Đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức

Một phần của tài liệu Nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tính chuyên nghiệp cao, có năng lực sáng tạo, có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng (Trang 30 - 33)

Đánh giá CBCCVC là khâu quan trọng, căn bản nhất trong quá trình quản lý và sử dụng CBCCVC. Làm tốt công tác đánh giá sẽ tạo nên môi trường làm việc tốt trong mỗi cơ quan, đơn vị; sẽ khuyến khích công chức làm việc hiệu quả, đồng thời sàng lọc, loại bỏ những người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; là căn cứ để lựa chọn, sắp xếp, bố trí, đề bạt, sử dụng đúng với năng lực, sở trường, từ đó chủ động trong việc đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và bổ nhiệm cán bộ.

Đánh giá CBCCVC cần bao gồm những nội dung: đánh giá hiệu quả làm việc (chất lượng hoàn thành công việc, thời gian hoàn thành, cách thức thực hiện, chuẩn mực thái độ hành vi khi thực hiện công việc); đánh giá năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ (sự tận tụy, tinh thần trách nhiệm, khả năng phối hợp,…); phẩm chất, đạo đức, tinh thần, thái độ làm việc (chấp hành đường lối, chủ trương, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong, lề lối làm việc, thái độ ứng xử, duy trì kỷ luật cơ quan,…). Ngoài ra, đối với cán bộ lãnh đạo,

quản lý, cần đánh giá cán bộ dựa trên: kết quả hoạt động của cơ quan, đơn vị được giao; năng lực lãnh đạo, quản lý, năng lực tập hợp, đoàn kết cấp dưới.

Không có bộ tiêu chí nào là tối ưu cho tất các cơ quan, đơn vị, mà mỗi đơn vị phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và mục tiêu hoạt động của đơn vị cũng như mục tiêu của việc đánh giá để xác định những phẩm chất cần có ở cán bộ của mình.

Về phương pháp, tùy loại CBCCVC mà áp dụng phương pháp đánh giá phù hợp và đổi mới theo hướng phân cấp mạnh cho cấp ủy, người đứng đầu trực tiếp quản lý đánh giá, sử dụng cán bộ gắn với các chế tài kiểm soát quyền lực. Đối với cán bộ bổ nhiệm (theo chế độ thủ trưởng), người đánh giá cán bộ là thủ trưởng đơn vị. Cấp ủy chủ trì lấy phiếu tín nhiệm hằng năm từ quần chúng, đảng viên buộc người đứng đầu phải có quyết định đúng đắn, khách quan, công tâm, hiệu quả.

Tùy vào mục đích của việc đánh giá CBCCVC mà thời điểm đánh giá có thể khác nhau. Thông thường việc đánh giá CBCCVC được thực hiện theo chu kỳ hằng năm, thường vào cuối năm để đánh giá hiệu quả làm việc trong năm, phù hợp với kế hoạch hoạt động và tổng kết hoạt động của các cơ quan, đơn vị cũng theo chu kỳ đánh giá hàng năm. Tuy nhiên, cũng có những nơi thực hiện đợt đánh giá giữa chu kỳ để kịp thời có sự điều chỉnh kế hoạch hoặc điều chỉnh nhân sự cho phù hợp với tiến độ công việc. Các trường hợp đánh giá CBCCVC không theo chu kỳ có thể bao gồm: đánh giá cán bộ trước khi bổ nhiệm, luân chuyển, hoặc sau khi hết tập sự

3.3.6. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật

Chế độ chính sách đảm bảo lợi ích vật chất đối với đội ngũ CBCCVC bao gồm các chế độ, chính sách như: tiền lương, phụ cấp, tiền thưởng, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… Đây chính là một trong những yếu tố thúc đẩy sự tận tâm, tận

lực phục vụ nhân dân cũng như là động lực, là điều kiện đảm bảo để họ phấn đấu nâng cao trình độ, năng lực trong việc hoàn thành tốt công việc được giao.

Khi các chế độ, chính sách đảm bảo lợi ích vật chất đối với đội ngũ CBCCVC được đảm bảo sẽ tạo nên những tiền đề và động lực sau: Thứ nhất, đảm bảo thu nhập và các điều kiện sống cần thiết cho CBCCVC và gia đình họ; Thứ hai, đây là điều kiện để mỗi CBCCVC có thể học tập để nâng cao trình độ; Thứ ba, nó là mục tiêu, động lực phấn đấu, cạnh tranh của nhiều người trong việc nâng cao trình độ, năng lực.

Đổi mới chính sách tiền lương để tiền lương thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống cho CBCCVC và gia đình người hưởng lương; từ đó CBCCVC có thể thực sự tâm huyết, cống hiến, yên tâm công tác, là động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững. Tuy nhiên trên thực tế, mặt bằng lương hiện nay vẫn còn khá thấp, dẫn đến tình trạng CBCCVC không yên tâm và không chuyên tâm công tác, một bộ phận CBCCVC phải tìm kiếm thêm các nguồn thu nhập khác ngoài lương để duy trì cuộc sống.

Xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia một cách khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ; tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm đời sống của người hưởng lương và gia đình người hưởng lương, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Bên cạnh đó cần hoàn thiện, phát huy tác dụng thực sự của chế độ khen thưởng và kỷ luật dựa vào hiệu quả công tác và thành tích cống hiến trên cơ sở tăng thẩm quyền cho người đứng đầu đơn vị. Cần thực hiện thí điểm việc đánh giá hiệu quả công việc của CBCCVC hằng năm dựa trên hợp đồng lao động, giao việc với CBCCVC. Có cơ chế khuyến khích tăng lương vượt bậc đối với CBCCVC sau khi được xếp loại, nếu CBCCVC nào trong 2 hoặc 3 năm liên tục không hoàn thành nhiệm vụ có thể bị buộc thôi việc. Xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu đơn vị trong công tác cán bộ đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp có thẩm quyền và nhân dân. Đổi mới công tác thi đua khen thưởng, kỷ luật để thực sự là một nguồn lực động viên CBCCVC tâm huyết, say mê với công việc, đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công vụ.

Một phần của tài liệu Nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tính chuyên nghiệp cao, có năng lực sáng tạo, có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng (Trang 30 - 33)