đúng thực tế. Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, quan hệ này là 1 - 2,8 - 13. Trên cơ sở xác định quan hệ này, nhà nước hướng dẫn các thông số, các nguyên tắc để các doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp nhà nước) xây dựng và đăng ký thang, bảng lương với cơ quan lao động địa phương để có căn cứ thực hiện chế độ đối với người lao động hoặc quy định khung lương để
doanh nghiệp vận dụng cho phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức lao động của doanh nghiệp.
Thứ năm, xây dựng cơ chế đối thoại,thương lượng, thỏa thuận về tiền lương, nhất là tiền lương tối thiểu ở doanh nghiệp và ngành. Trong đó, đặc biệt nâng cao vai trò đại diện của thành viên Công đoàn doanh nghiệp và ngành; hình thành cơ chế các bên và ký kết thỏa ước lao động tập thể.
Thứ sáu, tập trung đổi mới quản lý tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước để doanh nghiệp nhà nước than gia đầy đủ và bình đẳng vào thị trường. Trong đó, dặc biệt là thực hiện thống nhất cơ chế tiền lương tối thiểu (như trên); bãi bỏ thang, bảng lương do nhà nước quy định đối với doanh nghiệp nhà nước, mà chỉ hướng dẫn để doanh nghiệp nhà nước tự xây dựng thang, bảng lương và đăng ký với cơ quan nhà nước (như đối với doanh nghiệp tư nhân và FDI); xóa bỏ độc quyền và bảo hộ doanh nghiệp nhà nước, nhất là lợi thế về ngành nghề; thực hiện phương thức hợp đồng lao động đối với bộ máy quản lý và thuê giám đốc...
Thứ bảy, tăng cường quản lý Nhà nước về tiền lương, tiền công trong khu vực sản xuất kinh doanh theo hướng tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, xây dựng luật tiền lương tối thiểu, luật việc làm; thành lập ủy ban cấp ngành và cấp quốc gia về quan hệ lao động; xây dựng và thực hiện chương trình quốc gia định kỳ giám sát, đánh giá và điều chỉnh mức lương tối thiểu.