Mức hưởng trợ cấp và thời gian hưởng trợ cấp

Một phần của tài liệu BÀI BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ, BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP (Trang 30 - 32)

Mức trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp

Về nguyên tắc mức trợ cấp thất nghiệp phải thấp hơn thu nhập của người lao động khi đang làm việc. Việc xác định mức trợ cấp phải dựa trên cơ sở đảm bảo cho người thất nghiệp đủ sống ở mức tối thiểu trong thời gian không có việc làm, đồng thời sao cho họ không thể lạm dụng để muốn hưởng trợ cấp hơn là đi làm. Vì vậy, hầu hết các nước đã triển khai BHTN, đều dựa trên những cơ sở sau đây để xác định mức trợ cấp BHTN:

o Mức lương tối thiểu.

o Mức lương bình quân cá nhân.

Dựa vào mức lương nào là tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể, nhưng mức lương nào dùng để xác định mức trợ cấp cũng là mức lương làm căn cứ đóng phí BHTN. Theo (ILO), mức trợ cấp BHTN tối thiểu bằng 45% thu nhập trước khi thất nghiệp. Song trong quá trình vận dụng đã có 3 phương pháp xác định mức trợ cấp thất nghiệp sau đây:

o Phương pháp thứ nhất: Xác định theo một tỷ lệ đồng đều cho tất cả mọi người thất nghiệp căn cứ vào mức lương tối thiểu, mức lương bình quân cá nhân, hay mức lương tháng cuối cùng.

o Phương pháp thứ hai: Xác định theo tỷ lệ giảm dần so với tiền lương tháng cuối cùng. Ví dụ, ở nước cộng hoà Séc và Hungari quy định:

 3 tháng đầu mức trợ cấp là 70% lương tháng cuối cùng.  6 tháng sau mức trợ cấp là 50% lương tháng cuối cùng  3 tháng cuối mức trợ cấp là 40% lương tháng cuối cùng.

o Phương pháp thứ ba: Xác định theo tỷ lệ luỹ tiến điều hoà, nghĩa là mức lương thấp thì được hưởng tỷ lệ trợ cấp cao, ngược lại mức lương cao thì tỷ lệ trợ cấp lại thấp nhằm duy trì mức sống tối thiểu, tránh tình trạng lợi dụng bảo hiểm thất nghiệp. Ví dụ: mức lương thấp thì tỷ lệ được trợ cấp là 80%, còn mức lương cao thì tỷ lệ được trợ cấp là 50% so với tiền lương tháng cuối cùng của người lao động trước khi bị thất nghiệp.

Ngoài ra, có nước còn căn cứ vào số con trong gia đình, lao động trí óc, lao động chân tay, thành thị và nông thôn khi xác định mức trợ cấp thất nghiệp.

Thời gian hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp

Thời gian hưởng trợ cấp BHTN tối đa phụ thuộc chủ yếu vào yếu tố tài chính, vào quỹ bảo hiểm và thời gian tham gia BHTN, ngoài ra còn phụ thuộc nhiều vào các điều kiện kinh tế - xã hội. Trong các thời kỳ mà tỷ lệ thất nghiệp thấp, người lao động có khả năng tìm kiếm được việc làm và có nhiều ngành nghề mức cầu về lao động còn có khả năng thu hút dễ hơn, thì thời hạn hưởng trợ cấp sẽ hạ thấp xuống. Ngược lại, vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế, số người thất nghiệp gia tăng thì thời hạn hưởng được kéo dài, nhưng cũng chỉ có thể kéo dài trong phạm vi quỹ BHTN có thể chịu được.

Cụ thể, người lao động thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong một thời gian ngắn, sau đó có việc làm sẽ ngừng hưởng trợ cấp vì họ đã có lương. Thời hạn hưởng trợ cấp tối đa phải được quy định cụ thể, nếu quá thời hạn tối đa mà người thất nghiệp chưa có việc làm vẫn phải ngừng trợ cấp và khi đó họ có thể được trợ giúp từ phía xã hội. Nhìn chung, các nước thường quy định thời hạn trợ cấp tối đa từ 12 đến 52 tuần (từ 3 tháng đến 1 năm). Thời hạn tạm chờ từ 3 đến 7 ngày đầu thất nghiệp không được hưởng trợ cấp. Điều này làm giảm nhẹ tài chính cho quỹ bảo hiểm và đơn giản hoá khâu quản lý trong trường hợp thất nghiệp ngắn ngày.

Một phần của tài liệu BÀI BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ, BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(36 trang)