Khắc phục và giải quyết tình trạng thất nghiệp luôn là vấn đề nan giải, bởi lẽ vấn đề này đã trở thành căn bệnh cố hữu của nền kinh tế thị trường. Tuỳ theo điều kiện thực tế mà mỗi nước có những chính sách và những biện pháp giải quyết khác nhau. Dưới đây là một số chính sách và biện pháp giải quyết tình trạng thất nghiệp mà các nước đã và đang áp dụng:
Chính sách dân số: Đây là chính sách mang tính chiến lược lâu dài nó không chỉ
góp phần làm giảm thất nghiệp, mà còn tác động nhiều mặt đến đời sống kinh tế - xã hội. Hạ thấp tỷ lệ tăng dân số cũng có nghĩa là giảm được tỷ lệ tăng lực lượng lao động từ đó tạo thêm cơ hội tìm kiếm việc làm. Thực hiện chính sách dân số cũng có nghĩa là thực hiện các chương trình kế hoạch hoá gia đình, cải thiện sức khoẻ, dinh dưỡng, giáo dục và cơ hội cho phụ nữ giảm tỷ lệ sinh đẻ để từ đó giảm được tỷ lệ tăng dân số và nguồn lao động.
Ngăn cản di cư từ nông thôn ra thành thị: Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị thường
cao hơn nông thôn, nhưng một bộ phận dân cư nông thôn vẫn có xu hướng di cư ra thành thị để tìm kiếm việc làm. Bởi lẽ, quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh chóng, nếu ở thành thị người lao động tìm được việc làm thì thu nhập thường cao hơn khi họ làm việc ở nông thôn. Đây là một áp lực rất lớn làm cho bản thân cư dân thành thị cũng lâm vào tình cảnh thất nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, người ta đã thực hiện một loạt các chương trình như: Định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn, thay đổi công nghệ trong nông nghiệp, xây dựng thêm trường học, bệnh viện và cơ sở hạ tầng, tăng cường các dự án đầu tư để phát triển công nghiệp ở khu vực nông thôn… Tuy nhiên, khi thực hiện các chương trình này, chính phủ các nước thường gặp khó khăn về vốn và sử dụng vốn đầu tư.
Áp dụng các công nghệ thích hợp: Nói chung khi áp dụng các công nghệ thích
hợp sẽ sử dụng được nhiều lao động hơn. Vì vậy, chính phủ thường khuyến khích các doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở khu vực nông thôn sử dụng công nghệ thích hợp để sản xuất ra những hàng hoá thu hút nhiều lao động phù hợp với thị hiếu và túi tiền của người có thu nhập thấp. Khi thực hiện chính sách này, có thể sử dụng các công cụ thuế, lãi suất để điều tiết, chẳng hạn: những hàng xa xỉ phẩm đánh thuế cao hơn những mặt hàng thiết yếu hay giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp địa phương thu hút nhiều lao động…
Giảm độ tuổi nghỉ hưu: Đây là biện pháp “tình thế”, khi tỷ lệ thất nghiệp tăng
nhanh gây nên những áp lực lớn về chính trị. Việc cắt giảm tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ nhanh chóng thu hút được một bộ phận lao động đang bị thất nghiệp thay thế chỗ làm việc của người về hưu. Bộ phận này chủ yếu nằm ở độ tuổi lao động từ 16 đến 24 tuổi. Tuy nhiên, cách làm này sẽ làm cho số tiền chi trả trợ cấp hưu trí tăng lên, người lao động và người sử dụng lao động sẽ phải đóng góp cao hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sản xuất của họ, đồng thời ngân sách chính phủ cũng phải gánh vác một phần để giải quyết hậu quả. Chính vì vậy, khi thực hiện biện pháp này người ta phải tính toán và cân nhắc khá kỹ lưỡng.
Chính phủ tăng cường đầu tư cho nền kinh tế: Ngoài việc gọi vốn và kích thích
đầu tư nước ngoài, chính phủ còn tăng cường đầu tư cho nền kinh tế bằng cách “bơm tiền” một cách trực tiếp để xây dựng thêm những vùng kinh tế, xây dựng cơ
sở hạ tầng và các công trình công cộng để tạo thêm việc làm cho người lao động và thực hiện những mục tiêu kinh tế - xã hội khác. Tuy vậy, nếu số chi lớn hơn số thu từ thuế của chính phủ thì rất có thể lạm phát sẽ xảy ra. Cách làm này được Mỹ tiến hành sau cuộc tổng khủng hoảng (1929-1933) nhưng kết quả rất hạn chế và phát sinh nhiều khó khăn cho chính phủ, đặc biệt là tình trạng lạm phát.
Trợ cấp thôi việc, mất việc làm: Đây cũng là biện
pháp “tình thế” mà các doanh nghiệp thường áp dụng góp phần giải quyết khó khăn, ổn định cuộc sống khi người lao động của mình phải thôi việc hoặc mất việc làm do doanh nghiệp bị phá sản, giải thể, tinh giảm biên chế… Khoản tiền trợ cấp mà người lao động nhận được do phải thôi việc, là bởi họ có một quá
trình đóng góp để tạo nên phúc lợi cho doanh nghiệp, thực chất là phần lợi nhuận mà trước đây người lao động đã tham gia tạo nên. Mức trợ cấp phụ thuộc vào thời gian làm việc cho doanh nghiệp trước khi người lao động thôi việc, mất việc làm. Tuy nhiên biện pháp này có nhược điểm cơ bản là, khi doanh nghiệp có nhiều người thôi việc, mất việc, cũng là lúc doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đồng thời lại phải chi ra một khoản tiền lớn để trả trợ cấp thôi việc, mất việc nên sẽ rất bị động về tài chính, nhiều doanh nghiệp không có khả năng chi trả.
Trợ cấp thất nghiệp: Biện pháp này được thực hiện rất đa dạng và phong phú. Có
nước do Liên đoàn lao động thực hiện nhằm giúp các thành viên của họ có được một khoản tiền để ổn định cuộc sống và xúc tiến tìm kiếm việc làm mới sau khi bị thất nghiệp. Có nước do Nhà nước trợ cấp cho người lao động bị thất nghiệp. Khoản tiền trợ cấp này lấy từ quỹ bảo hiểm quốc gia, với điều kiện người được nhận trợ cấp phải có quá trình đóng góp vào quỹ trước khi bị thất nghiệp. Thực chất đây là chế độ trợ cấp thất nghiệp nằm trong hệ thống các chế độ BHXH mà Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đã khuyến cáo từ năm 1952 và cho đến nay đã nhiều nước thực hiện. Có những nước, trợ cấp thất nghiệp vừa do Liên đoàn lao động thực hiện vừa do Nhà nước thực hiện. Liên đoàn lao động thực hiện cho thành viên của mình là những người lao động làm trong các doanh nghiệp không may bị thất nghiệp, còn Nhà nước thực hiện với những đối tượng còn lại, số tiền trợ cấp từ phía Nhà nước được lấy từ ngân sách.
Bảo hiểm thất nghiệp: Đây là một chính sách nằm trong
hệ thống các chính sách kinh tế - xã hội của quốc gia. Bảo hiểm thất nghiệp là một bộ phận của BHXH nhưng vì nhiều lý do khác nhau nó đã dần dần tách khỏi BHXH. Ngày nay, BHTN được coi là một trong những chính sách có vai trò to lớn khắc phục tình trạng thất nghiệp.
2.3.3. Nội dung cơ bản của bảo hiểm thất nghiệp