Cải thiện môi trường pháp lý
Cần cải thiện môi trường pháp lý chung tạo khuôn khổ cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trước và sau khi định giá. Cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường, thiết lập một môi trường pháp lý ổn định, đồng bộ cho hoạt động kinh doanh chứng khoán. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt thích đáng đối với các hành vi vi phạm. Ngoài ra, cần xây dựng và mở rộng hoạt động cua các trung gian tài chính, các tổ chức hỗ trợ phát triển thị trường
Xây dựng một thị trường chứng khoán minh bạch và bền vững, cần tăng cường cơ chế quản lý, giám sát công bố thông tin trên thị trường, tạo ra một thị trường minh bạch giúp các nhà dầu tư có thể ra quyết định dựa trên thông tin đầy đủ, hệ thống và chính xác. Hoạt động công bố thông tin càng minh bạch, càng được giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chủ quản, càng làm cho hoạt động định giá cổ phiếu trở nên hiệu quả
Xây dựng hệ thống chỉ tiêu chung của ngành và của nền kinh tế
Hiện nay các chỉ tiêu của ngành và nền kinh tế chưa có nguồn được thống kê chính thức và tin cậy. Các chỉ tiêu này là căn cứ quan trọng để đánh giá được mức độ xác thực tình hình tài chính của doanh nghiệp đối với chỉ tiêu chung của ngành nói chung và so với đà tăng trưởng của nền kinh tế nói riêng. Vậy nên việc xây dựng hệ thống chỉ tiêu chung của ngành và nền kinh tế là cần thiết và có ý nghĩa rất lớn đối với các nhà đầu tư. Có được chỉ tiêu trung bình ngành và nền kinh tế giúp công tác phân tích trở nên nhanh chóng, tin cậy và hiệu quả.
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tham chiếu phục vụ cho công tác định giá
Các phương pháp định giá luôn đòi hỏi phải có một khối lượng thông tin đầy đủ và chính xác được cung cấp. Các phương pháp đưa ra cho thấy thông tin được cung cấp phải đạt được độ tin cậy ở mức độ cần thiết và cần có cơ sở tin cậy để tham chiếu và xử lý thông tin. Thông tin doanh nghiệp hoặc ngành thường đến từ nhiều nguồn khác nhau nên nếu các thông tin này được công bố và có cơ sở tham chiếu sẽ giúp các chuyên gia định giá có định hướng và cơ sở để ước định được các tỷ lệ rủi ro cũng như giá trị doanh nghiệp nhanh chóng. Nó góp phần làm giảm đi tính chủ quan cũng như sự hạn chế về trình độ của người đánh giá.
+ Chính phủ cần cho thành lập trung tâm lưu trữ dữ liệu trên phạm vi quốc gia, tăng cường chia sẻ thông tin và hiệu quả sử dụng nguồn dữ liệu.
+ Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về số liệu thống kê cho các chỉ tiêu tài chính trung bình ngành bằng cách dựa trên các báo cáo tài chính, đồng thời cần được công khai minh bạch trên internet để các chuyên gia định giá có thể tham khảo bất kỳ lúc nào.
+ Thúc đẩy nhanh sự phát triển của thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán phát triển sẽ chỉ ra giá thị trường của doanh nghiệp hàng ngày trên các bảng điện tử tại sở giao dịch chứng khoán hoặc tại trung tâm giao dịch chứng khoán. Đó là thông tin quan trọng để đối chiếu với sự đánh giá của các chuyên gia về giá trị cổ phiếu.
Hoàn thiện phương pháp định giá
Ban hành các hướng dẫn về việc lựa chọn các phương pháp định giá, điều kiện và cách thức. Trong đó cần có quy định về sử dụng phương pháp nào là chính, quy định về sử dụng các phương pháp bổ sung và kiểm tra kết quả, độ tin cậy.
Bổ sung phương pháp định giá được áp dụng: Nhà nước cần ban hành danh mục và hướng dẫn về mặt nguyên tắc xác định các tham số đối với từng phương pháo đã đưa ra. Xây dựng cơ sở dữ liệu cho các loại hình và ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp làm cơ sở cho việc tham chiếu khi thực hiện định giá doanh nghiệp.
Tăng cường đào tạo chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của các thẩm định viên đối với tổ chức thẩm định giá.
Đến nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu về thẩm định giá trong xã hội ngày càng lớn, đặt ra yêu cầu phải đưa thẩm định giá tài sản trở thành một nghề - một loại hoạt động dịch vụ tư vấn mang tính chuyên nghiệp, độc lập, khách quan, đủ năng lực hoạt động
Các doanh nghiệp thẩm định giá cần triển khai công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thẩm định giá theo quy định, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng chuyên môn của thẩm định viên và việc chấp hành các quy định của Nhà nước về thẩm định giá thông qua việc hướng dẫn xây dựng và ban hành quy trình kiểm soát chất lượng hoạt động thẩm định giá. Doanh nghiệp thẩm định giá có trách nhiệm khuyến khích, bố trí, tạo điều kiện cho thẩm định viên tham gia bồi dưỡng kiến thức và nghiệp vụ chuyên môn theo quy định, đồng thời ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để thẩm định viên đáp ứng yêu cầu công việc thẩm định giá.
Thẩm định viên phải không ngừng nâng cao kiến thức và nghiệp vụ chuyên môn cũng như kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn, trong môi trường pháp lý. Hàng năm, thẩm định viên có nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về thẩm định giá do cơ quan, tổ chức được phép tổ chức. Các tiêu chuẩn đạo đức và trình độ chuyên môn nghề nghiệp thẩm định giá gồm: Độc lập, chính trực, khách quan, bảo mật, công khai, minh bạch, năng lực chuyên môn và tính thận trọng, tư cách nghề nghiệp, tuân thủ tiêu chuẩn chuyên môn.